Cửa nào mở ra thị trường mỹ thuật?

15:55, 05/12/2014

Mơ ước gây dựng, phát triển một thị trường mỹ thuật Việt Nam khỏe khoắn, lành mạnh, có lợi cho nghệ sĩ và nâng cao thẩm mỹ của xã hội, vẫn được tiếp sức lâu nay, nhưng còn thiếu những động lực, kết nối quan trọng từ cơ chế chính sách và nhận thức của xã hội.  

Chật vật tiến tới thị trường mỹ thuật

 

Mỹ thuật Việt Nam từng có thời sôi động, đổi mới mạnh mẽ về sáng tác, cùng với cơ chế mở cửa thời kỳ đầu đổi mới, kéo theo sự manh nha phát triển của thị trường mỹ thuật với nhiều cuộc triển lãm trong nước, sự hình thành các gallery, việc giới thiệu tranh Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là việc mua bán tranh với nhiều tác phẩm có giá trị được các bảo tàng, nhà sưu tập nước ngoài quan tâm.

 

Họa sĩ Vương Duy Biên - Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch điểm lại: Khoảng 15 năm từ đầu thập niên 90 đến giữa những năm 2000, “Nghệ thuật Việt Nam”, “Nghệ thuật thời kỳ đổi mới” được các curator nước ngoài giới thiệu tại một số triển lãm mỹ thuật uy tín, một số gallery có tiếng trong khu vực và thế giới. Tranh của họa sĩ Việt Nam xuất hiện ở nhà bán đấu giá quốc tế. Một số bảo tàng nghệ thuật nước ngoài bắt đầu mua tranh Việt Nam. Một bộ phận nghệ sĩ đã có thể sống bằng nghề.

 

Nhưng giai đoạn lấp lánh đó đã đi qua và đến nay vẫn chưa hồi phục trở lại.

 

Theo nhận định của họa sĩ Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm thì từ năm 2007, kinh tế thế giới bước vào thời kỳ suy thoái, đã ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển của mỹ thuật Việt Nam trong thời kỳ hậu đổi mới.

 

Họa sĩ Vi Kiến Thành nhận xét, từ 2007, tác phẩm trong các triển lãm cũng như gallery ở Việt Nam bị giảm khả năng tiêu thụ, các tác giả cũng ít hào hứng hơn, phải tính toán kỹ hơn khi bỏ tiền tổ chức triển lãm.

 

Và đến tận bây giờ, theo các ý kiến chuyên môn, hoạt động giới thiệu, mua bán tác phẩm mỹ thuật vẫn còn quá nhiều hạn chế khi mà mới có một số ít gallery có được sự khang trang về diện tích và cách trưng bày, còn lại là diện tích nhỏ và lộn xộn. Nhiều gallery và cửa hàng bán tranh còn phải đóng cửa do suy thoái kinh tế. Chất lượng nghệ thuật qua nhiều gallery lại thấp, tệ nhất là các cửa hàng bán tranh chép nở rộ. Việc vi phạm bản quyền tranh diễn ra thường xuyên bằng việc chép, nhái tranh, thậm chí có những họa sĩ còn tự coi rẻ, làm nhái, làm giả tranh mình.

 

Nhiều điều kiện nhưng chờ kết nối

 

Khung cảnh ảm đạm đó được giải thích bằng nhiều nguyên nhân. Trong đó có sự chậm chạp, hạn chế của chính sách, cơ chế trong việc tạo dựng, kiểm soát và giữ gìn một môi trường thương mại nghệ thuật lành mạnh, minh bạch, không kịp phát hiện và kiên quyết xử lý hiện tượng chép, nhái, giả tranh, chậm tiến trong việc đổi mới mô hình tổ chức các triển lãm, festival mỹ thuật hay tổ chức các sự kiện thương mại nghệ thuật, hay thiếu sự khuyến khích, hỗ trợ đối với các gallery, các trung tâm nghệ thuật tư nhân có nhiều nỗ lực trong việc giới thiệu, quảng bá các tác giả, tác phẩm tiêu biểu.

 

Ngày 4-12, tại hội thảo xây dựng chính sách phát triển thị trường mỹ thuật Việt Nam do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Đại sứ quán Đan Mạch tổ chức, nghệ sĩ Như Huy còn cho rằng, đã có một số chính sách, các nghệ sĩ cũng đã vào cuộc, nhưng chúng ta còn lệch nhau. Thiếu tính đồng bộ trong quan điểm, lý thuyết và hành động trong việc tạo dựng thị trường mỹ thuật thì chúng ta vẫn chưa hiểu nhau, chưa có tiếng nói chung.

 

Nhà báo Đào Mai Trang, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật cũng cho rằng, chúng ta có tất cả các điều kiện nền tảng nhưng chưa thể kết nối các điều kiện đó thành một nền tảng vững chắc và thuận lợi nhất cho sự hình thành, phát triển một thị trường mỹ thuật nội địa, do thiếu công cụ chính sách vĩ mô phù hợp để gắn kết tất cả các điều kiện.

 

Giải quyết các hạn chế, tồn đọng trên, cũng chính là việc mở dần những cánh cửa cho các điều kiện của thị trường mỹ thuật được kết nối thuận lợi trong việc cải thiện, bổ sung các chính sách phù hợp. Họa sĩ, nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân gợi ý, cũng chính là thể hiện mơ ước từ lâu: Cần có các quỹ văn hóa của nhà nước, cách doanh nghiệp nhà nước và tư nhân, có luật khuyến khích tiêu dùng nghệ thuật: Buôn bán nghệ thuật và đồ cổ, sưu tầm, tài trợ, mở bảo tàng tư nhân, nhà đấu giá, dự các hội chợ… Nhìn xa hơn, họa sĩ Nguyễn Quân cũng đề nghị phải giáo dục nghệ thuật cho lớp mới giàu, xây dựng một lối sống mới có chiếm hữu tư nhân về nghệ thuật trong tầng lớp giàu có cũng như trách nhiệm văn hóa của các cấp chính quyền và doanh nhân.

 

Thực chất, nhiều ý tưởng, đề xuất cho sự phát triển thị trường mỹ thuật cũng gần gũi với những gợi ý giải pháp cho việc phát triển giáo dục nghệ thuật trong nhà trường và xã hội, có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích việc sáng tác, trưng bày, quảng bá tác phẩm mỹ thuật trong và ngoài nước… Hầu như tất cả những mong mỏi này đều kéo dài từ lâu. Và nỗ lực thực hiện với sức lực có hạn là những gallery, trung tâm văn hóa nghệ thuật tư nhân cùng một số trung tâm, quỹ văn hóa nước ngoài tại Việt Nam.

 

Câu trả lời còn phụ thuộc rất lớn vào những thiết kế từ phía cơ quan quản lý nhà nước.