Vẫn còn đó Tô Hoài của văn học, báo chí, văn hóa Việt Nam…

15:44, 16/07/2014

Nhà văn Tô Hoài đã ra đi, chuyến đi cuối cùng và vĩnh viễn. Ra đi ở tuổi 95, lưu lại cho đời một sự nghiệp văn chương đồ sộ với 130 đầu sách đã in, thật hiếm có, đáng tự hào, và thiết nghĩ được vậy chẳng còn gì phải bịn rịn lắm. Vậy mà tin buồn nhà văn giã từ cõi thế khởi đầu lan từ báo mạng điện tử qua phát thanh, truyền hình đến báo in rất nhanh rất rộng rất xa khiến bao người Việt Nam thuộc nhiều thế hệ đang ở trong nước hoặc sống tại nước ngoài ngẩn ngơ thương tiếc vị thân sinh chú Dế Mèn cùng vợ chồng A Phủ và cụ già Chiều chiều tản bộ hoài niệm bạn bè.

Tên tuổi Tô Hoài đã lấy lừng từ trước năm 1945, khi ông chưa đến tuổi đôi mươi với tư cách nhà văn tác giả Dế mèn phiêu lưu ký, nhưng sau Cách mạng tháng Tám và thời kháng chiến chống Pháp công việc chính của ông là làm phóng viên báo Cứu Quốc, tiền thân của Đại Đoàn Kết ngày nay. Một trong những bí quyết thành công của Tô Hoài, theo tôi, là ông kết hợp tài tình nghề báo nghiệp văn và nghề văn nghiệp báo. Bên cạnh năng lực tưởng tượng phi thường, văn phong giàu bản sắc, Tô Hoài là người dày vốn sống thực tiễn tới mức lạ lùng. Nhận xét sắc sảo và quá trình tích cóp không mệt mỏi những chi tiết lớn nhỏ thậm chí tưởng chừng vụn vặt từ cuộc sống hàng ngày, nỗi đam mê chuyển dịch cùng cái tài ngồi đâu cũng viết, viết lúc nào cũng được, viết tự nhiên như nói mà nhiều khi làm bạn đọc thú vị đến ngẩn người.

 

Tô Hoài hiểu biết rộng, trí nhớ tuyệt vời, chuyện gì ông cũng biết, và đã biết thì hiểu đến nơi đến chốn. Biết rộng, khôn ngoan nhờ tài quan sát và ghi nhận - đặc biệt có trường hợp Tô Hoài cùng những người khác cùng tiếp cận một cảnh quan, gặp gỡ một nhân vật, ngắm nhìn một đồ dùng, và họ đều là những bậc tài năng vậy mà ít người có nhiều ghi nhận tinh tế, ngoài Tô Hoài ra chẳng mấy ai chú ý. Hiểu sâu và lịch lãm nhờ đi nhiều, say mê đọc sách, bù vào chỗ thiệt thòi là hoàn cảnh thời trẻ không cho phép ông ngồi nhiều năm tại ghế học đường.

 

Một lần thấy tôi diện đôi giày da mới mua trong một chuyến công du nước ngoài, Tô Hoài nói: “Màu này là sáng tạo của riêng hãng giày Bata. Trước kia, giày da thường chỉ có màu đen tuyền hoặc màu vàng sáng. Gan gà màu ăn khách là đặc sản của Bata” - “Sao anh biết?”. Ông cười: “Hồi trẻ làm thuê kiếm sống, có thời mình làm chân bán hàng cho hãng Bata”. Rồi cười tủm tỉm: “Ngài vừa đi Praha về?” Thử hỏi có mấy ai để ý Hãng giày Bata khởi nghiệp tại Tiệp Khắc từ cuối thế kỷ 19, và người sáng lập có tên là Thomas Batas!

