Xã hội hóa việc tu bổ, tôn tạo di tích ở Đồng Hỷ

15:27, 07/05/2014

Để huy động nguồn vốn cho việc tu bổ, tôn tạo các di tích, từ nhiều năm gần đây, huyện Đồng Hỷ đã triển khai tốt công tác xã hội hóa - huy động nguồn vốn đóng góp từ nhân dân, qua đó giảm được gánh nặng cho ngân sách Nhà nước, góp phần không nhỏ trong việc phục hồi, gìn giữ các giá trị văn hóa lịch sử của dân tộc.

Theo ông Lục Văn Long, Trưởng Phòng Văn hoá - Thông tin huyện Đồng Hỷ: Các di tích trên địa bàn huyện sau khi được xếp hạng đã thường xuyên được quan tâm trùng tu, tôn tạo bằng nguồn ngân sách nhà nước và sự chung tay góp sức của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và nhân dân. Để triển khai thực hiện tốt việc xã hội hóa trong huy động tiền vốn cho tu bổ, tôn tạo di tích, các cấp ủy đảng, chính quyền đã chỉ đạo thành lập Ban quản lý; xây dựng nội quy bảo vệ di tích; các điểm di tích được gắn biển nội quy bảo vệ. Trong những năm gần đây, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện đã phối hợp với Phòng Giáo dục - Đào tạo giới thiệu cho các em học sinh về nội dung, giá trị các di tích trên địa bàn, đồng thời phân công các trường THCS chịu trách nhiệm phối hợp chăm sóc các di tích đã được xếp hạng.

 

Hỏi chuyện về xã hội hóa trong việc xây dựng di tích, Đại đức Thích Nguyên Thanh, vị sư trụ trì chùa Hang (T.T Chùa Hang) cho biết: Nhà Chùa mới hoàn thành ngôi chính điện Tam bảo, gác chuông và gác trống. Tổng số tiền đầu tư xây dựng 3 công trình này gần 20 tỉ đồng. Tiền xây dựng từ nguồn công đức, quyên góp của nhân dân và phật tử, chưa kể việc nhân dân địa phương đã tham gia đóng góp được hàng vạn ngày công để san lấp đất, tạo mặt bằng xây dựng, giúp các đội thợ xây, thợ mộc trong quá trình thi công.

 

Chủ trương xã hội hóa việc xây dựng di tích ở Đồng Hỷ được nhân dân đồng tình ủng hộ, nên trong những năm gần đây, hầu hết các di tích trên địa bàn được nhân dân công đức sửa chữa, tôn tạo, góp phần làm đẹp cảnh quan di tích. Động Linh Sơn ở khu vực xóm Núi Hột (Linh Sơn) luôn nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương, song do hạn chế về nguồn vốn đầu tư, trùng tu, tôn tạo, nhân dân trong vùng đã tự nguyện công đức, đóng góp được gần 1 tỉ đồng để xây dựng lại ngôi nhà rộng gần 70 m2, thay thế ngôi nhà cũ trước Động. ông Trương Công An, ngoài 70 tuổi, Trưởng Ban bảo vệ Động Linh Sơn cho biết: Ngôi nhà mới đã được hoàn thiện và đưa vào sử dụng từ đầu năm 2013, nhờ đó, nhân dân trong vùng và phật tử thập phương đến vãn cảnh, hành lễ được thuận lợi hơn.

 

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết thêm: Trong những năm gần đây, UBND huyện Đồng Hỷ đã phối hợp với Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch thực hiện công tác phúc tra, rà soát các điểm di tích có giá trị (bao gồm 21 điểm di tích), trong đó có 12 điểm di tích lịch sử lưu niệm sự kiện; 3 điểm danh lam thắng cảnh; 2 điểm di tích lịch sử danh thắng; 3 điểm di tích lịch sử - văn hóa; 1 điểm di tích tín ngưỡng - tôn giáo. Qua khảo sát, UBND huyện Đồng Hỷ đề nghị Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch công nhận xếp hạng 2 điểm; đề nghị UBND tỉnh công nhận xếp hạng 13 điểm. Đến nay, trên địa bàn đã có 4 di tích lịch sử là Đền Hích (Hoà Bình), Đền Long Giàn (Khe Mo), Đình Bảo Nang (Tân Lợi) và di tích lịch sử Đình Văn Hán ( xã Văn Hán) được UBND tỉnh công nhận xếp hạng.

 

Do làm tốt công tác quản lý, chỉ đạo và kiểm tra, nên trong những năm vừa qua, quá trình thực hiện xã hội hóa việc trùng tu, tôn tạo di tích trên địa bàn huyện Đồng Hỷ được triển khai thực hiện nghiêm túc theo đúng quy định của pháp luật. Từng di tích đã được xác định rõ về dấu ấn lịch sử văn hoá của từng thời đại, đồng thời việc hoạt động của di tích đều mang dấu ấn lịch sử văn hoá, có tính giáo dục cao, qua đó góp phần gìn giữ, phát huy tốt giá trị các di tích lịch sử trong đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân.