Di chứng cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ không chỉ để lại trên đất nước Việt Nam với quá nhiều đau thương, mất mát, mà còn hằn rõ trong tâm tưởng và lịch sử nước Mỹ. Cũng từ đó đã hình thành một mảng văn học đề tài về hậu chiến tranh Việt Nam sau năm 1975 của chính những nhà văn - cựu binh Mỹ với nỗi ân hận, dày vò về cuộc chiến tàn bạo mà các nhà cầm quyền nước họ đã gây ra.
Theo Giáo sư người Mỹ J.M.Xteo-men (J.M.Stellman) và tài liệu của Bộ Quốc phòng Mỹ, trong chiến tranh Việt Nam từ 1961 đến 1971, quân đội Mỹ đã tiến hành 19.000 phi vụ rải hơn 80 triệu lít chất độc hóa học có chứa 366 kg chất đi-ô-xin cực kỳ độc hại xuống 26 nghìn làng, bản Việt Nam, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường sinh thái và sức khỏe con người.
Hậu quả từ cuộc chiến tranh đã làm gần tám triệu người Việt Nam bị chết và bị thương tật. Hơn 4,8 triệu người bị di chứng chất độc da cam - đi-ô-xin trong đó hơn một triệu người đã chết và hơn 150.000 trẻ em thế hệ thứ hai, thứ ba bị di chứng chất độc đang từng ngày đau đớn. 58 nghìn binh lính Mỹ bị thiệt mạng, 300 nghìn người Mỹ bị tàn phế. Hàng chục nghìn người Mỹ và quân lính các nước chư hầu chịu hậu quả chất độc hóa học và di chứng chiến tranh tại Việt Nam...
Từ những đau thương, mất mát quá lớn đối với con người, với môi trường sống đã hình thành đề tài văn học hậu chiến tranh Việt Nam sau năm 1975.
Rất nhiều nhà văn, các cựu chiến binh Việt Nam và Mỹ cùng tác giả một số nước đã dùng ngòi bút mô tả số phận con người cùng nỗi đau của họ sau cuộc chiến với góc nhìn khác nhau. Mỗi tác phẩm một bức thông điệp gửi cho nhân loại, gửi tới mai sau về sự hủy diệt của chiến tranh, bằng những thứ vũ khí tối tân nhất, cùng những hành động man rợ nhất của chính con người đối với con người. Phần nhiều số tác phẩm chống lại cái ác, tố cáo tội ác của những người âm mưu chủ trương cuộc chiến tranh. Chia sẻ với những số phận bất hạnh, cứu giúp, nâng đỡ họ đứng dậy, giành lại sự sống đang bị cái ác chiến tranh bao vây dồn đuổi trên con đường cùng kiệt.
Ðề tài hậu chiến, mỗi câu chuyện, mỗi tình tiết như một dấu ấn, tưởng như không cần bất kỳ một sự hư cấu nghệ thuật hay một sự tưởng tượng nào vượt được sự thật khủng khiếp của hiện thực đã có. Một hiện thực không bị mờ khuất mà nó luôn hiện hữu trên mỗi con người, mỗi vùng đất nơi chiến tranh đã đi qua. Ðó chính là đối tượng miêu tả của văn học hậu chiến, của những ngòi bút khám phá nỗi đau và sự bất hạnh của con người trong thế giới thời bình.
Các nhà văn Mỹ cùng các cựu binh Mỹ từng có mặt trong cuộc chiến tranh Việt Nam đã viết hơn 500 cuốn sách bằng các thể loại tiểu thuyết, truyện ký, hồi ức về cuộc chiến tranh Việt Nam và hệ lụy của hậu quả chiến tranh trút lên con người, đè nặng tâm hồn, thể xác con người của hai đất nước. Một số tác phẩm từ cái nhìn số phận một cá thể con người cùng nỗi bất hạnh thời hậu chiến để nhìn lại cuộc chiến tranh trước đó. Dù viết dưới thể loại nào, ngôn ngữ độc thoại hay tả trực diện, tự thuật hay sáng tác văn học đều mang dấu ấn hiện đại của thời hậu chiến.
Tác phẩm Ðếm xác, tiểu thuyết của W.Hu-ghít (W.Hughet) miêu tả nỗi kinh hoàng của lính Mỹ tham chiến ở Khe Sanh. Nhìn rõ sự thật, hoài nghi tột cùng, đã đẩy người lính vào những ám ảnh bởi cái chết đau đớn thảm hại. Hậu Khe Sanh là gì? Lại những cuộc đụng độ và "đếm xác". Một sự thật quá sức mường tượng của hư cấu nghệ thuật. Phần lớn các sáng tác dù là tiểu thuyết hay hồi ức, con người cùng số phận của họ luôn là trung tâm của tác phẩm.
