Tân Lợi là xã miền núi của huyện Đồng Hỷ, có 70% dân cư là người dân tộc Sán Dìu sinh sống. Để khôi phục nét văn hóa đặc trưng là hát Soọng Cô đang dần bị mai một, người Sán Dìu ở Tân Lợi đã thành lập Câu lạc bộ (CLB) hát Soọng Cô...
Một ngày cuối năm, chúng tôi tìm về CLB hát Soọng Cô xã Tân Lợi và được tham dự buổi tập văn nghệ của CLB. Dù chỉ là buổi tập nhưng các bà, các bác đều xúng xính trong trang phục truyền thống của dân tộc với khăn đội đầu, ve áo nẹp bằng vải trắng mềm mại, dải lụa thắt lưng xanh đỏ, váy dài đến ngang đầu gối, bắp chân cuốn xà cạp trắng. Dưới sự hướng dẫn của bà Tống Thị Hồng, Chủ nhiệm CLB, từ các cụ già cho đến các em nhỏ, ai cũng phấn khởi, say sưa với những làn điệu Soọng Cô. Bà Hồng cho biết: Soọng Cô phát âm theo tiếng Sán Dìu nghĩa là hát giao duyên, đã có từ rất lâu đời, là một thể loại dân ca trữ tình với lời hát đối đáp nam, nữ do chính những người nông dân thật thà, chất phác sáng tạo nên. Trước khi CLB được thành lập, những người cao tuổi biết hát Soọng Cô ở xã Tân Lợi vẫn thường xuyên được mời đi hát trong các chương trình giao lưu của các CLB Soọng Cô trong tỉnh và với các tỉnh bạn như Vĩnh Phúc, Bắc Giang…
Đến tháng 5-2012, “CLB hát Soọng Cô dân tộc Sán Dìu” của xã chính thức ra mắt. Tham gia trước tiên là các cụ cao tuổi của 3 xóm: Đồng Lâm, Na Tiếm, Trại Đèo. Đến nay, CLB đã có 30 thành viên ở các xóm, mỗi xóm có tổ trưởng riêng, chịu trách nhiệm tập hợp thành viên sinh hoạt, tập luyện bài hát. Hàng tuần vào tối thứ Bảy hoặc Chủ nhật, tổ trưởng các xóm đều tập trung thành viên để giao lưu, luyện tập. Hàng quý, CLB tổ chức tổng kết hoạt động chung của tất cả các xóm, phổ biến bài hát mới đến các thành viên. Qua câu chuyện với các thành viên trong CLB chúng tôi được biết: Ngày mới thành lập, nhiều người còn bỡ ngỡ về lời hát và nhịp phách. Nhưng giờ thì mọi người đều thuần thục và thể hiện được những lời hát cất lên trầm bổng, ngân nga, tha thiết. Các bài hát ru, hát đối đáp, hát giao duyên, hát chào hỏi, hát mời khách, hát tiễn khách với cách ví von rất ý nhị nhưng tình tứ và lãng mạn của làn điệu Soọng Cô đều được các thành viên thể hiện mềm mại, đầy sức lan tỏa, diễn đạt được tâm tư tình cảm của người hát, làm mê đắm lòng người.... Đến nay, CLB đã tổ chức nhiều cuộc giao lưu tại các xóm trong xã, các CLB khác trong huyện và hai cuộc giao lưu ngoại tỉnh với hai CLB thuộc tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Giang.
Ông Dương Thanh Hiền, Uỷ viên CLB có nhiệm vụ vận động và tổ chức cho hội viên duy trì việc luyện tập, là người chịu trách nhiệm dịch, sưu tầm và sáng tác lời thơ - lời hát mới, của CLB vui vẻ cho biết: CLB hát Soọng Cô dân tộc Sán Dìu của xã Tân Lợi hiện nay có hơn 100 bài, gồm các bài cũ được tìm dịch lại và sưu tầm từ các CLB tỉnh bạn, nhiều bài mới được các thành viên CLB tự sáng tác. Mỗi câu hát Soọng Cô ều dễ nhớ, vì vậy có nhiều em nhỏ nghe các cụ hát cũng thuộc lời, tuy hát chưa đúng điệu nhưng đã rất thích. Hiện, ở xã Tân Lợi đã có 3 cháu độ tuổi 12-13 tham gia tập luyện và biết hát khá thuần thục.
Bà Lâm Thị Ba biết hát Soọng Cô từ nhỏ, một trong những nghệ nhân hát hay có tiếng trong CLB, là tổ trưởng ở xóm Trại Đèo chia sẻ: Từ ngày có CLB, được tập luyện cùng mọi người, tôi thấy những vất vả khó nhọc trong lao động sản xuất cũng vơi đi phần nào.
Sau 2 năm thành lập, hát Soọng Cô đã dần trở lại với đời sống thường nhật của người dân tộc Sán Dìu xã Tân Lợi như một nét văn hóa đẹp với nhiều bài hát được người dân thích thú như: Mời trầu, đón khách, chúc mừng, giao duyên, đối đáp, ru con… Gần đây, trong những dịp như: Mừng nhà mới, đám cưới… người dân đều mời CLB đến hát mừng, từ đó mối quan hệ làng xóm cũng gắn kết mật thiết hơn trước rất nhiều. Bà Tống Thị Hồng, Chủ nhiệm CLB cho biết, đây là bước đầu khôi phục lại một nét văn hóa bị mai một. Dù kinh phí hoạt động của CLB hoàn toàn tự túc, chưa có một sự hỗ trợ nào nhưng mọi người tự nguyện đóng quỹ để duy trì hoạt động. Mong muốn lớn nhất hiện nay là được sự quan tâm của các cấp ngành để CLB có thêm động lực phát triển.