Hương sắc xứ Trà hội tụ và lan tỏa

14:26, 11/11/2013

Cuộc thi “Người đẹp xứ Trà” là một trong 6 hoạt động chính của Festival Trà Thái Nguyên - Việt Nam năm 2013. Tối 10-11, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Thái Nguyên, đêm Chung kết Cuộc thi đã diễn ra với sự hội tụ của 32 thí sinh đến từ 12 tỉnh, thành phố có thế mạnh về cây chè. Đêm chung kết đã chọn ra 10 người đẹp nhất. Những thí sinh đạt các danh hiệu của Cuộc thi đã hội tụ vẻ đẹp trí tuệ, tâm hồn, hình thể và tình yêu chân thành đối với quê hương, xứ sở Trà Việt. Phóng viên Báo Thái Nguyên đã có cuộc phỏng vấn đối với những thí sinh đoạt giải cao trong Cuộc thi…

 

Tiếp tục quảng bá để nâng tầm thương hiệu sản phẩm chè Thái

 

  

 

Nguyễn Thị My Ly, giải Nhất cuộc thi “Người đẹp xứ Trà”,

Sinh viên Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh Thái Nguyên.

 

Em rất vui mừng, hạnh phúc khi đăng quang danh hiệu Người đẹp xứ Trà năm 2013. Thành công này của em là có sự động viên, giúp đỡ, ủng hộ của gia đình, các thầy cô giáo, bạn bè và đặc biệt là sự tạo điều kiện tốt nhất của Ban Tổ chức Cuộc thi cho các thí sinh tham gia. Cuộc thi là một hoạt động văn hóa, nhằm quảng bá về đất và người các vùng trà. Đề cao vẻ đẹp truyền thống của người phụ nữ trong thời kỳ CNH-HĐH. Qua các phần thi: trình diễn trang phục dạ hội; áo dài; áo tắm; trang phục tự chọn; ứng xử; pha trà, dâng trà, tham gia trải nghiệm thực tế tại các làng nghề, vùng chè Tân Cương; tham gia hoạt động từ thiện tại Trung tâm Giáo dục và Hỗ trợ trẻ em bị thiệt thòi của tỉnh song ấn tượng nhất với em là phần thi trình diễn trang phục áo dài. Nói đến trang phục truyền thống của người con gái Việt Nam là nhắc tới tà áo dài duyên dáng. Trải qua bao nhiêu lần cách tân cho phù hợp với xu thế hiện đại nhưng cái đẹp bản gốc của trang phục áo dài vẫn không thay đổi: đó là sự mềm mại, thướt tha, kín đáo và cũng đầy hấp dẫn. Em rất hạnh phúc khi sinh ra và lớn lên ở mảnh đất được phong “Đệ nhất danh Trà”.

 

Khi đăng quang ngôi vị cao nhất của Cuộc thi, em tự nhủ mình phải làm gì để quảng bá cho cây chè, những sản phẩm Trà của Thái Nguyên nói riêng và Việt Nam nói chung rộng rãi hơn. Ngay sau khi kết thúc cuộc thi em sẽ tập trung vào việc học tập thật tốt để trở thành nhà quản lý kinh tế giỏi trong tương lai để có thể vận động được nhiều doanh nghiệp đầu tư phát triển các vùng chè Thái Nguyên, góp phần nâng tầm thương hiệu chè Thái vươn ra thế giới. Mặt khác, em sẽ dành một phần tiền thưởng để chia sẻ với những mất mát của các gia đình bị ảnh hưởng, thiệt hại bởi bão Haiyan.

 

Cuộc thi là cơ hội để giao lưu, học hỏi

 

Lý Ngọc Anh, giải Nhì “Người đẹp xứ Trà”, sinh viên Trường Đại học Khoa học, quê ở Cao Bằng.

 

Lần đầu tiên tham dự một cuộc thi lớn có tầm cỡ khu vực nên em thấy rất bỡ ngỡ. Tuy nhiên, được sự giúp đỡ của các cô, chú, anh, chị trong Ban Tổ chức, em đã tiến bộ rất nhiều qua các vòng thi, nhất là kỹ năng giao tiếp, ứng xử ở chỗ đông người; cách trình diễn trang phục trên sân khấu. Tham gia cuộc thi này, mục đích của em là được giao lưu, học hỏi để hoàn thiện bản thân mình. Tuy nhiên, em thấy mình thật may mắn khi đoạt giải Nhì Cuộc thi Người đẹp xứ Trà, đây là một vinh dự lớn đối với em. Em nghĩ một người phụ nữ đẹp không chỉ có ngoại hình bắt mắt mà còn phải có tri thức, ứng xử thông minh, khéo léo. Do đó, để xứng đáng với danh hiệu đã đạt được, sau khi học xong năm học cuối cùng ở Khoa Khoa học Quản lý, Trường Đại học Khoa học, em sẽ tìm một công việc phù hợp với ngành học của mình để cống hiến sức trẻ cho quê hương; tích cực tham gia các hoạt động của Ban Tổ chức để quảng bá cho cây chè, sản phẩm trà và văn hóa trà Việt Nam nói chung, Thái Nguyên nói riêng…

 

Cuộc thi mang đến cho em nhiều kiến thức về văn hóa Trà

 

Thí sinh Nguyễn Thị Hà My, giải Ba Cuộc thi “Người đẹp xứ Trà”, sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Thái Nguyên.

