Tiến sĩ trẻ ra từ điển tác gia đầu tiên về Nguyễn Trãi

08:48, 11/07/2014

Cuốn từ điển đầu tiên về tiếng Việt cổ thế kỷ XV qua tư liệu chữ viết, cũng là cuốn từ điển tác gia đầu tiên về Nguyễn Trãi vừa được xuất bản, hứa hẹn đem lại nhiều thông tin, tư liệu thú vị cho người quan tâm.

Hiển nhiên Nguyễn Trãi đã trở thành nhà thơ lớn đầu tiên của Việt Nam. "Quốc âm thi tập" trở thành tập thơ lớn và cổ nhất của Việt Nam. Nói đến văn bản Nôm có độ dài đáng kể nhất và xưa nhất trong lịch sử văn tự không thể không nghĩ đến 250 bài thơ này… nói đến lịch sử ngữ âm, lịch sử từ vựng, lịch sử ngữ pháp cũng không thể không đề cập đến cái mốc quan trọng này". (Nguyễn Tài Cẩn, Vũ Đức Nghiệu, Tạp chí Ngôn ngữ số 3/1980).

 

Xuất phát từ niềm đam mê tiếng Việt và từ điển, TS Trần Trọng Dương hiện công tác ở viện Hán Nôm nghĩ đến việc "dành cả đời" biên soạn loại sách công cụ được coi là "khổ sai" này. Tự thấy ước mơ đó là "viển vông", nhưng TS trẻ đã dũng cảm hoàn thành công trình đầu tiên trên con đường vạn dặm ấy. "Nguyễn Trãi quốc âm từ điển", cuốn từ điển tác gia thứ hai sau "Từ điển Truyện Kiều" của GS Đào Duy Anh vừa được Trọng Dương "trao gửi" cho Nhà xuất bản Từ điển bách khoa, được ấn hành và bắt đầu được các thầy, các bạn trong giới nghiên cứu vui mừng đón nhận.

 

Thực hiện công việc vất vả này từ đầu năm 2010, tác giả cho biết, anh đã đọc lại toàn bộ "Quốc âm thi tập" của đại thi hào Nguyễn Trãi bằng chữ Nôm, đối chiếu với tất cả các bản phiên chú từ trước đến nay. "Kết quả là tôi đã "cập nhật" được tất cả những thành tựu phiên chú của các học giả đi trước và đề xuất, sửa chữa thêm được cả trăm lượt chữ chưa được chuẩn xác", Trọng Dương nói. Suốt mấy năm trời, anh vừa viết, vừa đọc, vừa tra cứu, vừa giám định lại văn bản học, văn tự học, rồi tái lập lại ngữ âm của thế kỷ XV… Vận dụng liên phương pháp: Văn tự học, văn bản học, ngữ âm học lịch sử, từ vựng học lịch sử, từ nguyên học, từ chương học, "Nguyễn Trãi quốc âm từ điển" gồm hơn 2.500 mục từ với số lượng âm tiết khảo sát là hơn 12.000 lượt âm tiết. Mỗi mục từ lại chứa đựng nhiều nội dung thông tin khác nhau như nguồn gốc và lịch sử phát triển của nó, so sánh với các ngôn ngữ khác như Hán, Mường, Tày, Rục, Khmer... cùng với đó là phê phán văn tự học, cung cấp thông tin giám thưởng (lịch sử tiếp nhận), đồng nghĩa - trái nghĩa, phong cách tu từ... Cuốn từ điển đồng thời cũng trở thành từ điển văn hóa nhờ những giới thiệu, liên hệ phong phú và xúc tích của tác giả. Nhiều mục từ nói về các phong tục tập quán cổ đã mất như lễ xua na, thần na, chong đèn chực tuổi, thái cầu, đốt trúc, lễ đẩy xe... Mỗi người quan tâm tới "Quốc âm thi tập", tác phẩm được coi là một trong những ngôi sao sáng nhất của lịch sử văn học Việt Nam, tùy theo mức độ, có thể tìm hiểu, thưởng thức tiếng Việt cổ thế kỷ XV qua cuốn từ điển, những dấu tích văn hóa của thời kỳ cách nay những 600 năm, từ đó mà thêm hiểu giá trị tác phẩm và tâm hồn trong sáng của đại thi hào Nguyễn Trãi.

 

Dành nhiều tâm sức thực hiện công trình này, nhưng phải đến khi tìm được nguồn tài trợ, tác giả mới hoàn thành được giấc mơ in sách. Anh mong muốn, đó sẽ là cơ sở để tiếp tục bắt tay vào biên soạn một cuốn từ điển tiếng Việt từ thế kỷ X đến thế kỷ XX. "Mỗi một thời, mỗi một giai đoạn đều tự dựng nên những bản sắc riêng… Công trình của tôi chỉ như là một chiếc chìa khóa cho bất kỳ ai, cho bất kỳ bạn trẻ nào có ý định mở cánh cửa để đi về quá khứ", TS Trần Trọng Dương chia sẻ.