Tiểu thuyết Ngày sinh mùng 4 tháng 7 của Giôn Câu-uy-ki (John Cowike) nói về một thế hệ thanh niên có tri thức, có văn hóa của nước Mỹ bị lừa vào cuộc chiến tranh Việt Nam để rồi nhiều người phải gánh nỗi hận vì bị tàn phế suốt cả cuộc đời. Nhân vật Rô-bớt Mu-lơ đã phải thốt lên: "Tôi đã mất ba phần tư thân thể ở Việt Nam. Cuộc đời còn có nghĩa gì đâu. Tất cả những gì đối với tôi đều là vô nghĩa". Ở cuốn Câu chuyện Pu Cô, bằng ngôn ngữ độc thoại La-ri He-nơ-man (Larry Heneman) đẩy hình tượng nhân vật đạt tới thứ ngôn ngữ đối thoại của tiểu thuyết hiện thực. Từ góc nhìn cá thể số phận của một nhân vật là người lính Mỹ để nhìn lại cuộc chiến tranh tàn khốc và vô nghĩa mà họ đã gây ra ở Việt Nam. Ðó cũng là một thông điệp mới về cách nhìn chiến tranh của La-ri He-nơ-man. Chiến tranh theo ông đã dẫn con người tới sự sống vô nghĩa. Ðó là cuộc chiến tranh phi nghĩa?
Tác giả Giôn Ni-cô-lai (John Nicholair) với tiểu thuyết Máu Mỹ không chỉ lên án sự tàn bạo của cuộc chiến tranh, coi thường chủ trương gây ra cuộc chiến tranh với Việt Nam là kẻ sát nhân và ông đã ví chiến trường như một cái chợ bán thịt người. Ðiều sâu sắc trong tiểu thuyết Máu Mỹ, chiến tranh mới chỉ kết thúc ở chiến trường, nhưng chiến tranh vẫn đeo đẳng người lính Mỹ về tận nước Mỹ tàn phá cuộc đời của họ. Chỉ có dòng văn học hậu chiến tranh Việt Nam mới có hình ảnh kết cục với người Mỹ như thế. Nhưng suy cho cùng đó là số phận con người mà bất kỳ cuộc chiến tranh nào, người lính cũng phải gánh chịu.
Trong cuốn hồi ký Cha con tôi - NXB Chính trị Quốc gia dịch in 1998, tác giả Ðô đốc E.Giăn-oan (E.Junwalt) đã thú nhận nỗi bi thảm của gia đình mình. Ông viết: "Do những mệnh lệnh mà tôi đã đưa ra để tăng cường rải chất độc da cam ở miền Nam Việt Nam. Lúc đó, trong ý thức tôi không hề nghi ngờ rằng, cuối cùng bằng cách gián tiếp, tôi đã phải chịu trách nhiệm trước việc En-mô con trai tôi khi đó đang đi tuần tiễu ở Việt Nam, những vùng mà chính tôi đã ra lệnh rải thảm chất độc. En-mô và cả đứa cháu nội của tôi sau này cũng bị nhiễm nặng chất da cam. Ðiều đó đã biến tôi thành một công cụ trong tấm thảm kịch của gia đình mình. Những gì đã xảy ra đối với con trai tôi và Rút-xen cháu tôi đã hằn sâu thêm cảm xúc về sự phù phiếm của cuộc chiến tranh Việt Nam. Nó là bài học đau đớn nhất của cuộc đời tôi".
Nhận ra sự thật, viết lại sự thật bằng cảm và nhận từ chính nỗi đau của người cầm bút, nên hầu như các tiểu thuyết, hồi ký về hậu quả chiến tranh Việt Nam đều được mô phỏng chủ thể rất rõ ràng. Hình tượng về con người và thảm họa con người sau cuộc chiến tranh được chuyển tải bằng thứ ngôn ngữ của trái tim bị rung động thật sự. Bị cuốn hút bởi một thực tế, một hiện thực không thể tưởng tượng, không thể hư cấu hơn, tự nó đã làm nên giá trị tư tưởng của tác phẩm. Một cuộc chiến tranh xâm lược phi nghĩa đã hủy diệt tận cùng đối với con người, cần phải ngăn chặn những cuộc chiến tranh như thế.
Cuộc chiến tranh Việt Nam đã khép lại gần 40 năm, nhưng hậu quả của nó vẫn còn đang tiếp diễn và ngày càng nặng nề. Chúng tôi, các nhà văn Việt Nam kêu gọi các nhà văn Mỹ với lương tâm và thiên chức của người cầm bút hãy tiếp tục viết về đề tài hậu quả chiến tranh nhằm thức tỉnh lương tri nhân loại cùng Chính phủ Mỹ, chính phủ các nước có liên quan để họ có hành động vì sự sống và số phận những con người đang gánh chịu hậu quả từ cuộc chiến tranh Việt Nam.