Mỹ thuật đương đại Việt Nam đến với công chúng Anh

14:16, 31/10/2013

Nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Vương quốc Anh, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã nhận lời mời của Bảo tàng Khảo cổ học và Nhân học Đại học Cambridge mang bức tranh “Gióng” của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm tới trưng bày tại gian trưng bày thường xuyên của Bảo tàng tại thành phố Cambridge.  

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng phối hợp với giáo sư-tiến sĩ Susan Bayly thuộc Khoa Nhân học Xã hội Đại học Cambridge tổ chức các buổi giới thiệu và thuyết trình dành cho công chúng.

 

Sự kiện này nằm trong số nhiều hoạt động tại Lễ hội Ý tưởng tôn vinh nghệ thuật, nhân văn và khoa học xã hội đang diễn ra tại Đại học Cambridge, một trong những viện đại học lâu đời và danh tiếng hàng đầu của Anh.

 

Thông qua các buổi thuyết trình, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Phan Văn Tiến đã giới thiệu cho công chúng Anh, trong đó có nhiều người là các giáo sư, giảng viên và sinh viên của Đại học Cambridge, về nền hội họa đặc sắc của Việt Nam, đặc biệt là nghệ thuật vẽ tranh sơn mài mà bức tranh “Gióng” là một họa phẩm tiêu biểu.

 

Nhiều vị khách đến tham quan bảo tàng không khỏi ngạc nhiên và thán phục khi lần đầu tiên biết đến nguyên liệu sơn qua bàn tay khéo léo và óc sáng tạo tuyệt vời của các họa sĩ Việt Nam lại trở thành một chất liệu hội họa độc đáo đến thế.

 

Công chúng Anh cũng thất rất thú vị với câu chuyện về Thánh Gióng - một nhân vật huyền thoại đã trở thành biểu tượng cho sức mạnh quật cường của một dân tộc nhỏ bé dám đứng lên chống lại các thế lực ngoại xâm. Và họ hiểu hơn giá trị của bức tranh “Gióng” khi biết được rằng Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm không chỉ dùng chất liệu sơn mài độc đáo Việt Nam mà ông đã khai thác các giá trị văn hóa cổ, di sản cổ vào tác phẩm của mình.

 

Góp thêm vào thành công của tuần trưng bày họa phẩm “Gióng” là bài tham luận “Huyền thoại và Niềm Cảm hứng: Mỹ thuật Việt Nam đương đại” của giáo sư-tiến sĩ Susan Bayly.

 

Qua lăng kính của một người nước ngoài đã có nhiều năm nghiên cứu về giáo dục và đời sống văn hóa đương đại Việt Nam, tiến sĩ Bayly đã cung cấp cho người nghe bức tranh rõ nét về việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam qua những tác phẩm hội họa.

 

Tiến sĩ Susan Bayly bày tỏ sự cảm ơn tới Chính phủ Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và cả những bạn trẻ Việt Nam đang học tập tại Đại học Cambrige đã ủng hộ nhiệt tình cho sự kiện này để công chúng Anh có dịp chiêm ngưỡng một trong những báu vật của nền mỹ thuật Việt Nam.

 

Bà nói rằng đây là một dấu ấn lớn đối với Bảo tàng Khảo cổ học và Nhân học Đại học Cambridge, một sự khởi đầu rất tốt cho mối liên kết trong tương lai với các bảo tàng ở Việt Nam, đặc biệt là với Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

 

Qua sự kiện này, công chúng Anh học được rất nhiều về đời sống văn hóa của Việt Nam, đặc biệt là mỹ thuật đương đại, một cầu nối rất tốt để liên kết mọi người với nhau.

 

Tăng cường trao đổi văn hóa và giao lưu nhân dân nằm trong số các ưu tiên mà Việt Nam mong muốn thúc đẩy với Vương quốc Anh trong bối cảnh quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước đã bước sang năm thứ tư và đang ngày càng phát triển tốt đẹp.

 

Bởi vậy, có thể nói rằng tuần lễ trưng bày tranh “Gióng” cùng các sự kiện giới thiệu thuyết trình về mỹ thuật đương đại Việt Nam (từ 28/10 đến 2/11) tại Đại học Cambridge sẽ góp phần mang lại sự hiểu biết sâu sắc hơn giữa người dân hai nước, đặc biệt là với công chúng Anh về đời sống văn hóa Việt Nam./.