Những kẻ phá hoại đã làm hỏng bức tranh cổ vẽ trên đá từ thời tiền sử ở vùng nam Lybia, nơi không chịu sự quản lý của pháp luật, khiến cho loạt tranh đá từng được UNESCO đánh giá là có giá trị nổi bật rơi vào tình trạng nguy hiểm.
Loạt tranh này nằm trong các hang động của dãy núi Tadrart Acacus chạy dọc theo biên giới Libia và Algeria, ước tính có tuổi đời lên tới 14 nghìn năm.
Các bức tranh này được vẽ hoặc khắc vào các phiến đá lớn, nằm giữa những cồn cát một cách ngoạn mục, cho thấy sự thay đổi của hệ động vật và thực vật ở Sahara trải qua hàng nghìn năm. Nổi bật nhất trong số đó là hình vẽ một con voi lớn khắc trên mặt đá, cùng với hươu cao cổ, bò và đà điểu, cho thấy thời kỳ vùng đất này chưa bị chuyển thành sa mạc.
Mặc dù ở khá xa, nhưng thời gian gần đây những bức vẽ này đã bị nhiều kẻ thiếu ý thức dùng sơn vẽ hoặc khắc chữ đè lên. Các quan chức ngành du lịch ở Ghat, thị trấn lớn nằm gần đó nhất, cho biết, những kẻ phá hoại bắt đầu làm hỏng những bức vẽ này từ khoảng năm 2009, khởi đầu là một nhân viên người Libya tức giận vì bị ông chủ công ty du lịch nước ngoài của mình sa thải, đã dùng sơn xịt lên vài bức vẽ.
Tuy nhiên tình trạng phá hoại trở nên nghiêm trọng hơn kể từ cuộc nội chiến năm 2011, khi đất nước rơi vào cảnh hỗn loạn, bom rơi đạn nổ khắp nơi.
Một trong những bức vẽ cổ ở núi Acacus.
Vì du khách và các nhà khảo cổ học ở cách xa khu vực này, nên những kẻ săn trộm đã chiếm lĩnh vùng núi Acacus này, săn bắn, giết hại nhiều loại động vật hoang dã và phá hủy cảnh quan. Tình trạng vũ khí bày bán khắp nơi, ai cũng dễ dàng sở hữu, chính quyền non trẻ lại không đủ sức vươn tới những khu vực xa xôi như vậy, cho nên tình trạng phá hủy ngày càng tồi tệ hơn.
Ahmed Sarhan, một quan chức du lịch ở Ghat cho biết: “Tình trạng phá hủy này không chỉ ảnh hưởng tồi tệ lên những bức vẽ mà còn cả cảnh quan. Thủ phạm chính là những kẻ săn trộm. Cả khu vực bên phía Algeria cũng bị ảnh hưởng. Chính quyền địa phương không đủ mạnh để trấn áp”. Ông Ahmed Sarhan cho biết, nhiều loài động vật như linh dương và sói đã gần như bị “quét sạch” ở vùng này.
Những bức họa trong núi Acacus đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới.
Al-Amin al-Ansari, một nhân viên điều hành tour ở địa phương nói: “Nhiều du khách từng tới đây dù chỉ một lần, cũng đã đánh giá đây là một trong những điểm du lịch tuyệt vời nhất ở Libya. Việc những bức họa nghìn năm tuổi bị phá hủy là điều vô cùng đáng tiếc”.
Lịch sử thế giới từng ghi nhận rất nhiều di sản văn hóa quý giá bị phá hủy trong chiến tranh và không thể phục hồi, điển hình là bức tượng Phật khổng lồ ở Afganistan. Những bức vẽ cổ ở Libya cũng đang trong tình trạng chung nếu không có giải pháp kịp thời.