Thế giới thừa nhận Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam ra sao?

17:10, 26/05/2014

Từ hơn 5 thế kỷ trước, Hoàng Sa, Trường Sa đã được các nhà bản đồ học, các nhà hàng hải... phương Tây thừa nhận.

Phần 1: Bản đồ cổ thế giới thừa nhận Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam

 

Trong khi các bản đồ cổ về Trung Quốc do thế giới và chính Trung Quốc xuất bản trước thế kỷ XX đều có cương giới dừng lại ở điểm cực Nam của đảo Hải Nam thì rất nhiều bản đồ cổ về Việt Nam do thế giới và Việt Nam xuất bản đều vẽ Hoàng Sa, Trường Sa và khẳng định chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo này.

 

Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi đề cấp đến những bản đồ thế giới hay bản đồ Đông Nam Á được các nhà hàng hải, các nhà phát kiến địa lý và các thương gia phương Tây vẽ từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX.

 

“Đây là những bản đồ có thể hiện bằng hình vẽ hoặc bằng ghi chú vị trí của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở trong vùng biển của nước ta với nhiều tên gọi khác nhau. Điều này chứng tỏ từ thế kỷ XVI, nhiều người phương Tây đã biết đến vùng biển đảo Hoàng Sa và ghi nhận quần đảo này là một phần lãnh thổ của Việt Nam lúc bấy giờ”, Tiến sĩ Khoa học Trần Đức Anh Sơn - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội T.P Đà Nẵng khẳng định.

 

Theo TS Trần Đức Anh Sơn, trên những tấm bản đồ này, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thường được miêu tả như “lưỡi dao” dài, kéo dọc suốt ngoài khơi đối diện với bờ biển Việt Nam. Tên của các đảo và quần đảo được ghi khá rõ trên bản đồ các bản đồ này. Đầu của “lưỡi dao” thường ghi: I. de Pracel hay Paracel Islands, Paracel, Paracels, Pracel, Parcels... Điểm cuối của “lưỡi dao” thường ghi là Pulo Sissir (hay Pullo Sissir, Pulo Cécir), gồm hai đảo: Pullo Sissir da Terra (Cù Lao Câu) và Pullo Sissir do Mar (Cù Lao Thu) ở vùng biển Bình Thuận ngày nay.

 

Bản đồ do Homann Heirs vẽ năm 1744 thì hình vẽ quần đảo Hoàng Sa được ghi chú là “I. Ciampa”, viết tắt của chữ “Islands Ciampa”, nghĩa là “quần đảo (thuộc vương quốc) Ciampa”. Ciempa hay Campalà tên các nước phương Tây lúc bấy giờ gọi xứ Đàng Trong, do họ cho rằng đây là đất cũ của vương quốc Champa

 

Vùng bờ biển Việt Nam đối diện với quần đảo mà người phương Tây ghi là Pracel hay Paracel, tức là vùng duyên hải miền Trung Việt Nam ngày nay, thì được ghi chú là Costa da Paracel hay Coste de Pracel, tức là bờ biển Hoàng Sa, hay là Costa de Campa, tức là bờ biển Champa. Cách ghi này chứng tỏ các nhà hàng hải, các nhà địa lý phương Tây lúc bấy giờ đã mặc nhiên thừa nhận hai quần đảo này thuộc về Việt Nam lúc bấy giờ mà họ gọi là Cochinchine, Cochinchina, Cauchy-Chyna, Cochi-China, Cauchim Chynan, Annam, Champa…

 

Đặc biệt, trên tờ bản đồ An Nam đại quốc họa đồ do Giám mục Jean Louis Taberd vẽ năm 1838 có ghi dòng chữ Latin: Paracel seu Cát Vàng, nghĩa là “Paracel hoặc là Cát Vàng”. Giám mục Taberd là tác giả một bài viết in trong tạp chí The Journal of the Asiatic Society of Bengal (số 6, năm 1837) xuất bản tại Calcuta, đã khẳng định: “Paracels, hay Pracel, tức là Hoàng Sa - Cồn Vàng, thuộc về Cochinchina”, tức là thuộc về Việt Nam. Bản gốc của bản đồ này hiện đang lưu giữ tại Thư viện quốc gia Pháp Richelieu tại Paris.

 

An Nam đại quốc họa đồ do Giám mục Taberd vẽ năm 1838

 

“Đó là cách mặc nhiên thế giới nhận Hoàng Sa đích thực thuộc chủ quyền của Việt Nam ít nhất từ 5 thế kỷ nay”, nhận xét của nhà sử học Nguyễn Đình Đầu - một chuyên gia hàng đầu về bản đồ cổ Việt Nam. Riêng ông Nguyễn Đình Đầu đã sưu tập được 30 bản đồ cổ của phương Tây, có niên đại từ năm 1489 đến năm 1697, có thể hiện hình vẽ và địa danh hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

 

Bản đồ do W. Blaeu vẽ năm 1645 thì quần đảo Pracel (Hoàng Sa) được vẽ nối liền với các đảo: Pulo Secca de Mare (Cù Lao Thu, tức đảo Phú Quý), Pulo Cambir (Cù Lao Xanh), Pullo Canton (Cù Lao Ré, tức đảo Lý Sơn), thành một chuỗi đảo liên hoàn thuộc lãnh thổ Cochinchina (Đàng Trong)

 

Ngoài ra, cá nhân đã sưu tập được nhiều bản đồ thế giới chứng tỏ Hoàng Sa và Trường Sa thuộc Việt Nam phải kể đến ông Trần Thắng, Việt kiều Mỹ. Anh Trần Thắng sau khi bỏ tiền túi ra mua những tấm bản đồ, cũng như sao chụp các nguồn tư liệu này đã tặng Viện Nghiên cứu và phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng. Đến nay Viện này lưu giữ khoảng 200 bản đồ ở dạng ấn phẩm đã xuất bản và bản mềm được sao chụp từ các ấn phẩm gốc đáng tin cậy đang được lưu giữ trên thế giới.

Bản đồ do Visscher vẽ năm 1680

Như vậy, ngoài những sự kiện lịch sử đã được chứng thực, cùng với các nguồn tư liệu thành văn với nhiều ngôn ngữ khác nhau, thì những tấm bản đồ cổ của phương Tây nói trên đã góp phần chứng minh rằng từ hơn 5 thế kỷ trước, Việt Nam đã xác lập chủ quyền quốc gia trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Chủ quyền này đã được các nhà bản đồ học, các nhà hàng hải, nhà phát kiến địa lý... phương Tây thừa nhận và ghi dấu lên những tấm bản đồ địa lý và bản đồ hàng hải của họ.

 

Vì thế, những tấm bản đồ này là những tư liệu quý, góp phần khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa./.