Du lịch tín ngưỡng ở Thái Nguyên

15:47, 23/05/2015

Thái Nguyên, ngoài những cảnh quan thiên nhiên nổi tiếng, hấp dẫn, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế, như: Hồ Núi Cốc (Đại Từ), Hang Phượng Hoàng (Võ Nhai), suối Tiên (Đồng Hỷ)… còn có những điểm du lịch tín ngưỡng làm vấn vương, hút hồn du khách, như: Di tích lịch sử Chùa Phù Liễn, chùa Phố Hương (T.P Thái Nguyên) và chùa Hang (Đồng Hỷ)…

Theo Đại đức Thích Chúc Tiếp, Phó Thư ký kiêm Chánh văn phòng Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thái Nguyên: Hiện trên địa bàn của tỉnh có 149 ngôi chùa. Hầu hết các ngôi chùa đều gắn với những sự kiện lịch sử dân tộc và được nhân dân xây dựng theo dọc các dòng chảy của sông Cầu, sông Công và những vùng đất màu mỡ bên sông. Từ nhiều năm gần đây, các ngôi chùa được tôn tạo, xây dựng lại đáp ứng nhu cầu tự do tín ngưỡng của nhân dân. Toàn bộ số tiền tôn tạo, xây dựng chùa đều do phật tử và du khách thập phương cung tiến, ủng hộ.

 

Nhẹ đặt chân lên từng thềm đá, chúng tôi vào chùa Phố Hương -  ngôi chùa được xây dựng vào thời nhà Lý (1050). Chùa ngự kề Quốc lộ 3, đoạn qua phường Trung Thành, T.P Thái Nguyên. Hôm ấy, cơn mưa rào đầu hạ vừa đi qua, bầu trời trên đầu chợt cao xanh, nắng vàng ùa trải khắp nhân gian, trong sắc khí thanh tao của trời đất mang phảng phất mùi hương trầm càng khiến “cõi thiêng Phố Hương” trở lên rực rỡ, không mang dáng vẻ tịch mịch, u hoài buồn cảm như tôi từng nghĩ về chốn cửa thiền. Chùa Phố Hương bây giờ không chỉ là chốn thiền môn dành cho những chư tăng, phật tử về chay tịnh, tụng niệm, mà hằng năm còn đón hằng trăm nghìn lượt du khách trong nước và quốc tế đến vãn cảnh, thăm chùa.

 

Vốn hay lên chùa, vì thế tôi biết trong nhiều năm gần đây, Đại đức Thích Thanh Thắng, Phó Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thái Nguyên, vị sư trụ trì chùa Phố Hương đã cùng các chư tôn đức tăng trong tỉnh, với hoài bão của người xuất gia: “Tác Như Lai xứ, hành Như Lai sự” của người con Phật mà xây dựng đạo tràng kiến tạo lại danh thắng chùa Phố Hương. Để bây giờ, nhiều chư tăng, phật tử và du khách về thăm chùa, thấy mãn nhãn, nhẹ lòng, quên nguôi phiền muộn.

 

Lên chùa vãn cảnh, một hình thức du lịch tín ngưỡng đã xuất hiện từ lâu đời. Vì thực tế có rất nhiều người trong xã hội khi lên chùa với tâm niệm đi cho biết, chứ chẳng cầu, cúng xin lộc. Tôi cũng là một người trong số ấy, lên chùa để nghe tiếng mõ rơi, được có giây phút thảnh thơi, nhàn tản, đầu óc thả lỏng chẳng vướng bận chuyện đời, vậy mà sau mỗi lần lên chùa, thấy lòng mình nhẹ tênh như vừa được gột rửa đi những vướng bụi trần ai. Một lần, vào đêm sắp rằm, trăng đã bắt đầu tròn trịa, tôi lên chùa Phù Liễn, nghe tiếng mõ rơi đều đặn quện hòa cùng tiếng thỉnh kinh, lòng bạo nghĩ rằng: Các vị sư chùa đâu có nhàn tản, và những người lên ở chùa bởi căn duyên đâu có chốn chạy cõi hồng trần, mà vẫn hằng ngày, hằng đêm gõ mõ, đọc kinh để phá trừ màn lưới vô minh, tham lam, sân hận, nghi ngờ, những yếu tố gây lên đau khổ ở đời để kiến thiết nhân gian tịnh độ, đưa Phật pháp vào đời  để xây dựng đời sống an lành hạnh phúc, góp phần phát huy tinh thần bình đẳng hòa bình, vị tha và bất bạo động.

 

Có lẽ bởi nhà chùa là nơi chốn thanh tịnh, nên từ lâu trở thành điểm đến của bao những tao nhân mặc khách, từng toan tính chuyện chức tước địa vị, hoặc phải bươn trải chuyện áo cơm ở đời. Đi vãn cảnh chùa, một hình thức du lịch tín ngưỡng như “người ta bảo” là xả… xờ trét. Nhớ hôm đầu Xuân mới Ất Mùi năm 2015, chùa Hang tưng bừng với những trò hội, tôi đã gặp mấy đoàn khách từ tỉnh Hưng Yên, Hà Nam và thủ đô Hà Nội lên. Thấy trong các đoàn, người già mặc quần áo nâu sồng, cổ mang trang hạt; người trẻ mặc comple và chợt thấy có cô gái nắm tay đi theo mẹ mặc váy ngắn, cổ hở rộng, miệng cười hồn nhiên. Mặc kệ, đức Phật từ bi hỷ xả, chấp nhặt gì chuyện mặc của người trẻ. Tôi nghĩ thế rồi theo đoàn người vào chùa. Hỏi chuyện thì được biết: Họ đã đi qua một số chùa ở Thủ đô Hà Nội, Ninh Bình, Thanh Hóa và lên Thái Nguyên vãn cảnh chùa, dâng hương, cúng bái, cầu nguyện cho mình và người thân được yên bình, thanh thản. Khi được hỏi về cảm nhận khi lên Thái Nguyên du lịch tâm linh, tức là đi đến các chùa vãn cảnh, dâng hương cầu phật độ, bà Trần Thị Xuân, Cầu Giấy (Hà Nội) cũng như nhiều phật tử, du khách đều có chung câu trả lời: Chùa triền ở Thái Nguyên được xây dựng đẹp, các ban thờ trong chùa được bài trí gọn gàng, việc khói hương không lộn xộn như ở một số nơi khác. Nhưng giá như ở tỉnh Thái Nguyên có những cá nhân, đơn vị tham gia làm du lịch tín ngưỡng, xây dựng tuor, tuyến du lịch đi qua các chùa triền, thì thuận lợi cho du khách có tâm nguyện đi du lịch tâm linh, vừa tăng được nguồn thu cho địa phương và còn góp phần quảng bá với du khách về những địa danh lịch sử.

 

Vâng! Tôi biết. Thái Nguyên có 4 sản phẩm du lịch chính là: Du lịch lịch sử về nguồn, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch qua những vùng chè và du lịch tín ngưỡng. Thực tế du lịch tín ngưỡng đã phát triển khá mạnh, nhưng chưa được các cá nhân, đơn vị làm du lịch khai thác hiệu quả. Kể cũng tiếc.