Năm nay, dù đã ở tuổi 93, nhưng nghệ nhân Mỗ Thị Kịt, ở thôn Ngọc Trí, xã Tô Hiệu, huyện Bình Gia (Lạng Sơn), thường ngày vẫn đem cây đàn tính giản dị, lặng lẽ đi khắp bản trên, xóm dưới hát cho mọi người nghe trong những ngày mừng nhà mới, sinh nhật, cầu an...
Tiếng đàn tính của bà có sức lôi cuốn kỳ lạ cả người già, người trẻ, con gái, con trai của bà con các dân tộc nơi đây… Bà Mỗ Thị Kịt cho biết: Được sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Bình Gia, nơi được coi là "cái nôi" hát then của bà con các dân tộc: Tày, Nùng,... xứ Lạng. Thời còn trẻ, bà đã được hưởng những làn điệu dân ca ngọt ngào và những ngón đàn điêu luyện của các bà then. Khi lớn lên được về làm dâu họ Nông, bà lại được mẹ chồng truyền dạy những bài then cầu bình an, chúc thọ, mừng nhà mới, giải hạn, an ủi người ốm, động viên người gặp nạn…
Chị Lương Thị Nhung (30 tuổi), ở thôn Phai Danh, xã Hoàng Văn Thụ (Bình Gia), được bà Mỗ Thị Kịt thu nhập làm Lục Pựt, “ học trò”, không dấu nổi miền vui nói: Bà con các dân tộc nơi đây vô cùng tự hào và mến phục nghệ nhân Mỗ Thị Kịt (một trong hai người của tỉnh năm 2007 được Hội văn học nghệ thuật dân gian phong tặng "Nghệ nhân dân gian") về hát then, đàn tính. Không chỉ ở xã, huyện, mà đến trong tỉnh nói về hát then, đàn tính là mọi người nhắc đến tên bà với lòng thành kính, coi bà là cây đa, cổ thụ về hát then. Mặc dù, năm nay đã 93 tuổi, nhưng hễ gia đình nào có lời mời đến hát then là bà Mỗ Thị Kịt lại lên đường không quản đường xa, khó nhọc.
Đặc biệt là hằng năm, vào dịp đầu xuân Tết Nguyên đán, bà Mỗ Thị Kịt thường tổ chức lẩu then (hội then) tại nhà để gợi nhớ tổ tiên, đoàn kết xóm làng. Lẩu then là dịp gặp gỡ hội tụ nhiều lứa tuổi về đây sinh hoạt, hưởng thụ văn hóa tâm linh, các bậc cao niên đã qua một thời sắc xuân đến đây để nhớ lại những kỷ niệm xưa còn lưu giữ mãi mãi. Còn các nam thanh, nữ tú thì coi đây là dịp gặp gỡ giao lưu trò chuyện, tâm tình yêu đương. Mỗi dịp như vậy, bà con bản trên, xóm dưới lại kéo đến nghe hát then say sưa hết đêm này, qua đêm khác mà không thấy chán.
Nói về miền vui này, bà Mỗ Thị Kịt thổ lộ: Sở dĩ bà con yêu thích hát then, đàn tính là vì trong làm then là cả hình thức nghệ thuật tổng hợp, có lời, có nhạc, có hóa trang và có biểu diễn. Lời then là những câu chữ chắt lọc, mộc mạc trong đời sống hằng ngày của con người, đó là những kinh nghiệm quý báu về đối nhân xử thế, lời khuyên răn, khích lệ, dễ hiểu, dễ nhớ… Cho nên khi nghe đàn tính, nghe tiếng hát then là người ta cứ như thấy trong đó có cuộc sống của mình…
Cụ thể như: trong đoạn hát then có ý nghĩa nhắc nhở người nông dân về thời vụ, có tính nông lịch.
Lời then cổ: “Bươn slam lảm chả
Bươn hả lảm nà
Hóc nguột, lồng nặm piến đa
Chất nguột, khỉn khau phia piến ngoảng
Khỏi là lục nàng Bân mừa đía.
Tạm dịch: “Tháng ba chăm mạ
Tháng năm chăm lúa
Tháng sáu xuống nước hóa thành muồm muỗm
Tháng bảy lên rừng lột xác biến thành ve
Tôi là con trời ngày xưa”.
