Góp phần vào cuộc đấu tranh chính nghĩa

08:38, 03/07/2014

Những tấm bản đồ cổ quý hiếm và các cuốn sách có nội dung khẳng định chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, đặc biệt là với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được trưng bày tại tiền sảnh của Văn phòng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh (phường Bách Quang, thị xã Sông Công) đã thu hút sự chú ý của nhiều người. Điều này càng có ý nghĩa khi chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc đang bị xâm phạm.

Việc trưng bày diễn ra liên tục từ đầu năm 2013, khi đó, thực hiện chủ trương tuyên truyền về chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, Văn phòng Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) đã được tỉnh chọn làm nơi đặt một số bản đồ và sách có nội dung khẳng định chủ quyền lãnh thổ, đặc biệt là chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong đó: Bản đồ các đài khí tượng Đông Dương xuất bản năm 1940, với dòng ghi chú “Đài khí tượng Pattle (Hoàng Sa) và đài khí tượng ở Itu Aba (Trường Sa) là hai đài khí tượng cấp quan trọng nhất ở Đông Dương” - nguồn: Trung tâm Dữ liệu Hoàng Sa. Tiếp đến là tấm bản đồ được phát hành năm 1834, triều vua Minh Mạng (nhà Nguyễn), có tên Đại Nam nhất thống toàn đồ, với ghi chú: “Trên bản đồ có ghi Hoàng Sa và Vạn Lý Trường Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam” - nguồn: Trung tâm Dữ liệu Hoàng Sa.

 

Được đặt sát đó là một bản đồ có khổ lớn hơn, với tên gọi An Nam đại quốc họa đồ của tác giả Louis Taberd, Giám mục người Pháp vẽ năm 1838. Trên bản đồ có vẽ quần đảo “Paracel Seu Cát Vàng” (tức quần đảo Hoàng Sa) thuộc lãnh thổ Việt Nam. Cuối cùng bên phải là tấm bản đồ của nhà Thanh (Trung Quốc) ghi năm 1904, có tên Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ. Ghi chú: “Trên bản đồ có ghi điểm cực Nam của lãnh thổ Trung Quốc lúc đó chỉ đến đảo Hải Nam. Bản đồ không đề cập đến hai quần đảo Tây Sa và Nam Sa - tức là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam”. Nguồn: Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Cả bốn tấm bản đồ đều được ghi chú bằng ba loại ngôn ngữ: Việt, Anh, Trung.

 

Ngoài những tấm bản đồ nêu trên, tại khu vực trưng bày còn có một số cuốn sách với nội dung khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; quá trình thực thi, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của dân tộc ta tại các quần đảo này, cũng như sự phi lý, trắng trợn trong những yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Gồm các cuốn:


+ Những ký ức không quên: Hoàng Sa - Trường Sa trong trái tim Tổ Quốc, của Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin. Cuốn sách gần 500 trang này tập hợp bài viết của nhiều tác giả, trong đó có những cán bộ, chiến sĩ đã tham gia bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

 

+ Ký ức lịch sử hải chiến Trường Sa - Những người con bất tử, của Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin, gồm những bức ảnh, bài viết dạng hồi ứu, ký sự, bình luận của nhiều tác giả. Lời nói đầu của cuốn sách có ghi: “Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ bao đời nay đã thuộc chủ quyền của Việt Nam. Nhà nước việt Nam đã không ngừng thực thi và bảo vệ chủ quyền trước mọi hành động có tính chất xâm phạm đến sự toàn vẹn lãnh thổ của mình… Để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, bao thế hệ cha anh đã không quản ngại khó khăn, gian khổ và hy sinh…”.

 

+ Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, do Ủy ban Biên giới Quốc gia (Bộ Ngoại giao) phát hành, với mục đích giúp độc giả hiểu rõ hơn về quá trình xác lập và thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này.

 

+ “Đường lưỡi bò” - Một yêu sách phi lý, của các học giả nước ngoài.

 

Đặc biệt trong số sách đang được trưng bày tại đây có cuốn “Quá trình quy thuộc Nam Hải (Biển Đổng) qua một số bản đồ từ cuối đời nhà Thanh đến thời kỳ (Trung Hoa) Dân quốc”, do các học giả người Trung Quốc biên soạn. Cuốn sách là tập hợp 23 bản đồ lãnh thổ Trung Quốc từ thời điểm năm 1760 đến năm 1948. Trong đó, đáng chú ý là tất cả các bản đồ của Trung Quốc trước năm 1908 đều không xếp các đảo Nam Hải (Biển Đông - Việt Nam) vào phạm vi lãnh thổ của nước này. Các bản đồ sau đó mới “dần dần” đưa các đảo ở Biển Đông vào cương vực lãnh thổ Trung Quốc - theo phần “Kết luận ngắn gọn” ở cuối cuốn sách.

 

Có thể thấy, mặc dù số lượng không nhiều nhưng các cuốn sách và đặc biệt là các tấm bản đồ kể trên là những chứng cứ lịch sử xác thực và có giá trị, góp phần khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; khẳng định tính chính nghĩa trong cuộc đấu tranh bảo vệ toàn vẹn chủ quyền của ta trước những hành động xâm phạm rõ ràng của Trung Quốc ở Biển Đông, khu vực thuộc thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

 

Theo ông Trần Văn Long, Phó trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh thì những bản đồ và cuốn sách đang trưng bày đã thu hút sự quan tâm của nhiều người khi có dịp tới đây, trong đó có không ít nhà đầu tư nước ngoài. Thời gian gần đây, cùng với kết quả thu hút đầu tư vào các KCN của tỉnh có đột phá mạnh mẽ, trong khi tình hình Biển Đông đang cẳng thăng do những hành động xâm phạm của Trung Quốc thì số người quan tâm tìm hiểu những tài liệu này ngày một tăng hơn. Đây là một hình thức tuyên truyền, đấu tranh hiệu quả cần tiếp tục triển khai, mở rộng.