"Pushkin ở Việt Nam" là chủ đề cuộc tọa đàm diễn ra ngày 22/5, tại Hà Nội nhân kỷ niệm 215 năm ngày sinh của Đại thi hào A.S Pushkin.
Hoạt động do Quỹ hỗ trợ quảng bá Văn học Việt Nam-Văn học Nga (Hội Nhà văn Việt Nam), Hội hữu nghị Việt Nam-Liên bang Nga, Viện nghiên cứu văn hóa Thăng Long và Phân viện tiếng Nga A.S Pushkin phối hợp thực hiện.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết A.S Pushkin là một trong những thi sỹ lớn không chỉ của nước Nga mà còn của cả thế giới. Tọa đàm là dịp các văn nghệ sỹ, người yêu thơ tôn vinh cuộc đời, sự nghiệp của nhà thơ vĩ đại này đồng thời tạo điều kiện để đời sống văn học được phát triển sâu rộng, lan tỏa, tác động đến các tầng lớp xã hội, nhất là thế hệ trẻ.
Đây cũng là cơ hội để thúc đẩy giao lưu văn hóa với Việt Nam và các nước trên thế giới, đặc biệt là với Liên bang Nga...
Tại cuộc tọa đàm, các nhà văn, nhà nghiên cứu, dịch giả… đã chia sẻ những câu chuyện, ấn tượng về thơ, cuộc đời, sự nghiệp của nhà thơ nổi tiếng người Nga. A.S Pushkin là người đặt nền tảng cho ngôn ngữ văn học Nga từ thế kỷ 19.
Tác phẩm của Pushkin xuất hiện ở Việt Nam từ rất sớm và trở nên nổi tiếng ở nước ta thông qua các bản dịch.
Hồn thơ Pushkin đã thấm vào lòng người đọc Việt Nam qua những bản dịch, khi nước ta có được một đội ngũ nhà văn, nhà biên dịch tiếp xúc trực tiếp với các tác phẩm của nhà thơ lớn này chính tại quê hương ông thì sự cảm nhận, sự yêu mến càng được nâng lên.
Nhà thơ, nhà phê bình Vũ Nho chia sẻ lần đầu tiên ông tiếp xúc với A.S Pushkin không phải với thơ ca mà là với văn xuôi; đó là tập truyện dịch hấp dẫn, cảm động ''Đubropxki - người con gái viên đại úy.'' Đọc truyện, ông như được bước vào một thế giới khác với những con người khác hẳn ngoài đời, khác hẳn với vốn văn chương nghèo nàn của một cậu bé nhà quê.
Sau này, ông tiếp tục biết đến A.S Pushkin là mặt trời thơ ca Nga, được tiếp xúc với bài thơ ''Cây Antra,'' ''Con đường mùa đông,'' ''Tôi yêu em,'' truyện cổ tích ''Ông lão đánh cá và con cá vàng''...
Dịch giả Thúy Toàn, Chủ tịch Hội đồng Văn học dịch Hội Nhà văn Việt Nam tâm sự: “Cũng như mọi người Việt Nam, tôi yêu mến A.S Pushkin từ rất sớm. Dịch thơ Pushkin là cách tôi thể hiện tình yêu với ông cũng như với văn học và văn hóa Nga.”
Với hơn 50 năm làm cầu nối văn học giữa hai dân tộc, dịch giả Thúy Toàn cho biết ông đã xuất bản hơn 60 đầu sách; trong đó có khoảng 10 tập thơ, hàng ngàn bài thơ Nga.
Riêng với đại thi hào A.S Pushkin, ông đã dịch được gần 100 tác phẩm. Hầu hết các tác phẩm dịch này được tái bản nhiều lần, trong đó có một số tác phẩm được in trong sách giáo khoa.
Năm 2010, dịch giả Thúy Toàn đã vinh dự được Tổng thống Nga Dmitry Medvedev trao tặng Huân chương Hữu nghị vì những đóng góp phát triển văn hóa Việt Nam- Liên bang Nga...
Nhân dịp kỷ niệm 215 năm ngày sinh đại thi hào A.S Pushkin (6/6/1799-6/62014), Quỹ hỗ trợ quảng bá Văn học Việt Nam-Văn học Nga, Hội hữu nghị Việt Nam-Liên bang Nga, Phân viện tiếng Nga A.S Pushkin… còn phối hợp tổ chức nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc như triển lãm “Pushkin ở Việt Nam,” cuộc thi đọc thơ A.S Pushkin, giới thiệu tập thơ song ngữ có 90 bản thơ gốc của A.S Pushkin và 163 bản dịch của 37 dịch giả…
A.S Pushkin (Aleksandr Sergeyevich Pushkin; 1799-1837) là một nhà thơ, nhà văn, nhà viết kịch nổi tiếng người Nga; được tôn vinh là đại thi hào, mặt trời thi ca Nga.
Ông đã có nhhiều đóng góp to lớn trong việc phát triển ngôn ngữ văn học Nga hiện đại và là biểu tượng của dòng văn học lãng mạn Nga thế kỷ 19./.