Tô Hoài - Cây đại thụ văn học

07:43, 08/07/2014

Có một nhà văn Việt Nam sống 95 tuổi trời, có gần 70 năm miệt mài viết để cho ra đời gần 200 tác phẩm đa dạng về đề tài, phong phú về thể loại, tinh tế về bút pháp. Có tác phẩm được dịch ra hàng chục thứ tiếng nước ngoài. Đó là nhà văn lớn Tô Hoài - Nhà văn của đất nước, của dân tộc.

Có một nhà văn theo tiếng gọi của cái đẹp và cái thật, tiếng gọi của lẽ phải mà đi cùng cách mạng, sống và viết vì cách mạng, vì nhân dân để rồi tạo ra được một phong cách riêng độc đáo, đặc sắc. Tác phẩm của ông có nhiều thế hệ bạn đọc say mê, thích thú. Trước tác của ông có cuốn sẽ sống mãi với thời gian. Đó là nhà văn lớn Tô Hoài-nhà văn của cách mạng, của nhân dân.

 

Nhà văn được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật năm 1996.

 

Nhà văn Tô Hoài (các bút danh khác: Mai Trang, Mắt Biển, Thái Yên, Vũ Đột Kích, Duy Phương, Hồng Hoa) sinh ngày 7-9-1920, tên thật là Nguyễn Sen, quê nội ở thị trấn Kim Bài, huyện Thanh Oai, Hà Đông (cũ) nhưng sinh ra và lớn lên ở quê ngoại làng Nghĩa Đô (nay là phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội). Sinh ra trong một gia đình làm thợ thủ công, chớm bước vào tuổi thanh niên, chàng trai Nguyễn Sen đã phải lăn lộn với đời, làm nhiều nghề kiếm sống; năm 1938, tham gia tổ chức Ái hữu thợ dệt Hà Đông; năm 1943, gia nhập Văn hóa cứu quốc; đã từng bị thực dân Pháp bắt giam. Sau Cách mạng Tháng Tám 1945 ông làm Báo Cứu quốc, tham gia các chiến dịch ở Việt Bắc, Tây Bắc. Năm 1950, ông về công tác ở Hội Văn nghệ Việt Nam, từng làm Thư ký Tòa soạn Tạp chí Văn nghệ. Sau 1954, ông  tham gia công tác lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam (Tổng Thư ký năm 1957, Phó tổng Thư ký năm 1980), lãnh đạo Hội Văn nghệ Hà Nội (Chủ tịch 1966-1996). Sự nghiệp văn chương của Tô Hoài gắn liền và trưởng thành cùng với bước đi của cách mạng và sự phát triển của đất nước.

 

Ngay từ năm 1941, nghĩa là mới 21 tuổi nhà văn đã viết nhiều. Các tác phẩm chính trước cách mạng: Dế mèn phiêu lưu ký (truyện, 1941), Quê người (tiểu thuyết, 1941); O Chuột (truyện ngắn, 1942); Giăng thề (truyện, 1943); Nhà nghèo (truyện ngắn, 1944); Xóm Giếng ngày xưa (truyện, 1944); Cỏ dại (hồi ký, 1944)… Xét về thể tài, giai đoạn này sáng tác của nhà văn có thể chia làm hai loại, một loại truyện đồng thoại về loài vật và một về phong tục làng quê. Tác phẩm đặc sắc nhất là Dế mèn phiêu lưu ký, miêu tả cuộc “phiêu lưu” của chú Dế mèn trong thế giới loài vật và cả thế giới của con người. Thế là từ không gian làng quê Việt Nam, nhà văn đã đưa chú vào trang sách để rồi chú được “phiêu lưu” qua không gian của hàng chục nước mà chinh phục thế giới bạn đọc trẻ thơ. Chú Dế mèn của Tô Hoài đã là một sứ giả văn hóa kết nối những tâm hồn nhạy cảm đam mê lý tưởng, giàu yêu thương và khát vọng. Cha đẻ của hình tượng văn học này phải thực sự là một tài năng với năng lực quan sát sâu sắc, nghệ thuật miêu tả tinh tế, và nhất là phải có một tấm lòng yêu thương hết mực con người, thiên nhiên, loài vật, luôn tin vào điều thiện, điều tốt, tin vào tương lai một cuộc sống tràn đầy lòng hữu ái cao cả.

