Đại từ: Nhiều nhà văn hóa xóm không đạt chuẩn

08:23, 18/07/2014

Thông qua việc rà soát theo tiêu chuẩn tại Thông tư số 06/2011/TT-BVHTTDL ngày 8/3/2011 của Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch: Toàn huyện Đại Từ có 428/482 xóm, thuộc 30 xã, thị trấn đã xây dựng được nhà văn hóa, đạt gần 88%. Nhưng trong tổng số nhà văn hóa đã được xây dựng, toàn huyện chỉ có 51 nhà văn hóa đạt chuẩn, chiếm 12%; 377 nhà văn hóa không đạt chuẩn, chiếm 88%. Đặc biệt 19 xã, thị trấn có 100% số xóm nhân dân đã xây dựng được nhà văn hóa, nhưng không có nhà văn hóa đạt chuẩn.  

Nhiều công trình nhà văn hóa đã được xây dựng từ hàng chục năm nay, như công trình nhà văn hóa xóm 4 (thị trấn Quân Chu), xây dựng năm 1973; nhà văn hóa xóm Lập Mỹ (Tiên Hội), xây dựng năm 1980; nhà văn hóa xóm Chiềng (Phú Cường), xây dựng năm 1998; nhà văn hóa xóm 2 (Hùng Sơn), xây dựng năm 1980… Nhiều nhà văn hóa người dân địa phương không nhớ được xây dựng từ năm nào, chỉ biết là đã quá cũ và không bảo đảm an toàn cho nhân dân khi hội họp. Ông Vũ Mạnh Cường, cán bộ Phòng Văn hóa - Thông tin huyện cho biết: Nhiều công trình trước đây là nhà kho của HTX hoặc của nông trường để lại, nhân dân địa phương tiếp nhận, đóng góp sửa chữa, cơi nới làm nhà văn hóa. Do vậy, hầu hết các nhà văn hóa này đều không đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch. Nhiều xóm, tổ nhân dân muốn được tháo rỡ nhà văn hóa cũ, không bảo đảm an toàn để xây dựng lại một nhà văn hóa mới khang trang, đáp ứng được các tiêu chí về diện tích và các điều kiện cần thiết khác.

 

Hiện 30 xã, thị trấn của Đại Từ còn 24 xóm chưa quy hoạch được khu đất xây dựng nhà văn hóa, khu thể thao; 54 xóm chưa xây dựng được nhà văn hóa. Xã có nhiều xóm chưa xây dựng được nhà văn hóa là: Tân Linh, 8/14 xóm; Quân Chu, 8/19 xóm; Bình Thuận 7/19 xóm… Vì chưa có nhà văn hóa, nên khi xóm tổ chức hội họp phải đi mượn nhà dân, mượn hội trường của UBND xã hoặc của nhà trường. Tuy nhiên, một số xóm tại các xã này đã được cơ quan chức năng quy hoạch khu vực xây dựng nhà văn hóa, sân chơi thể thao, như ở xã Quân Chu, các xóm: Dốc Vụ, Tân Sinh, Cây Hồng… đều đã được quy hoạch với diện tích 1.200m2/nhà văn hóa, khu thể thao. Theo đó, toàn huyện có 458 xóm đã quy hoạch được nhà văn hóa, khu thể thao, với tổng diện tích đất được quy hoạch gần 627.000m2, trong đó tổng diện tích đất được sử dụng hiện có là 299.000m2; diện tích đất đã được xây dựng nhà văn hóa là hơn 29.000m2.

