Xác định “kết nối” là một hoạt động lớn, làm sống động văn hóa, lịch sử và mở ra một định hướng chiến lược phát triển mới, từ năm 2010 đến nay, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam đã tổ chức gần 30 hoạt động “kết nối” từ nhỏ đến lớn, thu hút hàng trăm nghìn lượt người tham quan, trải nghiệm. Đặc biệt, nhân dịp 70 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, 25 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22-12), đơn vị đã phối hợp với Cục Chính trị (Quân khu 1) tổ chức thành công các hoạt động văn hóa với chủ đề “Bước chân Bộ đội Cụ Hồ".
Trong cuộc sống, nói thì dễ vô cùng, nhưng thực tế để làm được một việc có hiệu quả, gây ấn tượng và thu hút đông đảo khách tham quan, trải nghiệm thì rất khó, nhất là với một bảo tàng, vốn xưa nay vẫn hoạt động theo chiều tĩnh. Vượt khó từ đâu luôn là câu hỏi đặt ra cho Ban lãnh đạo và cán bộ, công chức bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam. Và bắt đầu từ những hoạt động “kết nối”, trên cơ sở tất cả đều đạt được các mục tiêu riêng, trong mục tiêu chung của hoạt động đã giúp cho đơn vị vượt khó thành công, mở ra định hướng phát triển mới trong thời kỳ hội nhập.
Sau hàng chục kết nối nhỏ, từ năm 2010 đến nay, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam bắt đầu thực hiện những kết nối lớn theo từng chuyên đề, thu hút hàng trăm nghìn lượt người tham gia. Cụ thể: Năm 2010, khai trương trưng bày ngoài trời, kết nối với các nghệ nhân dân gian trong cả nước chào mừng thành công của Đại hội các dân tộc thiểu số lần thứ nhất; thường xuyên mời nghệ nhân truyền dạy 30 loại hình Di sản văn hóa như: Cồng chiêng Bana; Múa đội nước Chăm; Múa quạt Chăm; Hòa tấu trống Chăm; Cồng chiêng Mường; Nhạc Ngũ âm Khơ Me; Múa Lâm Tơi (Khơ Me); Múa Cầu mùa Khơ Mú; Múa sạp Thái; Múa Lăm vông (Lào); Đèn lồng; đèn kéo quân; nặn tò he; rối nước; quan họ; biểu diễn đàn tính… Chuyên đề “Chiếc cày và người nông dân các dân tộc Việt Nam”, được tổ chức tháng 10-2012, đã kết nối 8 đơn vị tham gia với nhiều hoạt động thiết thực, trong đó có hàng chục tham luận, 500 ảnh tư liệu, 200 tài liệu hiện vật và 16 bộ phim nhựa, video đặc sắc tái hiện đời sống của người nông dân Việt Nam qua các thời kỳ, thu hút tới 150 nghìn lượt khách tham gia, trải nghiệm…
Kinh nghiệm từ các hoạt động “kết nối” cũng đã giúp cán bộ, công chức trong Bảo tàng tổ chức thành công Chuyên đề “Khung dệt xưa và nay” trong khuôn khổ Hội thảo, trưng bày và trình diễn nghề dệt truyền thống các nước ASEAN (13 quốc gia: Việt Nam, Campuchia, Malaysia, Philippines, Singapore, Lào; Bruney, Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ, Mỹ và Canada) được tổ chức từ ngày 14 đến 17-3-2013, thu hút 25.000 lượt người tham gia, trong đó có 12.000 học sinh, sinh viên.
