Sân khấu và cuộc đấu tranh với tiêu cực

09:06, 26/01/2015

Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc dàn dựng tác phẩm nghệ thuật hưởng ứng Nghị quyết T.Ư 4 khóa XI "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay", Nhà hát kịch Việt Nam vừa hoàn thành và công diễn vở Những chấn động còn lạicủa tác giả Xuân Đức, do đạo diễn - NSND Doãn Hoàng Giang dàn dựng.  

Vở diễn phản ánh cuộc đấu tranh chống tiêu cực ở một vùng miền núi heo hút, nơi có những người dân đang ngày đêm bảo vệ các cánh rừng, chống sự hủy hoại của lâm tặc và những kẻ tiếp tay cho chúng dưới vỏ bọc nhân danh chính quyền. Nội dung kịch xoay quanh mối quan hệ của những người từng là bạn bè chiến hữu, cùng sinh tử trong chiến tranh chống Mỹ, cứu nước nhưng lại đối mặt với nhau trong thời bình. Một vụ buôn lậu xuyên quốc gia, trong đó tên trùm buôn lậu bị tử hình nhưng kẻ bảo kê và đồng phạm là con trai một vị quan chức cao cấp vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Một cán bộ huyện ủy vì phát hiện ra sự liên quan trong đường dây buôn lậu định tố cáo thì lập tức bị bịt miệng bằng án oan điệp viên của giặc để loại khỏi hàng ngũ đảng viên. Có người minh oan và được minh oan, có người biết mà phải vờ như không biết, để rồi bị sát hại. Vụ án tưởng chừng đã chìm lắng cách đây 20 năm nhưng thật ra tội ác chồng chất vẫn để lại những hệ lụy đến tận sau này... Trong cuộc đấu tranh ấy, có những người vì vô tình mà vướng vào sai lầm, thậm chí là tội ác, song cũng có những tội ác do chính họ cố tình gây ra và cho dù tội ác đã đi qua mà dư chấn của nó vẫn còn đọng lại, không thể lãng quên và không dễ gì xóa được...

 

Vở Những chấn động còn lạiđã phần nào cho thấy độ khốc liệt và sự phức tạp của cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực. Mặt trận ấy không có tiếng súng, tiếng bom rơi, đạn nổ, không có kẻ thù đối mặt trực diện như trên chiến trường, song nó còn đáng sợ hơn bởi sự giấu mặt, bởi những kẻ "lạc đường" nhưng vẫn đang trong vai "cùng chiến hào" với chúng ta để phấn đấu cho lý tưởng cao đẹp của Đảng. Tuy nhiên, dù có nham hiểm và lọc lõi xóa dấu vết đến mấy, cuối cùng công lý cũng được thực thi và những đảng viên hết lòng vì dân, vì nước cũng được ghi nhận. Điều đáng nói hơn, vở diễn đã xây dựng được hình tượng một thế hệ trẻ khát khao cống hiến, dựng xây đất nước, thẳng thắn và trung thực, không chấp nhận đầu hàng và sẵn sàng đi đến tận cùng trong cuộc đấu tranh với cái xấu, cái ác.

 

Cùng thời gian Nhà hát kịch Việt Nam ra mắt vở Những chấn động còn lại,Nhà hát Tuổi trẻ đã kịp hoàn thành việc dựng lại vở Ai là thủ phạm? của tác giả Lưu Quang Vũ, do NSƯT Chí Trung đạo diễn. Đây là vở diễn tiếp theo của nhà hát sau những thành công của loạt vở diễn của Lưu Quang Vũ: Lời thề thứ 9, Mùa hạ cuối cùng, Hồn Trương Ba, da hàng thịt được phục dựng thời gian qua, thu hút đông những người yêu sân khấu Thủ đô và cả nước.

 

Vở diễn tuy ra đời cách đây hơn 30 năm, nhưng vẫn mang nhiều giá trị thời sự, nhất là lại được đạo diễn cài đặt, bổ sung những giá trị đương đại hôm nay trong diễn xuất và cả lối tư duy. Câu chuyện kịch kể về đời sống thường nhật thời bao cấp của người dân thành thị trong những năm 80 của thế kỷ trước ở Hà Nội, chung quanh những mảnh đời nhỏ lẻ ở một khu tập thể có biệt danh "Quân khu Phượng Hà". Đã có một lớp trẻ sinh ra và lớn lên với nhiều cách giáo dục và hoàn cảnh sống khác nhau. Điều đọng lại là lớp trẻ này sẽ là những "người lớn" trong giai đoạn hiện nay và một số thậm chí còn có thể trở thành các cán bộ lãnh đạo. Đó cũng là mối nhân - quả khi chúng ta nhìn về một thời quá khứ để có thể liên hệ vào thực tế của thời hiện tại. Lối giáo dục của những gia đình sẽ rèn giũa, định hình nhân cách và những phẩm chất đạo đức của con trẻ trung thực hay giả dối và đó cũng là lời giải tự suy ở mỗi người cho câu hỏi, đồng thời cũng là chủ đề vở diễn Ai là thủ phạm?Đó cũng là sự lý giải phần nào cho những hiện tượng tha hóa, tham nhũng trong xã hội hôm nay.

 

Bằng thủ pháp dàn dựng sân khấu đồng hiện, xen kẽ giữa những bối cảnh xưa cũ là suy nghĩ của lớp trẻ hiện nay... đạo diễn NSƯT Chí Trung đã giữ được cái "hồn cốt" kịch tâm lý, đậm tính nhân văn của Lưu Quang Vũ mà vẫn tạo nên sự hấp dẫn ở nhiều mảng miếng hài tràn ngập trong vở diễn. Vở diễn đã khắc họa được một số tính cách nhân vật đậm dấu ấn thời bao cấp rất sinh động như ông Tỷ "luôn tọc mạch thưa kiện", bà Loa "chuyên đưa chuyện hàng xóm", một ông Đời "khúm núm, nịnh hót cấp trên" hay một cán bộ Uy "trịnh trọng và hách dịch"... qua tài năng diễn xuất của dàn diễn viên nổi tiếng: NSND Lê Khanh, các NSƯT: Ngọc Huyền, Minh Hằng, Đức Khuê và các diễn viên hài xuất sắc của nhà hát. Phần trang trí sân khấu của họa sĩ Doãn Bằng mang lại nhiều ấn tượng, gợi mở không gian sân khấu về bối cảnh của một thời vất vả, thiếu thốn trong kịch của Lưu Quang Vũ.

 

Thành công của vở kịch Ai là thủ phạm? còn có sự góp phần không nhỏ của phần âm nhạc qua những ca khúc sâu lắng, trữ tình và da diết của nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc khi anh phổ thơ của Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ thể hiện trong các cảnh của vở kịch như một sự tri ân cặp nghệ sĩ tài hoa.

 

Vở kịch Ai là thủ phạm? đã được Ngân hàng SHB lựa chọn tài trợ để Nhà hát Tuổi trẻ trình diễn 100 buổi miễn phí tại các địa phương trong cả nước trong dự án "Chắp cánh niềm tin" giai đoạn hai năm 2015.