Thành lệ, vào các buổi chiều thứ Năm hằng tuần, Nhà văn hóa tổ dân phố 3, phường Hương Sơn (T.P Thái Nguyên) lại mở cửa đón tiếp các thành viên trong tổ đọc báo đến hội họp.
Ông Trần Văn Khang, 83 tuổi, cho biết: Trời mưa cũng như trời nắng, chúng tôi đều đến Nhà văn hóa để gặp nhau và đọc báo cho nhau nghe. Chúng tôi tự duy trì quy ước này từ hơn 10 năm nay rồi.
Bên chiếc bàn gỗ mộc, các thành viên trong tổ ngồi quây quần, trật tự, lắng nghe “phát thanh viên” đang đọc báo. Dù không “bổ nhiệm” tổ trưởng, tổ phó, nhưng các thành viên trong tổ đều quý mến, nhắc đến cụ Đào Sơn, 86 tuổi, cán bộ tiền khởi nghĩa. Trong tổ đọc báo, cụ Đào Sơn có vai trò rất quan trọng, cụ là người tài trợ cho tổ các đầu báo: Người Cao tuổi; Pháp Luật và Đời sống; Báo Thái Nguyên; Báo Sức khỏe và Đời sống. Để đáp ứng nhu cầu tiếp nhận thông tin của các thành viên, cụ Đào Sơn chủ động xây dựng nội dung đọc báo cho từng buổi. Ngoài đọc báo, cụ Đào Sơn còn tự sưu tầm, soạn thành văn bản một số điều cần thiết trong cuộc sống, như: Chế độ ăn uống cho người cao tuổi; cách sử dụng cây thuốc nam, nghệ thuật sống vui, sống khỏe... rồi in thành văn bản phát tận tay cho từng người.
Trong tổng số 13 thành viên của tổ đọc báo, cụ Nguyễn Văn Tích, 87 tuổi là người cao niên nhất, còn người trẻ tuổi nhất là bà Lê Thị Nhìn, 60 tuổi. Cụ Tích không biết chữ, nhưng chẳng buổi đọc báo nào vắng mặt. Còn bà Nhìn, một cây thơ của tổ, trước giờ đọc báo, bà Nhìn vẫn đọc thơ mình làm cho các cụ cùng nghe. Thơ bà làm có bài đăng trên báo Văn nghệ Thái Nguyên; Báo Thái Nguyên và một số tờ báo khác. Bà Nhìn khoe: Tôi đã xuất bản 2 cuốn thơ cùng chồng là: “Quê mình ơi” và “Hồn quê” do Hội Nhà văn Việt Nam xuất bản... Cầm tờ báo trên tay, ông Phạm Ngọc Loan cho biết: Bà Nhìn có thơ đãi mọi người, còn các thành viên khác khi đến sinh hoạt, thường mang theo ấm trà, gói bánh, chút quả hái từ vườn nhà, mang đến cùng chia vui. Giây lát dừng lời, ông Loan tiếp tục câu chuyện: Nhiều người trong tổ bị áp huyết cao, áp huyết thấp, tiểu đường, đặc biệt là trường hợp của bà Lưu Thị Minh Chín, bị ung thư tuyến giáp; bà Hồ Thị Minh Đức, bị ung thư vú, nhưng không vì thế mà ảnh hưởng tới việc sinh hoạt của tổ.
Bà Chín, bà Đức bảo: Nếu cứ ở nhà xem ti vi, nghe đài hoặc tự mua báo về đọc, thế khác nào tự giam cầm mình ở trong một góc nhà, dễ nghĩ luẩn quẩn. Nên khi tham gia tổ đọc báo, chúng tôi thấy phấn khởi, khỏe mạnh, quên hẳn đau đớn, bệnh tật và cảm nhận mình đang sống có ý nghĩa. Nhiều hôm con cái bận rộn, chúng đẩy bé cho ông, bà, chúng tôi mang luôn cháu ra nhà văn hóa để cùng nghe đọc báo.
Qua trò chuyện chúng tôi được biết: Từ trước năm 2000, bà con thường tập trung ở nhà ông Khang để đọc báo cho nhau nghe. Qua đó, mọi người nắm bắt được những thông tin thời sự nóng hổi trên thế giới, trong nước và của địa phương. Cũng nhân những buổi đọc báo, bà con được gặp gỡ, giao lưu, trao đổi, động viên nhau khi ốm đau, hoạn nạn; trao đổi kinh nghiệm nuôi dạy con, cháu và động viên nhau sống gương mẫu cho con, cháu noi theo. Để việc đọc báo có nền nếp và trở nên hữu ích hơn, năm 2002, một số bà con tự đứng ra thành lập tổ đọc báo, địa điểm gặp gỡ, đọc báo cho nhau nghe ở tại nhà ông Khang. Khi đó, tổ có 9 thành viên. Đến năm 2006, tổ dân phố 3 xây dựng được Nhà văn hóa và trở thành điểm gặp gỡ của các thành viên trong tổ.
Ông Hà Minh Tuấn, Tổ trưởng tổ dân phố 3 có nhận xét: Việc duy trì hoạt động của tổ đọc báo, góp phần tích cực làm nên thành công trong phong trào xây dựng làng, bản, xóm, phố văn minh. Từ nhiều năm nay, xóm không có tệ nạn xã hội; 100% số hộ (58 hộ) đạt danh hiệu gia đình văn hóa.