 

Tôi làm phóng viên nông nghiệp ba mươi năm, lặn lội hầu khắp các vùng quê, đồng nghiệp bảo anh chàng này hiểu biết nông thôn ta khá. Đó là nói về đường lối, chủ trương, chính sách chung chung và sự vận dụng chúng trong thực tiễn. Còn đi vào chi tiết cây, con, cục, cái, về cách làm ăn ngày xưa, phong tục tập quán thì phải học cụ Tô Hoài. Có nhiều câu chuyện, giá tôi không phải là người trong cuộc mà chỉ nghe ai kể lại, chắc hẳn đã nửa tin nửa ngờ.

 

Nhà văn Tô Hoài thôi học sớm. Sau khi thành nhà văn nổi tiếng, ông vẫn không xin được Thẻ đọc để vào xem sách tại Thư viện Trung ương, nay là Thư viện Quốc gia phố Trường Thi, Hà Nội vì thiếu bằng cấp, nhà văn Vũ Ngọc Phan đã mời ông đến tha hồ đọc tại tủ sách riêng của gia đình cụ ở ấp Thái Hà. Tô Hoài kể lại - và hình như đã có dịp viết ra - một lần ông cùng nhà văn Nguyễn Tuân sang thăm nước bạn Lào, được Chủ tịch nước Hoàng thân Xuphanuvông mời cơm thân. “Nhìn Hoàng thân và cụ Nguyễn chuyện trò thoải mái, cười hể hả với nhau qua tiếng Pháp, mình cũng thèm nhưng tham gia hơi khó đành ngồi nghe và túc tắc uống rượu. Mấy khi có được loại rượu ngon đến thế!” - ông cười.

 

Xin đừng nghĩ nhà văn không thạo ngoại ngữ. Một lần, cách đây mấy chục năm, tôi đang điều trị tại Bệnh viện Việt Xô, nghe tin nhà văn Tô Hoài vào cấp cứu vội chạy sang. Ông có vẻ mệt lắm, vậy mà vẫn cười như không: “Có gì đâu, huyết áp tăng đột ngột, vào đây mai lại ra thôi”. Mấy ngày ở bệnh viện, sau bữa cơm và bác sĩ khám bệnh, ông nằm dài trên giường đọc cuốn sách sách dày cộm, ít chuyện trò với ai. Vài hôm sau, ông bước sang phòng tôi tươi cười: “Bác sĩ bảo cuối tuần xuất viện”. Rồi dí vào mũi tôi cuốn sách tiếng Pháp: “Phan Quang đã thấy cuốn này chưa? Tay này hiện đang nổi đình đám đấy. Nếu chưa thì tranh thủ đọc nhanh, mình mang về trả thư viện”.

 

Tôi còn nhớ, đó là một tác phẩm nổi tiếng của văn hào Ý Alberto Moravia, và phải chờ nhiều năm sau nước ta mới có bản dịch tiếng Việt qua một ngôn ngữ khác.

 

Chuyện nhà văn Tô Hoài về già ngày nào đến giờ cũng ngồi vào bàn làm việc, một cái bàn thực sự giản đơn tại nhà ông trước ở phố Đoàn Nhữ Hài, nhiều báo đã nói tới. Ông bảo, ngồi vào bàn viết đúng giờ cũng là vận động, như thể đi bộ sáng sớm và chiều hôm quanh hồ Thiền Quang. Đang chuyện trò việc ấy, bỗng dưng ông đột ngột chuyển sang kể về một cô cứ lẽo đẽo theo bên cạnh khi ông tản bộ. Tưởng chuyện đùa, hóa ra ông nói kinh nghiệm lắng nghe và nhặt ngôn từ dân gian từ cuộc sống đời thường: “Về nhà, mình ghi luôn vào sổ tay mấy từ ấy (của cô gái giang hồ)”. Ngẫm ngợi thấy văn phong Tô Hoài viết dù khi đã rất cao tuổi, vẫn hồn nhiên, dân dã và cập nhật, phải chăng một phần nhờ vậy.

 

Sự uyên bác, khôn ngoan lịch lãm của nhà văn Tô Hoài là do ông tự học, tự bồi đắp, chan hòa cuộc sống đất nước và lao động miệt mài, chứ đâu phải trời cho như cái duyên hóm nơi ông.

