Nhờ sự dễ dãi trong việc thành lập các câu lạc bộ (CLB) sáng tác văn học ở các địa phương, hàng nghìn người nông dân bỗng chốc trở thành… nhà văn, nhà thơ. Rất nhiều người quanh năm chân lấm tay bùn, không nhớ nổi một bài thơ, chỉ cần nộp tiền cũng được cấp thẻ hội viên, được tặng bằng khen... Đây là hiện tượng không chỉ làm ảnh hưởng đến những người hoạt động trong lĩnh vực văn học, mà còn ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế của nhiều hộ dân nghèo.
Tràn lan nhà thơ tự phong
Nếu chỉ làm thơ, sinh hoạt CLB để sống vui vẻ lúc tuổi già thì chẳng có gì đáng nói. Đằng này, nhiều cụ già chắt chiu tiền bán thóc, bán gà dồn vào cho đủ tròm trèm 10 triệu đồng đi in một tập thơ. Có người không đủ tiền thì thuê đánh máy, dàn trang và phô tô, đóng quyển tặng bạn bè. Cũng có cụ hoạt động trong các nhóm thơ, CLB thơ thì đóng tiền cùng in tập, lại có hình thức một “ông trùm” nào đó đứng ra bao thầu, thu thập bài, ai muốn in trong tuyển tập đó phải nộp tiền.
Chuyện “bóp mồm bóp miệng”, chẳng dám chi tiêu ấy nói lên một điều, các cụ yêu thơ, văn học, thích vui thì có thể chấp nhận. Nhưng chuyện đắm đuối rồi tự phong, tự khoe mình là “nhà thơ” sau khi có một vài bài in trong tuyển tập cấp xã, CLB thì không thể chấp nhận. Chẳng lẽ, để trở thành một nhà thơ mà lại dễ dàng đến thế?.
Dịp vừa rồi về Nam Trực (Nam Định), tôi cũng gặp một nhóm “nhà tự phong” cấp xã. Họ đa số là những người nông dân, một số là chủ tịch hội Cựu chiến binh, hội Nông dân cùng tham gia sinh hoạt thơ, và là những người chưa được tham gia CLB Thơ Việt Nam (do nhà thơ Bành Thông làm chủ tịch).
Ông Trần Cựu, trưởng của nhóm này cho biết: “Chúng tôi là những nhà thơ nông dân, vừa làm ruộng vừa làm thơ. Ấy thế, thơ của chúng tôi cũng oách lắm. Đây này, anh cứ đọc thử vài bài. Những ngày rảnh, chúng tôi vẫn đọc cho nhau nghe những bài mới”.
Vừa nói, ông Trần Cự vừa rút ra một tập dày, là bản thảo thơ chép tay, có xấp đã được đóng ghim cẩn thận, là “sản phẩm” của gần 20 “nhà thơ”. Theo ông Cự, nhóm dự kiến sẽ trích kinh phí, cùng tổ chức in một tập cho… hoành tráng (!?), có ảnh chân dung của các “nhà thơ” và số điện thoại để bạn đọc tiện liên hệ.
Qua nói chuyện, và tìm hiểu, ở khắp các làng quê, từ nhiều năm qua xuất hiện tràn lan các CLB, nhóm sáng tác của những người từ trung tuổi trở lên. Họ tự tổ chức, in ấn, trao thưởng, đại hội và cả kếp nạp hội viên. Rồi cũng có thi thố, tranh luận, cãi vã, chửi đổng vì “văn mình vợ người” như thường.
Tệ hơn, trong những ngày vừa qua, dư luận bất bình bởi những kiểu người sính làm thơ, nhưng kém hiểu biết, ngù ngờ về con chữ, chuyên “xào” thơ của người khác, tệ hơn là của những thi nhân Việt Nam, biến thành thơ mình.
