Để du lịch Thái Nguyên phát triển xứng tầm

07:48, 09/07/2014

Trải qua 54 năm kể từ ngày thành lập (9/7/1960 - 9/7/2014), từ một đơn vị nhỏ bé, ngành Du lịch Việt Nam đã có quá trình phát triển liên tục với những bước chuyển biến mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng. Qua đó, ngành từng bước vươn lên trở thành ngành kinh tế quan trọng, đóng góp ngày càng xứng đáng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo ra hàng triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp cho xã hội…

Những kết quả, thành tích nổi bật của ngành Du lịch Việt Nam trong 54 năm qua là: Đổi mới, nâng cao nhận thức về du lịch; tăng cường năng lực quản lý Nhà nước về du lịch, hệ thống kinh doanh du lịch được kiện toàn, hoạt động thích nghi dần với cơ chế mới; huy động nhiều nguồn lực để xây dựng cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm du lịch; việc tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch được tăng cường; công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực được chú trọng và đạt những kết quả đáng ghi nhận; sự phối hợp liên ngành và địa phương được củng cố, tăng cường; mở rộng hợp tác quốc tế, khai thác tốt tiềm lực bên ngoài; duy trì tốc độ tăng trưởng cao, hiệu quả kinh tế - xã hội ngày càng lớn và toàn diện…

 

Với những kết quả ngành Du lịch Việt Nam đã đạt được, du lịch Thái Nguyên luôn đồng hành và có những đóng góp đáng ghi nhận. Nhìn lại chặng đường phát triển của ngành Du lịch Thái Nguyên: Từ những cái tên quen thuộc một thời như Nhà nghỉ Công đoàn hồ Núi Cốc, nhà hàng Hoa Hồng, nhà nghỉ Dạ Hương, nhà nghỉ Sông Cầu, nhà khách chuyên gia Thái Nguyên... với hệ thống cơ sở vật chất còn thiếu thốn, cơ sở lưu trú phục vụ khách du lịch còn nhỏ lẻ, tự phát, chất lượng phòng chưa đạt tiêu chuẩn, sản phẩm du lịch nghèo nàn; cán bộ quản lý Nhà nước về du lịch, nhân viên làm việc trong các đơn vị hoạt động kinh doanh du lịch chưa được đào tạo bài bản.

 

Đối với Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu và Du lịch thuộc Sở Thương mại - Du lịch tỉnh Bắc Thái (cũ) được thành lập tại Quyết định số 160/QĐ-UB ngày 27-3-1996 của UBND tỉnh; tái thành lập Phòng Quản lý Du lịch tại Quyết định số 4914/QĐ-UBND ngày 19-12-2001 của UBND tỉnh Thái Nguyên. Từ buổi ban đầu, Phòng chỉ có 3 cán bộ, công chức. Kết quả hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh còn rất khiêm tốn: Năm 2001, doanh thu về du lịch mới chỉ đạt trên 18,7 tỷ đồng; đón trên 161 nghìn lượt khách (trong đó có 476 lượt khách quốc tế); năm 2002, doanh thu đạt trên 19,7 tỷ đồng, đón hơn 232 nghìn lượt khách (trong đó có 672 lượt khách quốc tế)…

 

Từ thực trạng trên, cùng với chính sách đổi mới về phát triển kinh tế của Đảng và Nhà nước, được sự quan tâm của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch, sự phối hợp đồng bộ của các cấp, ngành và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, ngành Du lịch Thái Nguyên đã có những chuyển biến rõ rệt. Ngành đã chủ động tham mưu, xây dựng Quy hoạch, Kế hoạch, Đề án phát triển du lịch Thái Nguyên và được UBND tỉnh phê duyệt triển khai thực hiện, cụ thể là: Quy hoạch phát triển du lịch Thái Nguyên giai đoạn 2006-2010, định hướng đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020; Đề án phát triển du lịch Thái Nguyên giai đoạn 2009-2015; Đề án quy hoạch xây dựng Vùng du lịch Quốc gia hồ Núi Cốc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Kế hoạch kích cầu du lịch; Chỉ thị về tăng cường công tác quản lý môi trường văn hóa du lịch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2013-2015. Đồng thời, kiện toàn lại Ban Chỉ đạo phát triển du lịch của tỉnh. Đến nay, bộ máy quản lý Nhà nước về du lịch gồm có: Phòng nghiệp vụ du lịch với 6 cán bộ, công chức (100% có trình độ đại học chuyên ngành về du lịch); 1 đơn vị sự nghiệp là Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch với 10 cán bộ. UBND tỉnh cũng đã có quyết định thành lập Ban Quản lý Khu du lịch vùng hồ Núi Cốc nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý trong việc định hướng phát triển Vùng du lịch Quốc gia hồ Núi Cốc thời gian tới…

