Xây dựng đời sống văn hóa từ phong trào quần chúng

10:21, 14/07/2014

Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở sẽ tạo nên môi trường văn hóa, giữ gìn, phát huy bản sắc dân tộc, hình thành nhân cách, lối sống đạo đức của mỗi con người. Ðây cũng là một trong những nội dung đề cập của Nghị quyết Hội nghị T.Ư 9 (khóa XI), đã và đang rất cần đến sự ủng hộ, tự nguyện tham gia của mọi tầng lớp nhân dân và được xây dựng từ những phong trào quần chúng.

Vai trò chủ thể của nhân dân

 

Có hiện tượng tưởng như là mâu thuẫn khi có những địa phương luôn phàn nàn là thiếu địa điểm để sinh hoạt văn hóa trong khi đó có địa phương có đầy đủ thiết chế văn hóa như nhà văn hóa, thư viện, bảo tàng lại bỏ hoang rất lãng phí. Ðiều này chỉ có thể giải thích là việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở thiếu đồng bộ. Khi phong trào quần chúng xây dựng đời sống văn hóa phát triển sẽ đòi hỏi phải có thiết chế văn hóa. Ngược lại, có thiết chế văn hóa mà không có phong trào quần chúng thì sẽ không có sự hoạt động. Không có phong trào đọc sách, thư viện sẽ vắng người đến, không sinh hoạt văn hóa cộng đồng và phong trào văn nghệ quần chúng thì xây nhà văn hóa để làm gì. Nghị quyết T.Ư 5 (Khóa VIII) xác định Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa là một trong những giải pháp lớn nhằm mục tiêu: Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Các phong trào đều hướng tới mục tiêu chung: xây dựng gia đình văn hóa; xây dựng làng, thôn, ấp, bản văn hóa; tạo dựng văn nghệ quần chúng... Hoạt động của các phong trào này chỉ đạt được hiệu quả khi nó bám sát đời sống nhân dân ở cơ sở, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân, được nhân dân bàn bạc dân chủ, tự nguyện tham gia.

 

Phong trào xây dựng gia đình văn hóa, được khởi đầu tại tỉnh Hưng Yên cách đây nửa thế kỷ, lúc đầu chỉ có vài ba gia đình cam kết tham gia, sau đó đã lan rộng ra cả nước với tỷ lệ đạt danh hiệu gia đình văn hóa rất cao ở cơ sở. Tất cả các tỉnh, thành phố, thường là từ 70 đến 90%. Phong trào xây dựng làng, thôn, ấp, bản văn hóa cũng đưa ra những con số kết quả cao, tính đến năm 2013 đã có 70.391/114.038 làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa tiêu biểu được khen thưởng. Một nguyên nhân rất quan trọng để các phong trào thu hút được mọi tầng lớp nhân dân là đứng vững trên nền văn hóa truyền thống, tiếp thu và phát huy những giá trị của văn hóa dân tộc. Phong trào xây dựng gia đình văn hóa dựa vào thuần phong mỹ tục của gia đình Việt Nam trải qua bao thế hệ. Khi xây dựng làng, thôn, ấp, bản văn hóa chúng ta cũng dựa vào các giá trị truyền thống của làng Việt Nam hình thành từ rất lâu đời với một cộng đồng đoàn kết chặt chẽ và từ đó kết tinh những giá trị văn hóa dân tộc: Lòng yêu nước, nghĩa đồng bào, tình làng nghĩa xóm, mối quan hệ yêu thương giữa con người với con người. Các hình thức hoạt động văn hóa biết kết hợp nhuần nhuyễn hai yếu tố truyền thống và hiện đại đã nhanh chóng đi sâu vào lòng dân và phát huy hiệu quả, tạo sức lan tỏa cho phong trào. Khi xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, không ít thôn, làng, ấp, bản đã đề ra những quy ước nếp sống mới, song việc thực hiện kém hiệu quả. Nhiều làng đã nghiên cứu, chắt lọc hương ước xưa để lồng ghép với nội dung văn hóa mới trở thành hương ước mới được nhân dân tham gia đóng góp ý kiến và đồng tình ủng hộ.

