Dịu ngọt hương chè

17:41, 21/01/2015

Chúng tôi đi giữa màu xanh của chè, tay mơn man những búp non, hít thở bầu không khí trong lành, cảm giác khoan khoái lan tỏa, mọi ưu phiền, mệt mỏi như tan biến.

Nhưng còn tuyệt vời hơn khi chúng tôi được ngồi trong gian nhà xây khang trang, sạch sẽ, thưởng trà cùng với các lão nông, nghe kể chuyện về cây chè, về hiệu quả kinh tế mà cây chè đã mang lại cho người nông dân; đặc biệt là việc chuẩn bị cho Lễ hội Trà Đại Từ lần thứ 3 năm Giáp Ngọ.

 

Ông Nguyễn Đình Năng, ở xóm 7, xã Hà Thượng mang ra một túi chè được bọc cẩn thận trong giấy bạc có ánh vàng, phấn khởi giới thiệu: Đây là loại chè ngon đã được gia đình tôi sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ có cây chè, không chỉ gia đình tôi mà các hộ dân trong xóm đã thoát được cảnh nghèo khó, vươn lên xây dựng cuộc sống ngày càng khấm khá. Nhà cửa, xe máy, các vật dụng sinh hoạt đắt tiền… đều nhờ cây chè mà có được. Lễ hội Trà Đại Từ lần này, tôi cũng là một trong những thành viên của xã Hà Thượng tham gia. Tôi rất phấn khởi và hồi hộp, vì thông qua Lễ hội, chúng tôi không chỉ được giao lưu, học hỏi, thi thố tài năng sao sấy chè mà còn là cơ hội để quảng bá sản phẩm chè của Hà Thượng nói riêng và huyện Đại Từ nói chung.

 

Tâm sự của ông Năng cũng là niềm vui chung của những người trồng, sản xuất chè trên địa bàn huyện Đại Từ. Nhắc đến chè Đại Từ, nhiều người nhớ ngay tới những vùng chè đặc sản nổi tiếng như: xã La Bằng, Làng Thượng (xã Phú Thịnh), Khuôn Gà (thị trấn Hùng Sơn)... Hiện nay, số diện tích chè kinh doanh của Đại Từ là hơn 6.000ha, chiếm 1/3 diện tích chè của tỉnh; Đại Từ trở thành huyện có diện tích chè đứng thứ hai so với các huyện trồng chè trong cả nước, chỉ sau huyện Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng). Giá chè búp khô loại ngon bán tại các chợ phiên luôn ở mức trên 400 nghìn đồng/kg; chè búp tươi bán cho các cơ sở chế biến cũng đạt trên 10 nghìn đồng/kg. Theo ước tính, mỗi năm, cây chè đã mang lại thu nhập cho người làm chè ở Đại Từ khoảng 800 tỷ đồng.

 

 Còn gần 1 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán, nhưng chúng tôi và những người dân Đại Từ đều cảm nhận như mùa Xuân đã về, bởi không khí phấn khởi, rộn ràng chuẩn bị cho Lễ hội Trà Đại Từ năm Giáp Ngọ. Ở hầu khắp các bản, làng, ngõ xóm, nơi chúng tôi đi qua đều nghe người dân trò chuyện về cây chè, về công tác chuẩn bị nhân lực, vật lực để tham gia Lễ hội với một tâm thế tốt nhất, vui vẻ nhất. Chính vì lẽ đó mà những cán bộ của huyện, của các phòng, ban chức năng, những người được phân công tổ chức Lễ hội Trà… càng thấy vinh dự,  trách nhiệm của mình lớn lao hơn, không ai bảo ai nhưng tất cả mọi người đều cố gắng, nỗ lực hết mình để Lễ hội được diễn ra vui tươi, ấm cúng, an toàn, tiết kiệm và đạt hiệu qủa cao nhất. Đang tất bật chuẩn bị cho Lễ hội, chị Nguyễn Thị Hải, Chủ nhiệm HTX chè La Bằng vẫn vui vẻ dành cho chúng tôi đôi phút trò chuyện: Để chuẩn bị cho Lễ hội này, chúng tôi đã có ý thức chọn và chăm sóc nương chè để đi thi ngay từ đầu năm theo đúng quy trình của sản xuất chè VietGAP. Cùng với đó, đội thi sao sấy chè được chúng tôi cho thử sao chè nhiều lần, thậm chí mời cả chuyên gia về tập huấn, tư vấn cách sao, sấy chè cho ngon, đạt tiêu chuẩn. Đặc biệt, năm nay gian hàng trưng bày của chúng tôi sẽ phong phú, đa dạng hơn với nhiều mẫu mã và chất lượng tốt nhất.

