Nhớ một thời “Tiếng hát át tiếng bom”

08:48, 29/04/2015

40 năm đã trôi qua, nhưng ký ức về những năm tháng dưới mưa bom lửa đạn, đưa tiếng hát, lời ca phục vụ các chiến sỹ nơi trận tuyến vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí của những nghệ sĩ đoàn quân giải phóng. Giống như nguồn sức mạnh tinh thần mạnh mẽ, tiếng hát của họ cất lên đã góp phần động viên, khích lệ bộ đội ta quyết tâm chiến đấu, chiến thắng quân thù, làm nên đại thắng mùa xuân 1975 lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Những ngày đi hát phục vụ chiến trường là những năm tháng không thể nào quên của ca sỹ Đài phát thanh Giải phóng Thanh Hoa. Tháng 6/1974, khi tuổi mới đôi mươi, Thanh Hoa đã cùng anh, chị em nghệ sĩ trong đoàn đi vào Trường Sơn và tham gia biểu diễn phục vụ bộ đội ta trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Giọng hát mượt mà của chị đã gieo vào nơi chiến trường khói lửa khốc liệt niềm vui, tình yêu cuộc sống, niềm tin về một ngày mai chiến thắng.

 

Nghệ sĩ nhân dân Thanh Hoa nhớ lại: “Ở chiến trường, chúng tôi hát cho thương binh, bộ đội nghe trong những chặng nghỉ chân, để động viên tinh thần các chiến sỹ. Tại các lán trại của thương binh, chúng tôi cứ đi giữa những người lính quên mình ấy, vừa nắm lấy tay họ vừa hát. Nhìn nhiều chiến sỹ bị thương nặng, vừa hát chúng tôi vừa khóc vì thương. Chiến trường càng ác liệt, lời ca tiếng hát của chúng tôi càng vang lên mạnh mẽ”.

 

“Bất kỳ người nào cũng sợ cái chết, thế nhưng thời điểm khoảnh khắc đó không cho phép ta sợ. Khát vọng hòa bình dường như là lý tưởng sống của lứa tuổi Thanh Hoa lúc bấy giờ nên gọi đến ai ra chiến trường là người ấy đi, đó là một trách nhiệm. Chúng tôi dường như đi diễn ngày đêm không biết mỏi. Đêm thì đoàn hát trên xe tải quay ngược lại và đèn chiếu vào là đèn pin của bộ đội” .

 

Còn trong hồi ức của NSND Chu Thúy Quỳnh, những năm tháng kháng chiến chống Mỹ ác liệt, gian khổ nhưng hào hùng, để lại biết bao kỷ niệm sâu sắc về tình quân dân, đồng chí, đồng đội. Năm 1968, cùng với 20 nghệ sĩ của Đoàn ca múa nhân dân Trung ương, nghệ sĩ Chu Thúy Quỳnh xung phong đi vào tuyến lửa Quân khu IV. Tại chiến trường Bình - Trị - Thiên ác liệt, dưới mưa bom bão đạn, bà cùng các nghệ sỹ không ngừng tập luyện và biểu diễn các tiết mục múa, hát phục vụ chiến sỹ và đồng bào nơi đây.

 

NSND Chu Thúy Quỳnh trong tác phẩm múa "Gặp gỡ bên mâm pháo".

 

Nghệ sĩ nhân dân Chu Thúy Quỳnh nhớ lại: “Chúng tôi từ Hà Nội đi lần lượt vào Thanh Hóa, Quảng Bình đến Vĩnh Linh, cầu Hiền Lương, những chặng đường dài đấy để lại ấn tượng rất lớn với chúng tôi. Đi qua những đoạn đường đó, chúng tôi múa, hát phục vụ bộ đội, nhân dân, cán bộ các vùng miền, nhất là những người đang trực chiến thì chúng tôi phục vụ tại chỗ, ngay tại chỗ khẩu pháo và cả cho những cô dân quân đang vừa cấy lúa vừa phải trực chiến. Chúng tôi diễn được ở bất cứ hoàn cảnh nào, đặc biệt là diễn ở ngay giữa cả vùng địa đạo nữa”.

 

Từ chiến trường ác liệt, nghệ sĩ nhân dân Chu Thúy Quỳnh và các nghệ sĩ trong đoàn như Phùng Thị Nhạn, Mạnh Hùng… đã sáng tác những tác phẩm múa ca ngợi tinh thần chiến đấu quật khởi của quân dân ta: “Gặp gỡ bên mâm pháo”, “Vợ chồng dân quân bên khẩu súng trường”. Hai tác phẩm này cùng các điệu múa, bài hát khác đã được các nghệ sĩ biểu diễn ở khắp chiến trường.

 

Có những nơi trận chiến diễn ra quá ác liệt không thể diễn trên mặt đất, các đoàn văn công của ta biểu diễn ngay dưới hầm phục vụ các thương binh, động viên tinh thần các chiến sỹ vượt qua nỗi đau thể xác, nắm chắc cây súng để chiến thắng kẻ thù.

 

NSND Chu Thúy Quỳnh kể: “Có những chỗ diễn rất bé nên chúng tôi múa tại chỗ. Những lúc giơ súng lên thì nằm xuống giơ súng để múa bắn máy bay. Và có những lúc không thể nào cầm kiếm múa được thì lấy gỗ đẽo thành kiếm. Ở dưới hầm các chiến sỹ ngồi xung quanh để xem và hát cùng. Đối với những bộ đội bị thương thì chúng tôi đến tận giường để hỏi thăm, chăm sóc và hát cho các anh nghe. Tôi nghĩ những kỷ niệm này đối với những người nghệ sĩ thì không bao giờ quên được”.

 

Biết bao tình cảm, niềm tin chiến thắng của các văn nghệ sĩ gửi gắm qua từng lời ca, tiếng hát đến với các chiến sĩ và nhân dân nơi trận tuyến, đã góp thêm sức mạnh tinh thần không thể nào đo đếm được cho cuộc chiến đấu của quân dân ta đến ngày toàn thắng.

 

Nhớ lại khoảnh khắc lịch sử được biểu diễn phục vụ đồng bào, chiến sỹ miền Nam trong ngày đại thắng, NSND Chu Thúy Quỳnh xúc động: “Ngày giải phóng miền Nam, chúng tôi diễn ở quảng trường, trên bãi đất rộng. Lúc đấy không những chỉ biểu diễn những tiết mục chào mừng giải phóng miền Nam còn hát múa các tiết mục dân tộc. Lúc đó các đồng chí, bà con ngồi dưới xem, phất cờ theo. Chúng tôi mang hết các tiết mục mà đồng bào miền Nam chưa được xem, cả màn múa sạp và màn múa hội mùa, vừa múa trống vừa múa quạt để mừng, mừng được mùa nhưng đây là mừng chiến thắng”.

 

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhiều nghệ sĩ - chiến sĩ mang tiếng hát lời ca phục vụ chiến trường đã để lại xương máu, tuổi xuân, ước mơ của mình ở những cung đường bom đạn, nhưng lời ca, tiếng hát của họ còn vang vọng mãi trong những bản anh hùng ca của dân tộc.

 

Với những người may mắn được trở về trong ngày vui đại thắng, được sống trong hòa bình như NSND Chu Thúy Quỳnh và NSND Thanh Hoa thì những ký ức về một thời “Tiếng hát át tiếng bom”, “Tiếng loa hòa tiếng súng” với những mảnh vải dù, lọ hoa làm bằng vỏ đạn và tình cảm mà các anh bộ đội trao tặng sau những buổi biểu diễn là những kỷ vật vô giá trong cuộc đời của người nghệ sĩ./.