 

Từ thực tế các phong trào, chúng ta có thể đặt ra câu hỏi: Tại sao tỷ lệ đạt gia đình văn hóa rất cao mà bạo lực gia đình, số vụ ly hôn, số trẻ em hư ngày một gia tăng? Tại sao ở không ít làng văn hóa vẫn còn tình trạng xâm hại di tích, gây ô nhiễm môi trường, hiện tượng suy thoái đạo đức, lối sống diễn ra phổ biến? Rõ ràng trong các phong trào quần chúng xây dựng đời sống văn hóa vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, không ít nơi chạy theo thành tích đã khiến cho phong trào rơi vào tình trạng hình thức chủ nghĩa, nặng về hình thức "cờ, đèn, kèn, trống". Ðã là phong trào quần chúng thì phải tôn trọng vai trò chủ thể của nhân dân. Nội dung hoạt động của phong trào không thể rời xa cuộc sống tinh thần của nhân dân, đáp ứng những yêu cầu đòi hỏi của quần chúng, để quần chúng thật sự hưởng thụ và sáng tạo văn hóa. Có như vậy phong trào mới dần đi vào thực chất. Việc nâng cao chất lượng hoạt động của các phong trào quần chúng xây dựng đời sống văn hóa cơ sở đang trở thành một vấn đề cấp bách bởi nó có tác động trực tiếp đến việc xây dựng nhân cách đạo đức lối sống của con người trong cuộc sống hằng ngày ở mọi nơi.

 

Cần chuyên nghiệp hóa cán bộ cơ sở

 

Các phong trào quần chúng xây dựng đời sống văn hóa đã được các cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, nhất là trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. Sự chỉ đạo phong trào đã tập trung hơn khi sáp nhập hai Ban chỉ đạo Trung ương Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và Ban vận động Trung ương Cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư thành một Ban chỉ đạo. Ðể nâng cao chất lượng phong trào cần có một lực lượng nòng cốt năng động và sáng tạo. Ðó là đội ngũ những người làm công tác văn hóa cơ sở. Họ phải là những người giỏi chuyên môn, nghiệp vụ, vừa làm tốt công tác tuyên truyền vận động quần chúng, vừa là người châm ngòi, vừa là người khuấy động phong trào. Thời kỳ mở cửa bùng nổ thông tin hiện nay đòi hỏi trình độ chính trị, năng lực nghiệp vụ chuyên môn ở cán bộ văn hóa cơ sở ngày một nâng cao, để phân biệt rạch ròi cái nào là văn hóa lành mạnh, cái nào là phi văn hóa, khi các sản phẩm văn hóa từ bên ngoài ồ ạt tràn vào khắp nơi, hay có, dở có, đòi hỏi bộ lọc phải tốt để phát huy cái tốt, ngăn chặn cái xấu, cái lạc hậu, cái độc hại. Làm tốt công tác dân vận, cán bộ văn hóa nắm được tâm tư nguyện vọng của nhân dân, thu thập những sáng kiến của nhân dân, tránh được tình trạng áp đặt, hành chính hóa phong trào. Trong thực tế có rất nhiều người làm công tác văn hóa quần chúng do sự đam mê, yêu thích. Họ nhiệt tình, sôi nổi, thậm chí không cần nghĩ đến tiền thù lao, bồi dưỡng. Ðã có rất nhiều tấm gương cán bộ văn hóa cơ sở lặn lội cùng chính quyền phường, xã gây dựng các phong trào văn hóa, được nhân dân tin yêu, mến phục. Tuy nhiên, khi cuộc vận động của chúng ta đã đi vào nền nếp, quy củ, việc xây dựng đời sống văn hóa phải tiến hành thường xuyên, có bài bản, lại đòi hỏi phải có cán bộ chuyên trách. Ðã đến lúc cần có chế độ chính sách xây dựng đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở mang tính chính quy và chuyên nghiệp.

 

Các phong trào quần chúng xây dựng đời sống văn hóa đã phát huy được tinh thần làm chủ của nhân dân, có tính tự nguyện cao, tập hợp được mọi tầng lớp nhân dân trong toàn xã hội. Nó cần được nâng cao chất lượng hoạt động hơn nữa, tập trung vào chiến lược xây dựng con người, đáp ứng yêu cầu mới của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.