 

Kết quả về doanh thu và lượng khách du lịch nội địa, quốc tế đến với Thái Nguyên năm sau cao hơn năm trước; tốc độ tăng trưởng bình quân đạt từ 10% -15%/năm; các cơ sở lưu trú du lịch đạt tiêu chuẩn, chất lượng, đáp ứng nhu cầu phục vụ khách nghỉ (với gần 220 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó 40 khách sạn đạt tiêu chuẩn từ 1 đến 3 sao). Đặc biệt, năm 2007 tỉnh Thái Nguyên đã vinh dự được đăng cai tổ chức “Năm Du lịch quốc gia Thái Nguyên” thành công rực rỡ. Sau Năm Du lịch quốc gia, vị thế của tỉnh được nâng lên một tầm cao mới, bạn bè trong nước và quốc tế biết đến Thái Nguyên - Thủ đô kháng chiến năm xưa - giàu lòng mến khách. Du lịch Thái Nguyên đã có sức lan toả.

 

Từ ngày 1-5-2008, lĩnh vực du lịch thuộc Sở Thương mại - Du lịch được sáp nhập về Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch - một Sở đa ngành, đa lĩnh vực, có điều kiện để du lịch khai thác các giá trị văn hóa lịch sử, danh lam thắng cảnh, các làng bản văn hóa trở thành điểm du lịch hấp dẫn phục vụ khách tham quan. Các hoạt động du lịch diễn ra sôi động, như: Hội chợ Xúc tiến du lịch trong và ngoài tỉnh; Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam; Lễ khai mạc mùa du lịch Thái Nguyên; mở rộng liên kết hợp tác phát triển du lịch của các tỉnh cùng chung dãy núi Tam Đảo (Thái Nguyên - Tuyên Quang - Vĩnh Phúc - Hà Nội), các tỉnh trong vùng Việt Bắc (Thái Nguyên - Cao Bằng - Bắc Kạn - Lạng Sơn - Tuyên Quang - Hà Giang); tham gia ký kết hợp tác phát triển du lịch giữa T.P Hồ Chí Minh với các địa phương trong cả nước, trong đó có Thái Nguyên; tổ chức Tuần Văn hóa Du lịch Thái Nguyên năm 2010; Liên hoan Trà quốc tế Thái Nguyên - Việt Nam lần thứ nhất năm 2011; Festival Trà Thái Nguyên - Việt Nam lần thứ hai năm 2013...

 

Đến nay, tuyến đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đã được đưa vào khai thác, Quốc lộ 3 cũ được nâng cấp, mở rộng; các khu công nghiệp ở phía Nam của tỉnh đang vươn mình, thu hút nhiều nhà đầu tư; công tác tuyên truyền, quảng bá, mở rộng liên kết, đa dạng hóa sản phẩm du lịch mang đậm bản sắc văn hóa của địa phương; công tác quản lý Nhà nước về du lịch được tăng cường... đã mở ra cho du lịch Thái Nguyên một hướng đi mới. Tỉnh phấn đấu đến năm 2015 số khách du lịch đến với Thái Nguyên sẽ đạt trên 2 triệu lượt (trong đó khách quốc tế đạt 50 nghìn lượt); có 4.000 phòng lưu trú (trong đó số phòng đạt tiêu chuẩn khách sạn từ 1 đến 3 sao là 1.500 phòng); doanh thu từ du lịch đạt 150 tỷ đồng; số lao động trong ngành Du lịch tăng lên và đạt khoảng 2.000 lao động trực tiếp...

 

Có thể khẳng định trong thời gian qua, du lịch Thái Nguyên đã có những bước phát triển và cơ bản thực hiện được các mục tiêu, nhiệm vụ được Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh giao cho. Hoạt động du lịch đang trên đà phát triển nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa của các dân tộc trong tỉnh, góp phần tích cực vào công cuộc đổi mới, từng bước hoàn thiện điều kiện cần có của một ngành kinh tế quan trọng và sớm đưa du lịch Thái Nguyên phát triển xứng tầm với tỉnh trung tâm vùng Việt Bắc...