 

 "Lễ hội Trà Đại Từ năm Giáp Ngọ" sẽ diễn ra trong 3 ngày, từ  25-1-2015 (tức ngày mùng 6 tháng Chạp năm Giáp Ngọ) đến 27-1-2015, tại Sân vận động huyện Đại Từ. Cho đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cơ bản đã được hoàn tất. Đến với Lễ hội Trà Đại Từ năm Giáp Ngọ, các đại biểu và du khách không chỉ được đắm mình trong những bài ca, nốt nhạc, điệu múa... đặc sắc ca ngợi quê hương, đất nước mà còn được tham gia Hội chợ thương mại với hơn 50 gian hàng là nơi giới thiệu, quảng bá, bày bán các sản phẩm chè và một số sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tiêu biểu của huyện. Hội thi “Bàn tay vàng chế biến chè” sẽ là một hội thi không mang “màu sắc” của sự ganh đua mà là cùng nhau trổ tài để học hỏi kinh nghiệm, để cho ra những mẻ chè ngon nhất phục vụ người thưởng trà, không làm thất vọng kể cả những người thưởng trà mộ điệu nhất. Ngoài ra, du khách sẽ được hòa mình vào Đêm thưởng trà để cảm nhận vị chát nhẹ nơi đầu lưỡi, ngọt đậm nơi cuống họng và hít hà hương thơm dịu mát của trà; dạo chơi ở “chợ quê” để thưởng thức các món ăn dân dã nhưng đậm đà hương vị quê hương, mang những dấu ấn riêng biệt không thể nào quên. Chị Nguyễn Thị Thuý Nga, Giám đốc Công ty TNHH Hội chợ Thương mại Á - Âu (trụ sở hoạt động tại 91/278 Đê La Thành, Đống Đa, Hà Nội) cho biết: Tại Lễ hội lần này, chúng tôi tham gia tái hiện lại một phiên chợ quê cổ xưa mang dáng dấp hồn Việt, từ những món ăn dân giã trong ngày thường đến những món ăn cầu kỳ, đều mang những vẻ riêng của mỗi vùng miền Việt Nam, tạo nên bản sắc của từng dân tộc. Riêng đối với cây chè, chúng tôi cũng tái hiện lại những cách mang chè xuống núi để bán của người xưa bằng địu, rồi dùng ống tre đựng chè với số lượng ít, thậm chí họ còn lấy lá cọ khô buộc vào rồi mang xuống chợ bán; rồi cách sao sấy chè truyền thống...

 

Ông Nguyễn Hải Đường, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban Tổ chức Lễ hội Trà Đại Từ năm nay cho biết: Lễ hội Trà là một trong những hoạt động văn hoá truyền thống, thường niên, mang sắc thái riêng của huyện Đại Từ, nơi gắn kết phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ và thưởng thức trà, góp phần phát triển tiềm năng du lịch của huyện. Thông qua Lễ hội, nhằm tăng cường quảng bá sản phẩm chè của huyện với nhân dân trong và ngoài tỉnh, từng bước xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm chè Đại Từ nói riêng và của tỉnh Thái Nguyên nói chung. Tạo cơ hội và điều kiện cho các hộ gia đình, các doanh nghiệp, các HTX liên kết trao đổi kinh nghiệm sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm chè nhằm nâng cao thu nhập cho người trồng chè. Ngoài ra, còn góp phần tích cực vào thực hiện Đề án “Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của Trà Thái Nguyên” đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 203/QĐ-TTg.

 

Nắng ấm bừng sáng không gian, xua tan cái lạnh cắt da, cắt thịt; hơn thế là không khí phấn chấn, háo hức chuẩn bị, chào đón Lễ hội Trà Đại Từ lần thứ 3 như một chất xúc tác khiến lòng người thêm ấm áp, muốn xích lại gần nhau hơn để bước vào một mùa Xuân mới - mùa của những lễ hội vui tươi, bổ ích.