Bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử

09:46, 20/04/2015

Những năm qua, được sự quan tâm từ cấp ủy, chính quyền địa phương và sự ủng hộ của người dân, công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử trên địa bàn huyện Định Hóa đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay...

Nỗ lực không ngừng

 

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1946 - 1954), tại ATK Định Hóa - Thái Nguyên, Bác Hồ cùng Trung ương Đảng, Chính phủ, Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam đã đặt đại bản doanh để lãnh đạo kháng chiến. Từ ATK Định Hóa - Thái Nguyên, Trung ương Đảng, Bộ Tổng tư lệnh đã ra nhiều quyết sách quan trọng liên quan đến vận mệnh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của cả dân tộc. Bởi vậy, Định Hóa là nơi có nhiều địa điểm di tích lịch sử ghi dấu những sự kiện quan trọng trong cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Theo thống kê, huyện Định Hóa hiện có 128 điểm di tích lịch sử, trong đó có 13 di tích nằm trong quần thể Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt ATK Định Hóa đã được Chính phủ xếp hạng tại Quyết định số 548/QĐ-TTg, ngày 10-5-2012 do Ban Quản lý Khu di tích Lịch sử - Sinh thái ATK Định Hóa trực tiếp quản lý, bảo vệ và 9 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, 2 di tích cấp Quốc gia do UBND huyện quản lý, bảo vệ. Nhận thức được tầm quan trọng của các di tích đối với nhân dân cả nước nói chung, nhân dân Thái Nguyên nói riêng, trong những năm qua, Ban quản lý Khu Di tích Lịch sử - Sinh thái ATK Định Hóa và cấp ủy, chính quyền các cấp ở huyện Định Hóa đã đã tập trung chỉ đạo làm tốt công tác bảo tồn, quản lý và phát huy giá trị lịch sử của các di tích.

 

Trên tinh thần đó, trong 5 năm qua, Ban Quản lý Khu di tích Lịch sử - Sinh thái ATK Định Hóa đã tổ chức sưu tầm được 442 tài liệu, hiện vật, trên 500 ảnh tư liệu, 4.215 sách hồi ký, lịch sử... tại các huyện: Định Hóa, Đại Từ, Phú Lương, T.P Thái Nguyên, Bắc Sơn (Lạng Sơn), Bảo tàng Bắc Kạn, Khu Di tích Pác Bó, Bảo tàng tỉnh Cao Bằng, Bảo tàng Tuyên Quang, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Biên phòng... Trong đó, đơn vị đã thu thập được những hiện vật vô cùng quý giá như: Áo dạ, thanh kiếm Bác Hồ tặng cụ Ma Tiến Đàm, khi cụ Đàm chữa bệnh cho Người ở Tân Trào (7-1945) do con, cháu lưu giữ; phù điêu đồng chân dung Bác của nhà Điêu khắc Nguyễn Cao Đàm. Đơn vị cũng đã tích cực phối hợp với Bảo tàng Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề "Bảo tồn, phát huy di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở ATK Việt Bắc - Thái Nguyên gắn với du lịch" vào năm 2010; tham gia lập hồ sơ khoa học trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích Quốc gia nơi thành lập Trường Nguyễn Ái Quốc tại Làng Luông (xã Bình Thành). Và đặc biệt là lập hồ sơ khoa học trình UBND tỉnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội đồng di sản Văn hóa Quốc gia, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định xếp hạng Khu Di tích Quốc gia đặc biệt cho An Toàn Khu Định Hóa... Ngoài ra, đơn vị cũng rất nỗ lực phối hợp với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phục dựng, tôn tạo lại các điểm di tích như: Di tích lán Tỉn Keo, Di tích Văn phòng Bộ Tổng tư lệnh, Di tích nơi thành lập Hội Nhà báo Việt Nam, Di tích thành lập Ban Kiểm tra Trung ương, xây dựng Bia lưu niệm đồng chí Phạm Văn Lộc - chiến sĩ bảo vệ, giúp việc Bác Hồ hy sinh ở Khuôn Tát (năm 1948), Di tích Nơi thành lập Ban Kiểm tra Trung ương... với tổng kinh phí tu bổ di tích trên 6 tỷ đồng; huy động nguồn lực xã hội hóa xây dựng các công trình văn hóa như: Nhà đón tiếp khách dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh; Trang thiết bị trạm Y tế ATK; Đường điện vào Di tích Văn phòng Bộ Tổng tư lệnh; Hệ thống đường điện chiếu sáng trung tâm Khu di tích; Nhà Vệ sinh Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh... với tổng kinh phí khoảng trên 5,5 tỷ đồng...