 

Các tác phẩm nổi tiếng sau 1945, như: Mười năm (truyện, 1957); Vợ chồng A Phủ (truyện 1952, chuyển thể kịch bản phim, 1960); Vỡ tỉnh (truyện, 1962); Kim Đồng (kịch bản phim, 1963); Miền Tây (truyện, 1967); Người ven thành (truyện, 1972); Chuyện cũ Hà Nội (truyện ngắn và ký sự, 1980); Những gương mặt (hồi ký, 1980); Quê nhà (truyện, 1981); Cát bụi chân ai (hồi ký, 1992)...

 

Nhà văn đặc biệt thành công ở các sáng tác viết về đề tài miền núi, như Miền Tây được Giải thưởng Hoa Sen của Hội Nhà văn Á Phi năm 1970. Nhìn từ phương diện nội dung thì sự hấp dẫn của trang văn Tô Hoài là sự cảm thông sâu sắc tới số phận của những người dân miền núi cao với những cảnh hết sức chân thực về nỗi cực nhục, khổ đau vì bị áp bức đè nén và sức phản kháng mãnh liệt vùng lên để đổi đời. Đó là những số phận như Mỵ, A Phủ… Nhân vật của Tô Hoài rất sống, đậm cá tính vì nhờ tác giả có một vốn hiểu biết về đời sống phong tục tập quán phong phú, một sự quan sát đời sống nhạy bén và năng lực phân tích chiều sâu nội tâm tinh tế. Tác phẩm chinh phục bạn đọc ở những phát hiện mới mẻ, thú vị về văn hóa phong tục và miêu tả thiên nhiên đầy chất thơ qua một giọng điệu trữ tình, ấm áp. Độc giả khó quên một hình tượng tiếng sáo cứ “lửng lơ bay” trong không gian miền Tây Bắc cùng những đêm tình mùa xuân. Đó không chỉ là tiếng sáo gọi bạn tình mà còn là niềm khát khao yêu, khát khao sống, khát khao được khẳng định mình như là một giá trị văn hóa của con người. Và bạn đọc cũng không quên những chi tiết giàu hàm lượng thẩm mỹ, như hành động cắt dây trói cứu A Phủ của cô Mỵ trong Vợ chồng A Phủ. Động cơ của Mỵ khi cắt dây trói là tình thương, là sự đồng cảm của những tâm hồn chung cảnh ngộ khốn cùng. Mỵ cắt dây trói giải thoát cho A Phủ cũng chính là cắt dây trói giải thoát cho chính cuộc đời mình khỏi chịu cảnh “làm ma nhà Thống lý”. Mỵ cắt dây trói cứu người cũng chính là cắt luôn dây trói của cường quyền và cả thần quyền đã trói buộc một cách dã man, phi nhân tính các thân phận nô lệ…

 

Phải chăng vì kết thân từ rất sớm với nhà văn lớn Nam Cao mà ông cũng quan niệm "sống đã rồi hãy viết"? Tác phẩm của ông nói lên điều ấy. Những trang viết của ông đều in hằn những bước chân ông, in đậm những hiểu biết của ông về những vùng đất, về những cảnh đời, cảnh người. Bài học nghệ thuật mà nhà văn để lại là một lý tưởng viết vì lẽ phải, cũng là đấu tranh vì hạnh phúc của Con người. Ông là nhà văn của cách mạng, của dân tộc, của nhân dân. Ông là cây đại thụ văn học. Ông là tấm gương của sự miệt mài sống, miệt mài đọc, miệt mài viết, đọc và viết cho đến khi không thể đọc và viết. Ông đọc nhiều, đọc rất nhiều, và rất tinh. Ông viết đúng, đúng đến khắt khe. Đã hơn chục năm trước người viết bài này có dịp được nói chuyện với ông chung quanh bài viết “Khuynh hướng tự truyện trong tiểu thuyết Tô Hoài”, trong đó có nhận định “Tô Hoài-một cây đại thụ văn học”. Ông đọc và nói ngay: "Anh dùng thừa chữ, đã “thụ” rồi thì đừng “cây”. Nhưng ngẫm nghĩ một hồi rồi ông lại nói: Nhưng ngữ pháp tiếng Việt ta vẫn chấp nhận sự thừa này, kiểu như “Vua An Dương Vương…”.

 

Hôm nay, một nén tâm hương, một bạn đọc nhỏ của ông có bài viết xin lấy nhận định có lời phân tích của ông, làm tên bài, để tri ân, để tỏ niềm kính trọng và cũng là để tiễn biệt ông!

 

Một cây đại thụ đã nằm xuống nhường chỗ cho những cây khác đang lớn lên!

 

 

NGUYỄN THANH TÚ