Rất nhiều người làm thơ kiểu… con cóc, nghĩ gì nói đấy, như cách nói chuyện hằng ngày. Thế nhưng, cứ có tiền, mang bản thảo đến nhà xuất bản là được bán giấy phép. Thành ra mới có kiểu thơ nôm na như: “Xuân đến, xuân đi, xuân trở lại/ Ta chẳng mong sao xuân tới hoài… Đất khách hững hờ: “Chờ tết hả?”/Quê người ngán ngẩm: “Đón xuân ai?”… Mỗi năm, có đến hàng trăm tập thơ, với những bài thơ chất lượng “trời ơi” như vậy ra đời.
Dễ bị xỏ mũi
Nắm bắt tâm lý của nhiều người sính thơ, háo danh, nhẹ dạ đối tượng lừa đảo đã lợi dụng để kiếm lời. Qua liên hệ với nhà thơ Lê Hồng Thiện ở Hưng Yên, Hội viên Hội Nhà văn VN, tôi được biết một số CLB thơ cấp huyện đang nháo nhào về vụ “nhà thơ” Đăng Hạ lừa phỉnh, chiếm đoạt tiền bạc của các hội viên.
Ông Thiện chỉ ra cụ thể: “Với quy chế kết nạp hội viên hết sức lỏng lẻo và dễ dãi, chỉ cần có 2 bài thơ gửi tới CLB, đóng góp phí nhập Hội và Hội phí hằng năm, nên chỉ trong một thời gian ngắn cái gọi là "CLB sáng tác VHNT Việt Nam, đã phát triển được 15 chi nhánh ở các địa phương, trong đó có Hà Nội, Hưng Yên, Phú Thọ, Nam Định…
Theo một thành viên dự cuộc họp trù bị đại hội CLB sáng tác VHNT Việt Nam sáng 7/7/2013 tại nhà Đăng Hạ: Tính đến tháng 7/2013 câu lạc bộ đã có 4.500 hội viên, hầu hết là những người về hưu, có hội viên ngót 90 tuổi”.
Ông Bùi Quốc Chiến ở huyện Khoái Châu (Hưng Yên), là nạn nhân của Đăng Hạ tỏ ra vô cùng bức xúc với cách làm việc à uôm, cách kết nạp kiểu “vơ bèo vạt tép” của gã, nhằm củng cố địa vị trước các CLB cấp huyện, xã của một “nhà thơ” sinh năm 1984.
Là người được xác định chưa từng làm ở một tờ báo nào, chưa là hội viên của Hội Nhà báo hay Hội Nhà văn VN, nhưng đi đâu Đăng Hạ cũng tự xưng là: Nhà báo, nhà thơ Đăng Hạ; gã cũng thản nhiên bán bằng khen, giấy khen, thẻ và tiền bao thầu nhiều đầu sách.
Cách đây vài tháng, Đăng Hạ gây lùm xùm ở tỉnh Phú Thọ, và một số hội viên làm đơn cầu cứu các cơ quan chức năng. Cơ quan An ninh Chính trị Nội bộ thuộc Công an Phú Thọ vào cuộc. Ngày 5/2/2013, Công an tỉnh Phú Thọ có công văn số 33/CAT-ANCTNB gửi Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Sở Nội vụ; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Hội Văn học Nghệ thuật Phú Thọ yêu cầu bà Nguyễn Thị Ánh Thu, Chủ tịch CLB sáng tác VHNT Phú Thọ phải ngừng hoạt động, thu hồi con dấu. Công an Phú Thọ cũng điều tra, phát hiện nhiều sai phạm của Đăng Hạ.
Trường hợp người tự xưng “nhà” kể trên là một điển hình cho kiểu lừa phỉnh chữ nghĩa ở các làng quê. Những người kém hiểu biết rất dễ bị các đối tượng “xỏ mũi”. Hy vọng, đây sẽ là một bài học giúp cho nhiều người có ý định tham gia các CLB thơ cần tỉnh táo trước khi mang tiền nộp cho những kẻ giả mạo.