 

Quảng bá, thu hút khách tham quan

 

Cùng với việc nghiên cứu, sưu tầm các tư liệu, hiện vật lịch sử về các di tích, Ban Quản lý Khu di tích Lịch sử - Sinh thái ATK Định Hóa còn xuất bản hàng nghìn bản sách - ảnh, tổ chức các cuộc triển lãm về Khu Di tích Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa, về hoạt động của Bác Hồ, của Đại tướng Võ Nguyên Giáp... ở ATK; đăng trên hệ thống website của đơn vị những tin tức, hình ảnh về các điểm di tích thuộc quyền quản lý. Ngoài ra, để nâng cao chất lượng phục vụ du khách, đơn vị còn cử đội ngũ hướng dẫn viên du lịch đi bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ. Hằng năm, đơn vị cũng tổ chức cuộc thi "Hướng dẫn viên giỏi" để đánh giá năng lực cũng như nâng cao kiến thức cho hướng dẫn viên. Bởi vậy, nhắc đến các di tích lịch sử như: Đình Làng Quặng - nơi thành lập Việt Nam Giải phóng quân, địa điểm Bác Hồ ở và làm việc ở đồi Khau Tý, xã Điềm Mặc (năm 1947), địa điểm Bác ở và làm việc ở đồi Tỉn Keo (Phú Đình), địa điểm đồi Phụ Đồn, nơi Bác Hồ chủ trì Lễ phong quân hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp (năm 1948)... lại làm bừng dậy cả pho lịch sử quý giá về hoạt động của Trung ương Đảng, Bác Hồ cũng như sự trưởng thành, lớn mạnh của quân đội ta. Có thể nói, các điểm di tích đã thu hút hàng nghìn lượt du khách đến tham quan, tìm hiểu. Từ đó đã hình thành được những tour du lịch: T.P Thái Nguyên - Hồ Núi cốc - Bình Thành - Khau Tý - Đèo De và ATK Định Hóa - ATK Tân Trào - Khu Di tích Công an nhân dân (Tuyên Quang)...

 

Để giữ chân các du khách, UBND huyện đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phục dựng, bảo tồn làng Nhà sàn ở Bản Quyên, xã Điềm Mặc. Gờ đây, khi tham quan các địa điểm di tích lịch quanh địa bàn, du khách có thể đến thăm, lưu trú tại các Nhà sàn để thưởng thức những làn điệu Then của đồng bào dân tộc Tày, Nùng, những món ăn đặc sản của quê hương. Ông Nông Đình Thân, Bí thư Đảng ủy xã Điềm Mặc cho biết: Từ năm 2009, Bản Quyên được tỉnh quan tâm đầu tư hỗ trợ kinh phí sửa chữa, tu bổ 15 ngôi nhà sàn với mục đích phục hồi, lưu giữ nếp nhà sàn truyền thống lâu đời của dân tộc Việt. Để phục vụ du khách đến tham quan, ăn uống, giải trí và nghỉ ngơi, xóm đã thành lập 1 đội phục vụ những món ăn truyền thống mang đậm chất miền rừng như: nộm hoa chuối rừng, đầu cọ, khau nhục, xôi ngũ sắc, gà đồi, các loại bánh cổ truyền của dân tộc Tày và thành lập 1 đội văn nghệ sẵn sàng phục vụ du khách thập phương gần xa...

 

 Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hoài, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Định Hóa cho biết: Để quảng bá và thu hút khách thập phương đến ATK Định Hóa, trong những năm qua, huyện đã tích cực phối hợp với Ban Quản lý Khu Di tích Lịch sử - Sinh thái ATK Định Hóa kết nối các điểm di tích lịch sử phía Nam với phía Bắc của huyện tạo thành các tour du lịch lịch sử - sinh thái; quan tâm phát triển du lịch cộng đồng, thu hút, giữ chân các du khách khi đến tham quan vùng ATK; chủ động phối hợp với ngành văn hóa quảng bá hình ảnh, đưa các di tích lịch sử của huyện trở thành điểm đến của các du khách. Ngoài ra, huyện cũng quan tâm việc sưu tầm các hiện vật, tài liệu và lập hồ sơ khoa học đề nghị được công nhận xếp hạng cho các di tích...