 

Tô Hoài là cây đại thụ văn học đồng thời là một tên tuổi quen thuộc của báo chí cách mạng ta. Ông thường khuyên nhà văn cần viết báo, và nhà báo cũng nên thử tài qua văn; tuy nhiên cần phân biệt rạch ròi văn học với báo chí. “Vẫn có sự giao thoa văn học - báo chí chứ, thưa anh” - có lần tôi lý sự. “Cuộc sống tựa dòng sông, nước mang phù sa bồi đắp cả đôi bờ, và có sông nào chẳng đổi dòng khiến bờ sông khi lở khi bồi?”. Nụ cười hóm đột ngột ngưng lại, nét mặt ông trở nên nghiêm trang thật sự: “Đúng. Rất đúng. Tôi hoàn toàn nhất trí với anh. Anh cứ đọc hết Tô Hoài sẽ rõ”.

 

Quả vậy, ngoài những tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện thiếu nhi thể loại rạch ròi, còn có nhiều tác phẩm của Tô Hoài khó phân định là nặng về thể báo hay đậm chất văn hơn.

 

Còn nhớ năm năm về trước, vào tuổi 90, một lần ông lâm bệnh nặng. Mọi người thật sự lo âu, ngỡ cụ chuẩn bị lên đường, may sao qua khỏi. “Hôn mê bốn ngày đêm. Như ác mộng vây” - ông nói khi tôi tới thăm tại nhà sau ngày ông ra viện. Cữ ấy trời rét đậm. Đang nằm nghỉ ở giường, nhìn thấy tôi ông chồm dậy ôm bạn: “Quý hóa quá”, rồi dẫn tôi ra ngồi xuống bộ ghế tiếp khách, dáng điệu thoải mái đáng kinh ngạc. Sau mấy câu loanh quanh chuyện thuốc men, dinh dưỡng, nghỉ ngơi, đi bộ, những hôm đầu phải chống gậy tập đi, nay đã bỏ gậy, vv., tự dưng ông chuyển sang chuyện khác: “Cữ này tôi đọc báo. Anh em gửi cho đủ thứ. Có những tờ mình thuộc “tiêu chuẩn lão thành” trước nay vẫn nhận đều đều (cười). - “Và vẫn viết?” - tôi ngỡ hỏi cho vui. Ai ngờ nụ cười hóm lại nở trên môi ông: “Mình đang chạy sô hàng Tết”. Và giải thích: “Các cậu ấy đến thăm, tiện thể đặt bài cho số báo Xuân”.

 

Tôi vẫn chưa tin: “Anh viết thật?” - “Tôi lấy từ sổ tay. Mọi thứ ghi sẵn trong đó rồi. Chọn mấy trang, thủng thẳng chép chữ thật to rồi giao cho các cậu ấy tùy nghi”.

 

Tết năm ấy, báo chí có đăng vài bài ngắn của nhà văn Tô Hoài. Nhưng chỉ ít lâu sau, tại cuộc họp mừng nhà văn đại thọ 90 tổ chức tại phố Hàng Buồm, ông tươi tỉnh chuyện trò, dí dỏm trả lời phỏng vấn như thể chưa hề có chuyện gì đáng lo âu vừa xảy ra trước đó chưa lâu.

 

Nhà văn Tô Hoài là vậy. Biết bao người mến ông, phục ông, mê văn ông, thích nghe ông trò chuyện, khai thác kho hiểu biết nơi ông, và như sự đương nhiên ở đời, cũng có người không hợp chuyện này việc nọ. “Ai nói gì cứ nói. Ai viết gì cứ viết. Tô Hoài vẫn là Tô Hoài” - ông cười hóm.

 

Lần này ông đã ra đi, đi hẳn rồi. Nhưng Tô Hoài vẫn là Tô Hoài, vẫn còn đó Tô Hoài của văn học, báo chí, văn hóa Việt Nam./.