Có thể nói, thông qua các hoạt động “kết nối”, Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam đang từng bước thay đổi hoạt động giáo dục bằng hình thức đa dạng, phong phú hơn, thu hút khách tham quan đến với Bảo tàng ngày một đông hơn. Công chúng không chỉ được xem, nghe, được thưởng thức mà còn tự mình được tham gia và đóng góp vào các hoạt động văn hoá dân tộc. Vì vậy, nói đến Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam, là nói đến sân chơi bổ ích, không còn là địa chỉ để du khách chỉ đến một lần. Sự quay trở lại của công chúng và học sinh, sinh viên chứng tỏ Bảo tàng Văn hóa các Dân tộc Việt Nam đã thực hiện tốt ba chức năng cơ bản là nghiên cứu, giáo dục khoa học, phục vụ nhu cầu giải trí và thưởng thức của công chúng (trong đó có đối tượng học sinh). Hoạt động giáo dục ngoài nhà trường cho học sinh được đặt lên hàng đầu trong công tác giáo dục phục vụ quần chúng của Bảo tàng. Những cụm từ “lớp học thứ hai”, “loại học đường đặc biệt”, “trường học ngoài trường học của học sinh đã trở thành tôn chỉ của giới bảo tàng hiện nay.
Đặc biệt, từ ngày 12 đến 21-12-2014, nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, 25 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22-12), được sự nhất trí của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Tư lệnh Quân khu 1, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thái Nguyên, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam đã phối hợp với Cục Chính trị (Quân khu 1) tổ chức thành công các hoạt động văn hóa với chủ đề “Bước chân Bộ đội cụ Hồ" trong khuôn viên Bảo tàng. Hoạt động đã kết nối 26 đơn vị, trường học trong và ngoài Quân đội trên địa bàn Quân khu cùng hàng chục nghệ nhân đến từ 4 tỉnh (Cao Bằng, Bắc Kạn, Quảng Ninh và Hòa Bình) tham gia.
Với các hoạt động như: Biểu diễn nghệ thuật; chiếu phim; trưng bày; cắm trại; tái hiện lịch sử; trải nghiệm văn hóa, văn nghệ dân gian; chụp ảnh, quay phim, làm phóng viên nhí; truyền hình trực tiếp, quay phóng sự... đã kết nối 600 bộ đội, cựu chiến binh, công an, diễn viên, cán bộ bảo tàng, nghệ nhân, sinh viên cùng hoạt động. Ngoài việc thu hút trên 20 nghìn lượt người tham quan quan, trải nghiệm và xem biểu diễn, hoạt động còn thu hút 45 nghệ sĩ có tên tuổi cùng một số đại sứ và các trung tâm văn hóa: Hàn Quốc, Pháp,; Urugoay và Mỹ tham gia. Trong 10 ngày, hoạt động “kết nối” văn hóa “Bước chân Bộ đội Cụ Hồ” đã để lại trong lòng các em học sinh, sinh viên và hàng nghìn lượt khách tham quan ấn tượng tốt đẹp, họ hiểu biết thêm về lịch sử của đất nước, của Quân đội Nhân dân Việt Nam Anh hùng. Từ đó khơi dậy niềm tự hào cũng như ý thức bảo vệ và đấu tranh giữ gìn độc lập, chủ quyền, sự toàn vẹn lãnh thổ. Cũng thông qua các hoạt động "Bước chân Bộ đội Cụ Hồ" đã góp phần tăng cường sự hiểu biết, sự gắn kết quân, dân giữa các đơn vị bộ đội trong Lực lượng vũ trang Quân khu 1 với các cơ quan, đơn vị, nhà trường, các tầng lớp nhân dân trên địa bàn, tạo dựng niềm tin đối với anh bộ đội nói chung và bộ đội Quân khu 1 nói riêng...
Có thể nói, sau 5 năm tổ chức các hoạt động “kết nối”, nhiều du khách trong nước và quốc tế, đặc biệt là các thế hệ trẻ được tham quan, trải nghiệm, hiểu hơn về con người, văn hóa, lịch sử các dân tộc Việt Nam. Hôm nay đây, sau những “kết nối” với các đơn vị Quân đội tham gia, thế hệ trẻ và công chúng càng thấy tự hào hơn về những chiến công hào hùng của Quân đội ta, Nhân dân ta, để vun đắp tình yêu quê hương đất nước, tình quân dân. Nhớ lại bữa cơm chay đầu tiên của thế hệ đi trước, chúng ta nguyện cùng chung sức vượt khó, rèn luyện bản thân, xác định trách nhiệm, nghĩa vụ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa.