Cột cờ Lũng Cú, nhà Vương bị bôi bẩn

08:07, 23/08/2013

Di tích cột cờ Lũng Cú, Dinh nhà Vương ở Đồng Văn, Hà Giang bị bôi bẩn khiến phải đặt lại vấn đề công tác quản lý, khai thác di sản.

Chuyện viết vẽ bậy lên các bức tường di tích có lẽ là điều không còn mới, và bức tường ở di tích cột cờ Lũng Cú, Đồng Văn, Hà Giang cũng không ngoại lệ.

 

Cột cờ này vừa được xây lại vào năm 2010, nhưng đã sớm bị người dân, du khách sử dụng như tấm bia chép đủ cung bậc cảm xúc theo kiểu ngày... tháng... năm…, anh A, chị B đã đến đây. Hoặc có khi là nơi tiếng lòng được cất lên như: H ơi, anh yêu em. Hoặc có khi là thánh địa của mối tình đã "đứt": Không có em, anh chết mất T ơi...

 

Những dòng chữ này được khắc từ cổng, men theo tường cầu thang lên đến đỉnh. Có ai đó thấy ngứa mắt nên đã dùng bình sơn xịt màu bạc, xịt đè lên các chữ để che đi, nhưng "oái oăm", do không cùng màu sơn, những điểm được sơn màu bạc vô tình tạo thêm nhiều vết bẩn trên bức tường màu lam đậm.

 

Cách cột cờ Lũng Cú trên 25km là dinh nhà Vương nằm khuất trong thung lũng Sà Pìn. Ngôi nhà này là một kiệt tác bằng đá, điểm xuyết bằng những kiểu thức trang trí lạ mắt, có khi được chạm bằng gỗ, có khi được tạc bằng đá... Tuy được thể hiện bằng nhiều chất liệu, song người thợ xưa kia vẫn bảo đảm được sự thống nhất về mô-tip trang trí.

 

Chỉ tiếc, mới đây khi cho xây dựng hàng rào mới ở nhà Vương, có lẽ những nhà quản lý đã "quên" không nhắc đội thợ chọn màu sơn. Thế nên khi xây xong, người ta đã tiện tay sơn màu vàng cho hệ thống tường rào và điểm màu xanh cho những quả thuốc phiện được gán ghép một cách miễn cưỡng . Đây là cặp màu từng tạo lên sự lòe loẹt xảy ra sau khi trùng tu công trình dinh Hoàng A Tưởng, Bắc Hà, Lào Cai. Còn ở nhà Vương, Đồng Văn, Hà Giang, cặp màu này hoàn toàn không phù hợp với gam màu xám chủ đạo của di tích, tạo tâm lý ức chế cho du khách khi vừa đặt chân đến.

 

Theo lãnh đạo Bảo tàng tỉnh Hà Giang, công trình xây mới này nằm ngoài khu vực 1, 2 bảo vệ di tích, điều này có nghĩa công trình không vi phạm Luật di sản văn hóa.Tuy nhiên sẽ hay hơn nếu người ta sơn màu xám của đá, thay cho màu vàng, xanh như hiện tại.

 

Và việc bảo vệ di tích sẽ hiệu quả hơn nếu tới đây, cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa tỉnh Hà Giang tổ chức cắm mốc khoanh vùng bảo vệ di tích trước khi bàn giao cho địa phương quản lý theo phân cấp. Đồng thời, UBND tỉnh Hà Giang cần có thêm quy định trước khi triển khai xây dựng ở khu vực có di tích, các địa phương, chủ đầu tư dự án cần có văn bản thỏa thuận với ngành quản lý di tích để được tư vấn, tránh gây những tác động xấu đến khu vực cảnh quan di tích.