 

Nhà văn hóa không đạt chuẩn cơ bản do không đủ diện tích, thiếu trang thiết bị trong nhà văn hóa, chưa có sân thể thao, không có công trình phụ trợ, chưa có người làm chuyên trách tại nhà văn hóa. Một số xã giao cho trưởng xóm trực tiếp quản lý nhà văn hóa, như các xã: An Khánh, Tân Thái, Hùng Sơn, Bình Thuận, Lục Ba, Mỹ Yên, Khôi Kỳ, Hoàng Nông, Yên Lãng, Minh Tiến và xã Phúc Chu. Các xã còn lại đều chưa giao cho người quản lý cụ thể. Vì thực tế trong nhà văn hóa của nhiều xóm không có tài sản đáng giá, như các xã: Tiên Hội, Phú Thịnh, Đức Lương… nhà văn hóa chưa có bàn ghế cho nhân dân ngồi họp. Cũng theo số liệu thống kê của cán bộ chuyên môn thuộc UBND huyện Đại Từ: Toàn huyện có 14 nhà văn hóa xóm có diện tích từ 30 đến dưới 40m2; 58 nhà văn hóa xóm có diện tích từ 40 đến 50m2; 229 nhà văn hóa có diện tích từ 52 đến dưới 80m2. Điển hình như xã An Khánh, trong thời gian từ năm 2000 đến năm 2009, trong xã có 16/17 xóm nhân dân đã tự đóng góp xây dựng được nhà văn hóa làm nơi hội họp, trong đó có 12/16 nhà có diện tích xây dựng rộng từ 60 đến 70m2. 100% nhà văn hóa xóm của xã An Khánh đều không đạt chuẩn. Bà Dương Thị Phương, cán bộ văn hóa xã cho biết: Do các nhà văn hóa xóm được xây dựng từ trước khi Nhà nước triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới, nên hầu hết các nhà văn hóa đã được xây dựng đều không đạt chuẩn về diện tích, về quy cách theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch.

 

Đối chiếu không đạt quy chuẩn, nhưng không thể vì thế mà tháo dỡ nhà văn hóa cũ để xây mới. Một khó khăn nữa là do trước đây, chính quyền địa phương cũng như ở cơ sở chỉ quan tâm vận động nhân dân dành một khu đất nhỏ để xây dựng nhà văn hóa, kèm đó là khoảng sân hẹp làm nơi hội họp, tập thể dục dưỡng sinh, nên khi tham gia xây dựng nông thôn mới, diện tích dành cho xây dựng nhà văn hóa, khu thể thao xóm trở nên thiếu diện tích, lạc hậu. Vì thế phải quy hoạch lại, diện tích được mở rộng hơn mới đáp ứng được nhu cầu của nhân dân về lâu dài. Song quy hoạch nhưng địa phương lại không có tiền hỗ trợ, đền bù, nên vẫn đành bỏ đó, những ngôi nhà văn hóa cũ của xóm dù đạt chuẩn hoặc không, thậm chí do xây dựng quá lâu, đã xuống cấp vẫn là nơi cho nhân dân hội họp.

 

Tuy nhiên, tín hiệu vui đã hé mở ở Đại Từ: Những xóm trước đây chưa có điều kiện xây dựng nhà văn hóa làm nơi họi họp, thì nay nhân dân đã tự đóng góp tiền, ngày công lao động để xây dựng nhà văn hóa đạt chuẩn về diện tích. Ông Vũ Mạnh Cường cho biết thêm: Năm 2014, huyện Đại Từ có kế hoạch xây dựng mới 15 nhà văn hóa xóm. Hiện nhà văn hóa xóm Chùa (Mỹ Yên) rộng 100m2, trị giá hơn 133 triệu đồng; nhà văn hóa xóm Phú Thịnh 1 (Phú Thịnh) có diện tích xây dựng 91m2, trị giá 150 triệu đồng; nhà văn hóa xóm Cẩm (Phục Linh) có diện tích xây dựng 135m2, trị giá 250 triệu đồng… đã hoàn thiện, đạt quy chuẩn và đưa vào sử dụng. Bà Dương Thị Phương cũng cho biết thêm: Nhân dân xóm Đầm (An Khánh) đã đóng góp được gần 180 triệu đồng để xây dựng nhà văn hóa rộng 96m2, mái lợp tấm ploximăng, nền lát gạch hoa, đạt quy chuẩn về diện tích xây dựng. Dự kiến cuối tháng 7 này sẽ hoàn thiện đưa vào sử dụng.