 

Khác các cuộc thi khác, Cuộc thi “Người đẹp xứ Trà” chúng em được tham gia nhiều nội dung hoạt động phong phú, thiết thực. Cuộc thi cũng là dịp để chúng em giao lưu, giới thiệu bản sắc văn hóa trà của mỗi vùng miền trong cả nước tới đông đảo bạn bè và du khách trong và ngoài tỉnh. Trong các phần thi em ấn tượng nhất là phần thi pha trà, hiểu biết về trà. Qua phần thi này em có thêm nhiều kiến thức về văn hoá trà. Trà được người Việt dùng suốt năm, suốt đời, kể từ quán nước bên hè phố đến ấm trà trong gia đình, hay những nhà hàng sang trọng. Nhâm nhi chén trà là khởi đầu cho những cuộc gặp gỡ hàn huyên của bạn bè tri kỷ, của những cuộc giao lưu bất chợt để từ không quen biết trở thành bạn. Cây chè Việt vì thế đã trở thành một thứ cây khởi nguồn cho sự giao lưu tình cảm trong đời sống thường nhật của người Việt. Vinh dự được trao giải Ba của Cuộc thi, em sẽ trích một phần giải thưởng của mình để ủng hộ trẻ em bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam với hy vọng sẽ phần nào xoa dịu nỗi đau cho các em…

 

Cuộc thi có quy mô lớn và tổ chức rất chuyên nghiệp

 

 

Thí sinh Đỗ Thị Hà Lâm, đoạt danh hiệu “Người đẹp thân thiện”,

Sinh viên Trường Cao đẳng nghề tỉnh Yên Bái.

 

Từ vòng sơ khảo, chung  khảo rồi đến đêm Chung kết là một khoảng thời gian dài chúng em được trải nghiệm, thử sức để phát huy hết những nét đẹp của bản thân và tìm hiểu về lịch sử văn hoá vùng đất “Đệ nhất danh Trà”. Cuộc thi Người đẹp xứ Trà được tỉnh Thái Nguyên tổ chức rất quy mô và chuyên nghiệp; các thành viên Ban giám khảo đều là những người có uy tín, kinh nghiệm trong việc đánh giá, thẩm định các phần thi của thí sinh trong suốt thời gian qua. Đến với Cuộc thi Người đẹp xứ Trà em tự hào đã giới thiệu được vẻ đẹp, tiềm năng thế mạnh của cây chè đất Yên Bái đến đông đảo bạn bè, du khách. Em càng hạnh phúc hơn khi được chọn vào Top 10 thí sinh đẹp nhất, rồi Top 5 thí sinh xuất sắc nhất tham gia phần thi ứng xử. Được Ban Tổ chức trao danh hiệu “Người đẹp thân thiện” em nguyện ngay sau cuộc thi này sẽ có nhiều việc làm thiết thực xứng đáng với danh hiệu đã được trao nhận.

 

Hiểu hơn nỗi nhọc nhằn của người dân làm chè

 

Bùi Hương Nhung, đoạt giải “Người mặc áo dài đẹp nhất”, đến từ Hà Nội.

 

Tham gia cuộc thi này, được đi thực tế tại vùng chè đặc sản Tân Cương, em đã hiểu hơn về những nhọc nhằn, vất vả, một nắng hai sương của người làm chè Thái Nguyên nói riêng, Việt Nam nói chung. Để có được thứ chè khô khi đem pha nước sóng sánh màu mật ong, uống vào chát đậm nơi đầu lưỡi, ngọt ngào nơi đáy lưỡi, người nông dân đã phải chăm sóc cây chè như chăm chính bản thân mình, hái chè đúng kỹ thuật (một tôm hai lá), sao chè bằng tôn quay inox… Em thấy trân trọng vô cùng những người nông dân chất phác, dung dị đời thường ấy. Từ đôi bàn tay khéo léo của họ đã tạo ra cho đời thứ thức uống thanh tao mà nhiều người Việt Nam yêu thích.

 

Khi chưa đến với cuộc thi này, em không biết cách pha trà, chưa hiểu nhiều về văn hóa trà. Đến với cuộc thi, em đã hiểu và thấy được văn hóa trà quan trọng như thế nào trong cuộc sống của người Việt. Em thấy yêu văn hóa trà hơn và mong muốn góp công sức nhỏ bé để bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của Trà Thái Nguyên, Trà Việt Nam.