Đừng để dịch vụ “tung hoành” làm “tắc” lễ hội!

10:06, 19/01/2015

Ngành văn hóa đang nỗ lực tung ra nhiều giải pháp tổ chức, quản lý, giám sát nhằm giữ gìn trật tự, vệ sinh, an toàn, văn minh, thanh lịch… trong mùa lễ hội xuân 2015. Có rất nhiều vấn đề phải giải quyết để quản lý một lễ hội, nếu không đi vào từng khía cạnh cụ thể, mọi thứ sẽ chỉ chung chung, khái quát và rồi sẽ lại ào ào cho qua. Như riêng yêu cầu về quy hoạch hệ thống hàng quán, dịch vụ thôi, cũng đã là một đòi hỏi lớn mà nếu thực hiện nghiêm túc, thì lễ hội sẽ bớt đi những cảnh tượng ùn tắc, chen lấn, nhếch nhác…

Những năm qua, sự “tung tác” của hệ thống hàng quán, dịch vụ đủ kiểu trong lễ hội chính là một trong những nguyên nhân chính làm xấu đi hình ảnh lễ hội và suy giảm mầu sắc văn hóa truyền thống. Ở nhiều lễ hội, hàng quán, dịch vụ tràn lan gây ra sự lộn xộn, ách tắc giao thông trên các tuyến phố chính, ùn tắc tại nhiều lối đi nhỏ hơn trong và quanh khu vực lễ hội. Sự tự do này đã trở nên quen thuộc và phổ biến đến mức dường như những người bán hàng quên mất hoặc bỏ qua ý thức về việc mình đang vi phạm những quy định về an toàn giao thông, trật tự công cộng. Còn cơ quan quản lý địa phương, quản lý lễ hội thì hoặc quản không xuể, hoặc “ngoảnh mặt làm ngơ”, thành ra lại tạo điều kiện, “tiếp sức mùa thi” cho sự vi phạm này? Nói “ngoảnh mặt làm ngơ” không phải không có lý, bởi sự tràn lan, lấn lướt ấy diễn ra ngay trước mắt các cơ quan quản lý, ngay ở trong và quanh khu vực diễn ra lễ hội.

 

Có thể lấy ngay hội Lim – Bắc Ninh nhiều năm nay làm một trường hợp điển hình. Tại đây, vào các dịp lễ hội, các vỉa hè ngoài khu vực đường 1 cũ xuyên qua thị trấn Lim cũng như vỉa hè nhiều con phố xung quanh núi Lim thường bị lấn chiếm làm bãi gửi xe, làm nơi bán hàng, tổ chức dịch vụ khiến người đi hội phải tràn cả xuống đường. Nhiều sạp hàng bán đồ lưu niệm, bán quà ăn vặt, đồ nhậu như bánh đa, cá mực, cá chỉ vàng, xúc xích… xung vào đội quân lấn chiếm này. Người bán hàng lấn vào những vỉa hè vòng quanh chân núi Lim, nhiều người còn ngồi ra giữa đường. Ngay cả trong khuôn viên đình Lim, nơi có hồ thủy đình là chỗ tổ chức hát quan họ trên thuyền, thì quanh mép hồ cũng có nhiều người ngồi bán hàng hoặc bày bàn ghế chiếm chỗ đứng của người xem hát khiến cho khán giả càng phải đứng, ngồi chen chúc vào nhau. Dịch vụ, hàng quán đã lấn vào sâu các khu vực trung tâm và phân bổ bừa bãi như thế thì sự quy củ, thông thoáng của lễ hội còn đâu?

 

Hoặc như ở hội chùa Hương – Hà Nội thì hệ thống quầy, sạp hàng bán đồ lễ, viết sớ không chỉ quây hai bên con đường nhỏ dẫn tới đền Trình mà còn lan tràn xuống tận những con đường nhỏ ở mép nước suối Yến, là nơi lẽ ra để dành cho người dân, khách thập phương đi lại. Và liên tục những năm qua, cứ mỗi mùa lễ hội lại phổ biến cảnh những quầy hàng, sạp hàng kiểu này bày dọc theo con đường lên chùa Thiên Trù, lên động Hương Tích. Những con đường vốn đã nhỏ, chứa dòng người đông đúc về hành hương, lại thường xuyên bị thu hẹp như vậy, bảo sao không có sự lộn xộn, chen chúc và ách tắc cục bộ? Tại nhiều lễ hội nhỏ hơn khác, đủ kiểu dịch vụ cũng “hạ cánh” ở nhiều vị trí lẽ ra cần dành cho người đi lại, làm hẹp thêm không gian lễ hội.

 

Có thể lập luận rằng, hệ thống dịch vụ gồm nhiều mặt hàng từ ăn uống, đồ lễ, đồ lưu niệm… cho đến ngủ nghỉ, là một phần không thể thiếu trong hoạt động lễ hội, nó đáp ứng nhu cầu của một lượng khách thập phương khổng lồ. Nếu không có hệ thống dịch vụ này, quần chúng nhân dân đi hội khó lòng tìm đâu ra chỗ để đáp ứng các nhu cầu từ tối thiểu như ăn, uống… cho đến “cao siêu” là khấn vái, lễ lạt của mình. Tuy nhiên nếu không quản lý chặt chẽ, để dịch vụ, hàng quán lan tràn, không tuân thủ các quy định về giữ gìn trật tự, an toàn giao thông thì thử hỏi, làm sao tránh khỏi không khí lộn xộn, hỗn tạp trong lễ hội?

 

Cần quy hoạch những khu vực riêng biệt, ở vòng ngoài để khách thập phương gửi xe, ăn uống, mua sắm đồ lễ. Càng vào gần và đến khu vực trung tâm của lễ hội, nơi có các khuôn viên di tích, các đình, chùa, lăng, đền, miếu…, nơi diễn ra các chương trình văn hóa nghệ thuật, trò chơi dân gian và những vỉa hè, những con đường dẫn đến các khu vực này, càng không thể để hàng quán, dịch vụ được chiếm chỗ của người đi hội. Khoan hãy nói đến những lý do theo kiểu trong một thời gian ngắn, quá nhiều con người, phương tiện tập trung vào một khu vực diện tích nhỏ gây ùn tắc. Khoan hãy nói đến ý thức kém của một bộ phận hoặc nhiều người dân đi lễ hội. Mà hãy nhìn ngay vào sự phân bố, cách sắp xếp hệ thống hàng quán, dịch vụ do các cơ những quy hoạch được đề xuất, được báo cáo là quy củ, chỉn chu này, lại không đạt đến được tinh thần quy củ, chỉn chu mà nó nêu ra.