Sáng 30/7, tại Hà Nội, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước (Bộ Nội vụ) đã long trọng tổ chức lễ đón nhận bằng Di sản tư liệu Châu bản triều Nguyễn, thuộc chương trình “Ký ức thế giới” khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO).
Châu bản triều Nguyễn được ghi danh vào danh mục Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương bởi những giá trị nổi bật về nội dung phong phú, hình thức độc đáo, tính duy nhất, không thể thay thế và có tầm ảnh hưởng lớn trong khu vực và thế giới. Châu bản gồm các tài liệu hành chính của triều Nguyễn- triều đại cuối cùng trong lịch sử phong kiến Việt Nam từ năm 1802 đến 1945. Hiện nay, Châu bản triều Nguyễn đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, gồm 85 nghìn văn bản của 11 triều vua nhà Nguyễn.
Châu bản triều Nguyễn được soạn thảo chủ yếu bằng chữ Hán, chữ Nôm và một số ít văn bản bằng chữ Hán Nôm, chữ Pháp và chữ Việt của Hoàng đế Bảo Đại – vị vua cuối cùng của triều Nguyễn. Khối tài liệu này được viết tay, bằng bút lông, trên giấy dó, sử dụng mực truyền thống được mài thủ công và soạn thảo bởi các thư lại có khả năng văn chương và chữ viết đẹp.
Châu bản là những tài liệu độc bản được nhà vua phê duyệt trực tiếp lên một bản duy nhất bằng mực màu son đỏ. Sau đó, Châu phê được sao lại bằng bút mực đen lên 2 bản phó để chuyển cho cơ quan thực thi và cơ quan viết sử của triều đình. Bản duy nhất có bút tích phê duyệt của Hoàng đế được lưu lại Nội các gọi là Châu bản. Các hình thức ngự phê trên Châu bản rất phong phú như: Châu điểm, Châu phê, Châu khuyên, Châu mạt, Châu sổ, Châu cải…
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho biết, Châu bản triều Nguyễn là nguồn tài liệu vô cùng quý giá, có độ tin cậy cao trong đó lưu bút tích phê duyệt của các Hoàng đế triều Nguyễn. Đây là khối tài liệu hành chính duy nhất còn lưu giữ được của một vương triều phong kiến ở Việt Nam. Châu bản chứa đựng nhiều thông tin phong phú, phản ánh toàn bộ lịch sử, đời sống kinh tế xã hội, con người ở Việt Nam thế kỷ 19 và nửa đầu thế kỷ 20 cũng như mối quan hệ bang giao của triều Nguyễn với nhiều quốc gia trên thế giới. Châu bản không chỉ là di sản chứa đựng các sự kiện lịch sử có giá trị mà còn là minh chứng về chủ quyền biển đảo, luận chứng chắc chắn, cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.
Trưởng đại diện văn phòng UNESCO Hà Nội, bà Katherine Muller Marin cho rằng: Châu bản triều Nguyễn thể hiện quyết tâm của một dân tộc hướng phát triển giáo dục và khoa học, giao lưu quốc tế và phát triển văn hóa mà ngày nay chúng ta thấy được. Chúng tôi đã thấy được dân tộc này vĩ đại như thế nào về giáo dục và văn hóa. Việc công nhận Châu bản triều Nguyễn là Di sản tư liệu Châu bản triều Nguyễn thuộc Chương trình Ký ức Thế giới Khu vực Châu Á Thái Bình Dương mở ra cơ hội mới để cải tiến bảo tồn di sản tư liệu, trao đổi thông tin và huy động nguồn lực để bảo quản, số hóa những di sản quý giá này.
Mục tiêu của chương trình này là ứng dụng công nghệ tiên tiến để tăng cường và phổ biến khả năng tiếp cận rộng rãi hơn những di sản đã được công nhận, một bước quan trọng đảm bảo cho thế hệ tương lai có cơ hội học hỏi và cảm thấy kính phục như tôi đã có bây giờ. Bà Katherine Muller Marin cũng đưa ra khuyến cáo cung cấp các tư liệu số hóa này được truy cập mở, miễn phí để cho học sinh, giáo viên, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, công chúng, đặc biệt là giới trẻ, tác nhân thay đổi và phát triển quốc gia trong tương lai.
Được biết, hiện tại, Châu bản triều Nguyễn đang được lưu giữ tại kho lưu trữ chuyên biệt với điều kiện bảo quản tiêu chuẩn, được số hóa, phiên dịch, tóm tắt sang Tiếng Việt nhằm tạo điều kiện cho độc giả, các nhà nghiên cứu dễ dàng tiếp cận.