Chiếc xe Foturner 7 chỗ chở đoàn công tác của Ủy ban MTTQ tỉnh ngược dốc, đỗ trước cửa Nhà văn hóa xóm Mỏ Chì, xã Cúc Đường (Võ Nhai).
Đón chúng tôi là anh Lý Văn Nùng, Trưởng ban Công tác Mặt trận, anh Hoàng Văn Tài, Bí thư Chi bộ và anh Ngô Văn Chú, Trưởng xóm Mỏ Chì. Anh Lý Văn Nùng phấn khởi nói: Từ ngày đường được mở rộng và đổ bê tông, xe ô tô đã lên được tận xóm. Còn anh Ngô Văn Chú hồ hởi: Có đường mới giờ không “ngán” thời tiết nữa.
Một cán bộ của Uỷ ban MTTQ tỉnh quay sang nói với tôi: Ban Công tác Mặt trận xóm Mỏ Chì được bình chọn là tập thể tiêu biểu trong Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” gắn với xây dựng nông thôn mới đấy chị ạ!
Nghe vậy, anh Lý Văn Nùng cười tươi rói: Đó là công sức của tất cả bà con trong xóm. Bà con tự giác chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước nên chúng tôi mới có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ. Như năm 2010, làm Nhà văn hóa xóm, Ban Công tác Mặt trận họp bàn, lấy ý kiến của bà con. Được mọi người đồng tình hưởng ứng, đóng góp vật liệu và 100 nghìn đồng/hộ để có kinh phí thuê máy xúc san gạt nền nhà. Nhờ có sự hợp sức của tập thể, sau hơn 1 tháng, bà con đã có nơi hội họp, sinh hoạt văn hóa.
Trưởng xóm Ngô Văn Chú cho biết: Xóm có 116 hộ, hơn 500 nhân khẩu, 100% đồng bào là người Mông, bao nhiêu nóc nhà là bấy nhiêu hộ nghèo. Tuy đời sống còn nhiều khó khăn nhưng khi được tuyên truyền về chủ trương xây dựng nông thôn mới, bà con đã hiểu đó là việc chung, có lợi cho cuộc sống của chính mình nên đồng lòng, góp sức. Chúng tôi cũng xác định, một trong những cái khó nhất đối với Mỏ Chì chính là đường giao thông. Đi lại khó khăn, kinh tế không phát triển được, trẻ con đi học vất vả nên bỏ học nhiều. Bởi thế, điều đầu tiên chúng tôi nghĩ đến là phải cải tạo các tuyến đường trong xóm. Chỉ vào con đường ôm theo sườn núi, anh tiếp lời: Xóm xây dựng quy chế, thu mỗi hộ 100 nghìn đồng/năm để mở đường và chỉ thu của những hộ có thành viên trong độ tuổi lao động. Nhờ đó mà trong 2 năm, xóm mở được 2 con đường rộng 3m, dài 1.500m. Vừa qua, Nhà nước đã hỗ trợ đổ bê tông được 1,2km đường nên việc đi lại của bà con đã thuận lợi hơn rất nhiều. Trẻ con đi học không còn cực như trước nữa. Đến nay, ở Mỏ Chì, 100% trẻ em trong độ tuổi được ra lớp đầy đủ, học sinh bỏ học giữa chừng gần như không còn. Các mặt hàng nông sản bán được giá cao hơn so với trước. Hôm vừa rồi, nhà ông Trương Văn Nùng có 3ha keo, tư thương vào mua gỗ, họ tự khai thác với giá 30 triệu đồng/ha, cao hơn nhiều so với trước.
Trên đường đi thăm xóm, chúng tôi gặp chị Trương Thị Tống đang chăm sóc ngô dưới đồng. - Chị Tống mát tay nên ruộng ngô tốt quá. Tôi chào chị.
- Không phải mát tay đâu, ngô lai NK4300 nó tốt thế đấy, ruộng nhà ai cũng tốt.
- Là chị Tống khiêm tốn thôi, nhìn là biết chị trồng ngô rất đúng kỹ thuật.
- Ngày trước cũng không biết đâu, cứ bỏ 2, 3 hạt một hố cho nó được nhiều bắp nhưng tra dày quá, bắp ngô bé, không có hạt. Được cán bộ trên tỉnh, trên huyện về hướng dẫn trồng mỗi hố 1 hạt thôi, mình làm theo mới được ăn đấy.
Anh Chú cho biết thêm: Ngoài 36ha đất rừng, cả xóm chỉ có 27,7ha đất trồng cấy. Trong đó, 20ha là trồng ngô, còn lại là cấy lúa. Đất canh tác ít cũng là một trong nguyên nhân khiến người dân chúng tôi nghèo. Đến năm 2005, bà con biết trồng giống ngô lai, giống lúa mới, năng suất tăng, cuộc sống của các gia đình dần ổn định hơn. Nhưng ban đầu tuy được Nhà nước hỗ trợ giống, phân bón và kỹ thuật, bà con vẫn làm theo tập quán cũ nên sản lượng ngô, thóc rất thấp. Chúng tôi tranh thủ mọi cuộc họp, tuyên truyền lồng ghép về sự cần thiết phải thay đổi cách nghĩ, cách làm. Đến giờ thì mọi người đã hiểu và biết áp dụng những điều được học vào sản xuất. Năm 2014, năng suất ngô đạt 40 tạ/ha, năm nay chúng tôi đang phấn đấu tăng năng suất lên 45 tạ/ha.
Trưởng Ban Công tác Mặt trận xóm Lý Văn Nùng thêm vào câu chuyện với những thông tin vui: Tuy cả xóm còn nghèo nhưng không còn nhà nào thiếu ăn, đứt bữa. Năm 2014, cả xóm chỉ còn 2 trường hợp sinh con thứ 3 trở lên. Thực hiện nếp sống mới, người mất không để trong nhà quá 24 tiếng, việc làm ma chay, cưới hỏi cũng đơn giản, tiết kiệm. Người ốm thì đến trạm y tế chứ không để nhà đón thầy cúng đến bắt ma nữa. Trước khi chia tay Mỏ Chì, Bí thư Chi bộ Hoàng Văn Tài bày tỏ: Mỏ Chì chưa có điện, chỉ có khoảng 30 hộ dưới chân núi kéo nhờ điện từ nơi khác. Việc tiếp cận với thông tin của bà con còn rất hạn chế, bởi vậy chúng tôi tranh thủ mọi lúc, mọi nơi phù hợp truyền đạt những chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước tới bà con. Nói một lần bà con chưa hiểu, chưa nghe thì nói hai lần, ba lần hoặc nhiều hơn nữa. Tất cả các thành viên trong Ban Công tác Mặt trận đều là những người nêu cao tinh thần tiên phong, miệng nói được, tay làm, chính vì vậy bà con rất tin tưởng và nghe theo.