Trung tâm khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội) đang phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành xây dựng đề án "Bảo tồn 82 bia đá Tiến sĩ” tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Theo đề án, sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu khoa học đầy đủ về 82 bia Tiến sĩ phục vụ lưu trữ, quản lý và tra cứu; nghiên cứu và thực hiện bảo tồn, bảo vệ 82 bia đá và các hạng mục liên quan; xây dựng phương thức quản lý, phát huy giá trị 82 bia đá Tiến sĩ. Nếu đề án được phê duyệt sẽ triển khai trong giai đoạn từ năm 2015-2020. Riêng trong năm 2015 sẽ thử nghiệm bảo tồn 2 bia đá, sau đó tiếp tục triển khai các bia đá khác.
Có từ thời Lê - Mạc (1442 - 1779), hệ thống bia đá tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã trải qua gần 600 năm lịch sử, bị tác động bởi điều kiện tự nhiên và con người. Bia đá đặt tại khu di tích Văn Miếu- Quốc Tử Giám vinh danh tên tuổi những người đỗ trong các kỳ thi tuyển Tiến sĩ triều Lê và Mạc. Trên mỗi tấm bia khắc một bài văn (bài ký) bằng chữ Hán, nội dung ghi lại lịch sử của các khoa thi tổ chức từ năm 1442 đến 1779. Có 82 tấm bia tương ứng với 82 khoa thi được dựng. Tấm bia Tiến sĩ đầu tiên được dựng năm 1484 (đời vua Lê Thánh Tông), ghi lại lịch sử khoa thi năm 1442. Tấm bia cuối cùng được dựng vào năm 1780 cho khoa thi tổ chức vào năm 1779.
Không chỉ là nguồn tư liệu phong phú phản ánh một giai đoạn lịch sử hơn 300 năm dưới triều Lê - Mạc, bia Tiến sĩ Văn Miếu còn là bức tranh sinh động về việc tuyển dụng và đào tạo nhân tài độc đáo ở Việt Nam, thể hiện ở tư tưởng trị quốc dựa vào nhân tài. Từ những tấm bia Tiến sĩ, người đời sau lĩnh hội được nguồn tư liệu có giá trị để tìm hiểu thân thế, sự nghiệp của các sứ thần Việt Nam, cùng mối quan hệ bang giao giữa các nước vùng Đông Bắc Á.
Với những giá trị lịch sử quý giá, hệ thống bia đá tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám được UNESCO công nhận là di sản tư liệu thế giới và mới đây, hệ thống 82 bia đá tiến sĩ tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám tiếp tục được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là Bảo vật quốc gia./.