Những người nhóm lửa Then ở Phú Thượng

14:50, 06/09/2013

“Quê hương em Võ Nhai - Đình Cả, có điện về thắp sáng thay sao. Cuộc sống mới, nhà thêm tầng mới, có truyền hình tiếp sóng cho dân. Suối Mỏ Gà nước trong, nước mát. Hang Phượng Hoàng đẹp lắm ai ơi! Hồ Quán Chẽ mênh mông biển nước, tưới cho đồng Dân Tiến, Bình Long á ơi…”. Đó là giai điệu bài hát Then cùng tiếng đàn Tính mượt mà vang lên từ ngôi nhà của chị Vũ Thị Thúy, xóm Nà Kháo, xã Phú Thượng (Võ Nhai).

Bước vào nhà, chúng tôi bắt gặp chị Thúy cùng một số chị em trong trong Câu lạc bộ (CLB) hát Then của xóm ngồi quây quần, say sưa bên cây đàn tính và ngân nga hát. Xung quanh là các cháu nhỏ chăm chú lắng nghe, miệng mấp máy hát theo. Tiếng đàn lúc trầm, lúc bổng khiến lòng người xốn xang. Không ngờ những ngón tay thô ráp kia lại có thể thuần thục trên phím đàn Tính, tạo ra những âm thanh tuyệt vời đến vậy. Những người hằng ngày vẫn “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” lam lũ mà vẫn dành cho Then sự đam mê cháy bỏng.


Tạm dừng tay phím, chị Lường Thị Thú vui vẻ: Tôi thích hát Then, mê tiếng đàn Tính từ nhỏ nhưng không có điều kiện để học. Lớn lên lại mải mê công việc, chăm lo gia đình… Không ngờ sống đến nửa đời người tôi lại được thỏa nỗi đam mê với Then. Từ ngày CLB hát Then của xóm được thành lập, tôi và chị em không chỉ có nơi để ca hát với nhau mà còn được đi giao lưu hay các hội diễn văn nghệ của địa phương.


Xóm Nà Kháo có 157 hộ dân, sống chủ yếu bằng nghề nông nghiệp. Chi hội Phụ nữ có 60 hội viên, trong đó 90% là người dân tộc Nùng. Tuy là quê hương của hát Then, một nét văn hóa truyền thống bao đời của người Tày – Nùng nhưng cũng bởi cuộc sống vất vả, lam lũ mà bấy lâu nay tiếng hát Then như đã bị quên lãng.


Chị Vũ Thị Thúy, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ, Chủ nhiệm CLB kể lại: Trong những buổi đổi công, sinh hoạt chi hội, hay lao động, sinh hoạt hằng ngày, tôi thấy các chị em hay hát Then. Bản thân tôi cũng rất thích. Vậy là tôi ấp ủ ý tưởng thành lập CLB hát Then của Chi hội. Như “bắt trúng mạch”, khi đem vấn đề này ra bàn bạc, chị em hưởng ứng ngay. Nên chỉ sau 3 tháng chuẩn bị, vừa luyện tập vừa đề nghị lên các cơ quan có thẩm quyền, đến ngày 19-10-2012, CLB hát Then chính thức ra mắt trong sự vui mừng của cả xóm.


Từ đó, cứ vào tối mùng 10 Âm lịch hằng tháng, Nhà văn hóa xóm Nà Kháo lại rộn ràng tiếng Then. Ngoài 25 hội viên của CLB còn có nhiều bậc cao niên, thanh niên và trẻ em đến nghe, xem và động viên, khích lệ những “cây nhà lá vườn”.


