Đình làng Xuân La thuộc xóm Giữa, xã Xuân Phương (Phú Bình) được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích Lịch sử, văn hóa cấp Quốc gia từ năm 2001. Qua thời gian, ngôi đình này đang ngày càng xuống cấp nghiêm trọng mà chưa được trùng tu, tôn tạo.
Theo sử sách, đình làng Xuân La là ngôi đình cổ, thờ vị Thành hoàng Dương Tự Minh. Đình được xây trên khu đất có diện tích khoảng 6.000m2, kiến trúc mang đậm phong cách thời Lê. Mái lợp ngói mũi nhỏ, các đầu kẻ, kèo trạm trổ hoa văn rất tinh xảo, có giá trị về mặt kiến trúc nghệ thuật. Đình còn lưu giữ được nhiều di vật có giá trị như : 3 đạo sắc phong của vua Duy Tân và vua Khải Định, 1 bản Thành hoàng sự tích, 1 hương án cổ, 1 bức Kinh môn thêu lưỡng long chầu nguyệt... Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Đình Xuân La là nơi đầu tiên trong huyện tổ chức vận động nhân dân tham gia Tuần lễ vàng, ủng hộ Chính Phủ lâm thời và tại đây, Đại đội dân quân Xuân La từng chống càn, đánh thắng nhiều trận trước quân giặc. Đến nay, đình Xuân La trở thành nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, hội họp của dân làng vào các ngày rằm, mùng 1 hằng tháng. Đồng thời, cũng là nơi tuyên truyền phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước tới bà con nhân dân trong xã. Tuy nhiên, gần 10 năm nay, Đình đã xuống cấp nhưng chưa được tu sửa.
Ông Nguyễn Văn Thú, Phó Ban Quản lý di tích xã Xuân Phương cho biết: “Hơn 5 năm nay, mỗi khi trời mưa, mọi người không ai dám vào đình. Có hôm, nhân dân đang họp trong đình thì trời nổi gió, mưa to, mọi người di tản đi nơi khác hoặc chạy về nhà vì đình dột nhiều, sợ bị sập. Một số hạng mục của đình đã xuống cấp nghiêm trọng như: Phần mái ở gian giữa có nhiều chỗ ngói đã sập hoàn toàn, khi trời mưa các vật dụng, đồ thờ bên trong đều bị ướt. Trong số 48 cột đình bằng gỗ lim thì có tới hơn 10 cột cần được gia cố lại, một số đầu hoành, xà, đui bị mối xông nham nhở. Tường vây gian trái phía sau của đình bị ẩm, mốc đã nứt vỡ, chịu lực kém. Ngoài ra, toàn bộ hệ thống cửa đình đã cũ và hỏng nặng không thể mở, để khắc phục, những người trông coi Đình phải lấy dây thừng buộc gá các cánh cửa lại với nhau. Bên trong nền đình có chỗ bị sụt lún, chỗ lại được sửa chữa, chắp vá bằng xi măng trông rất mất mĩ quan...
Ông Dương Văn Định, Chủ tịch UBND xã Xuân Phương cho biết thêm: Tình trạng xuống cấp của di tích đình Xuân La không chỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của bà con trong xã, mà còn làm mai một nét cổ kính của một di tích có ý nghĩa lịch sử. Hằng năm, để góp phần tu sửa đình, UBND xã Xuân Phương đều huy động người dân đóng góp tiền mặt (khoảng 20 triệu đồng) để đảo lại mái ngói, đưa thêm những cột gỗ chống đỡ cho các cột đã bị mối mọt, mục nát; phát động đoàn viên thanh niên và nhân dân tham gia lao động công ích, chỉnh trang lại cảnh quan khu di tích…
Ông Dương Quang Xuân, Trưởng Phòng Văn hóa huyện Phú Bình cho biết: Năm 2004, Bảo tàng tỉnh đã thực hiện chống xuống cấp di tích đình Xuân La với kinh phí 100 triệu đồng từ Chương trình mục tiêu Quốc gia về văn hóa của Bộ Văn hóa và Thông tin. Tuy nhiên, số tiền này chỉ có thể chống xuống cấp ở một số hạng mục như: Thay thế một số dui mè, xà đã bị mối xông rỗng; gia cố một cột trụ chính; sửa chữa và phục hồi một số nền chắp vá bằng xi măng; làm biển chỉ đường, giới thiệu đình...
Trước thực trạng này, thiết nghĩ các cấp, ngành chức năng cần sớm có kế hoạch bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử, văn hóa đình Xuân La.