Tự nhận mình là học trò của bà Mỗ Thị Kịt, Nghệ sĩ Ưu tú Triệu Thủy Tiên (là người trưởng thành từ hát then), cũng quê ở Tân Văn (Bình Gia), nói: Bà Mỗ Thị Kịt hiện là một trong những "báu vật" sống quý giá nhất của tỉnh Lạng Sơn hiện còn lưu giữ được những làn điệu then cổ, lời cổ. Bà thuộc lòng hàng vạn câu then, có thể biểu diễn hát trong ba ngày, ba đêm, tiêu biểu như trong lễ làm lẩu then (hội then)… lễ Khao Sluông (tạm dịch như làm lễ trưởng thành).
Trình tự để làm một buổi lễ hát then phải hát qua 24 chương đoạn, cho nên đòi hỏi người làm then phải có một trí nhớ rất đặc biệt. Không chỉ hát then trong những ngày lễ, hội, bà Mỗ Thị Kịt còn tham gia các hội diễn nghệ thuật hát then của tỉnh và khu vực miền núi phía bắc, giành được nhiều giải thưởng cao.
Chị Nông Thị Phượng, Chi hội Trưởng Hội Bảo tồn dân ca của huyện Bình Gia và cũng là con bà Mỗ Thị Kịt, kể về truyền thống hát then của dòng họ mình: Từ nhỏ đến lớn đã được nghe những làn điệu hát then, đàn tính, cả bên nội, bên ngoại đều có người được cấp sắc hát then. Nhờ đó chị cũng được thừa hưởng những làn điệu hát then ngọt ngào và những ngón đàn điêu luyện từ bà nội và các nghệ nhân ở nơi vùng sơn cước này.
Kể về người mẹ và cũng là người thầy dạy hát then cho mình, chị Nông Thị Phượng nói tiếp: Suốt cuộc đời hát then, bà luôn tận tình, hướng dẫn, truyền dạy cho các học trò của mình, những bài then cổ, lời hát then rất mộc mạc dễ nhớ, bằng những câu ca dao quen thuộc, là lời ăn tiếng nói hằng ngày, là đối nhân xử thế..., nên chỉ cần nhắc qua một lần là thuộc. Hiện, bà đã truyền dạy được 12 Lục Pựt, “học trò” vào loại có đẳng cấp cao, nghĩa là thầy của các thầy hát then. Ngoài ra, bà còn có hàng trăm "con sớ" (con nuôi) ở một số huyện trong tỉnh, như: Văn Quan, Bắc Sơn...
Chị Nông Thị Phượng giãi bày: Là giáo viên về nghỉ hơn tám năm nay, nhưng do đam mê về hát then, đàn tính lại được bà mẹ truyền dạy và được các cấp chính quyền, đoàn thể địa phương quan tâm động viên nên chị đã mạnh dạn đứng ra đảm nhận Chi hội Trưởng câu lạc bộ hát then, đàn tính của huyện. Câu lạc bộ quy tập hàng trăm hội viên đủ mọi sắc tộc như: Tày, Nùng, Kinh, Mông… và đủ mọi lứa tuổi từ 10 đến 65 tuổi, sinh sống ở các xã Tân văn, Tô Hiệu, thị trấn Bình Gia...
Chị Nông Thị Phượng cho biết: Then cổ kể về những sự tích, về nghi lễ cúng tế, đời sống tâm linh của con người, răn dạy tình yêu con người với con người, kinh nghiệm lối sống…, là một loại hình nghệ thuật rất đặc sắc và phong phú. Nhưng hiện nay, then cổ đang có nguy cơ mai một, chỉ còn rất ít các bà then hát được các làn điệu then cổ. Vì vậy, các ngành chức năng của tỉnh cần có biện pháp bảo tồn, gìn giữ cho thế hệ mai sau.
Để ghi nhận, tôn vinh các nghệ nhân, nghệ sĩ đã có nhiều đóng góp trong bảo tồn, phát huy nghệ thuật diễn xướng then, Tiến sĩ Hoàng Văn Páo, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lạng Sơn, khẳng định: Hiện nay, ngành văn hóa đang khẩn trương làm các thủ tục đề nghị phong tặng nghệ sĩ ưu tú cho nghệ nhân Mỗ Thị Kịt. Vì trong những năm qua, bà đã có nhiều đóng góp, việc làm, như: phục dựng, sưu tầm, tham gia các hội diễn; bảo tồn, gìn giữ các bài hát then cổ. Qua đó khơi dậy ý thức bảo tồn, gìn giữ và phát triển loại hình nghệ thuật đặc sắc này.