Bà Bằng Thị Mai (54 tuổi), dù gương mặt đã nhiều nếp nhăn nhưng giọng hát vẫn rất trong trẻo, truyền cảm bộc bạch: Tôi mê hát Then từ nhỏ. Mỗi lần đi đâu thấy người ta hát là như trẻ mải chơi quên đường về. Từ ngày tham gia vào CLB, chúng tôi có nơi sinh hoạt riêng. Ngoài việc dạy nhau đàn, luyện tập các làn điệu quen, chúng tôi còn tìm chép lại những lời mới để tự học. Khi tìm được đĩa Then có bài mới, chúng tôi cho chạy đi, tua lại chép cho bằng được lời, nghe cho “lọt” nhạc điệu, sau đó tập theo. Cứ như vậy, 3, 4 lần là các chị em thuộc được một bài mới. Người này học được thì truyền lại cho những người khác, mê lắm!
Mặc dù hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng chị Hoàng Thị Hòe chưa bỏ một buổi sinh hoạt CLB nào. Cũng giống như những chị em khác trong CLB, với chị, Then là là món ăn tinh thần không thể thiếu, là nguồn động viên giúp chị quên đi những giờ lao động mệt nhọc. Cũng bởi lẽ đó, mặc dù còn thiếu thốn đủ bề nhưng lửa Then luôn cháy bỏng trong mỗi chị em.


Chị Thúy kể lại: trước khi CLB được thành lập, chúng tôi chỉ có 1 cây đàn, trang phục là những bộ quần áo Nùng bình dị mặc hằng ngày, không có trang phục biểu diễn, cũng không có thầy nào dạy dỗ, dẫn dắt. Hạt nhân của CLB chỉ là những người yêu Then, trong đó chỉ có 3, 4 người biết đàn. Cũng chỉ có ngần ấy người hát được hay, được chuẩn. Kinh phí hoạt động là con số không tròn trịa. Nhưng với niềm đam mê mãnh liệt, ai cũng quyết tâm thực hiện bằng được ý tưởng. Các chị em đã bàn nhau góp tiền mua thêm 2 cây đàn Tính. Ngoài ra, chị em còn đi thuê, mượn thêm trang phục, đàn để biểu diễn. Cũng nhờ buổi ra mắt gây ấn tượng đẹp mà từ đó, CLB thường xuyên được mời đi biểu diễn, giao lưu trong các chương trình văn hóa, văn nghệ của địa phương. Sắp tới, CLB sẽ kết nạp thêm một số hội viên mới. Điều đáng mừng là lũ trẻ trong xóm cũng thích hát Then và khi có dịp lại nhờ chúng tôi dạy đàn. Chỉ hiềm một nỗi là chúng tôi thiếu thốn. Nếu như được sự quan tâm của các cấp, ngành chức năng thì chắc chắn CLB sẽ còn phát triển mạnh hơn nữa.


Đam mê hát Then, đàn tính nhưng chị em vẫn không quên động viên, giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế, giúp nhau vượt qua khó khăn của cuộc sống hàng ngày. Hằng năm, các hội viên đều tích tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học công nghệ, đào tạo nghề nông thôn, trồng trọt, chăn nuôi do xã, huyện tổ chức. Chi hội còn giúp cho 90% chị em được tiếp cận vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách – Xã hội huyện để đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Nếu như năm 2006, số hội viên nghèo của Chi hội còn chiếm đến 60% thì đến nay, con số ấy chỉ còn trên 30%. Mỗi khi có hội viên gặp khó khăn, Chi hội lại “hò” nhau góp tiền, ngày công để giúp đỡ. Bởi vậy, chị em hội viên luôn có tình cảm gắn bó mật thiết với nhau.


Trở lại với câu chuyện những người nông dân mê hát Then, tôi chợt nghĩ, “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” (theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 - khóa VIII) đâu cứ phải những gì to tát, lớn lao mà đôi khi chỉ là hành động rất nhỏ, xuất phát từ chính tình yêu và nhu cầu cấp thiết của người dân. Và, nếu CLB nhận được sự quan tâm, đầu tư đúng mức từ các cấp, ngành chức năng thì sức sống của Then sẽ còn mạnh mẽ hơn nữa.


Chia tay Nà Kháo, bên tai tôi, tiếng Then vẫn còn văng vẳng.