Lắng sâu gửi gắm của ông cha

10:01, 06/06/2015

Ngày nay, khi ngay cả những đứa trẻ lên ba cũng đã quen với các thiết bị điện tử hiện đại như điện thoại thông minh, máy tính bảng... thì giấy dó, mực tàu dường như chỉ còn trong ký ức, qua hình ảnh những trang sách xưa ố vàng.

Thế nhưng, vẫn có những người đang miệt mài, lặng lẽ "cảo thơm lần giở" tìm những giá trị tưởng đã thuộc về quá vãng. Họ đang khơi lại nét đẹp văn hóa của ông cha, dùng những con chữ để "tải đạo", nhân lên điều nhân, điều mỹ.

 

Sách xưa giở lại, chắt lọc điều hay

 

Cách Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Ðình chỉ một quãng đường, chùa Mễ Trì Thượng (tức Thiên Trúc tự, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) như một chấm xanh yên bình trong cơn lốc đô thị hóa. Thầy Yên Sơn Lê Trung Kiên khoan thai nói về cấu tạo chữ Hán - Nôm với các học viên Nhân Mỹ học đường, một cơ sở đào tạo Hán - Nôm, thư pháp đã hoạt động hơn mười năm nay. Sư trụ trì chùa Mễ Trì Thượng dành hẳn một dãy nhà khang trang để thầy trò Nhân Mỹ học đường làm nơi trao truyền những giá trị văn hóa. Nói về "lục thư" (sáu cách tạo chữ Hán - Nôm tượng hình), thầy Kiên dừng lâu hơn ở phép "hội ý", cách ghép những bộ vị với ý nghĩa khác nhau của Hán tự để tạo nên một con chữ mới. Chữ "tín" (tin) được tạo nên bởi chữ "nhân" (người) và chữ "ngôn" (lời nói). Những mái đầu bạc kề bên mái đầu xanh chăm chú. Nhiều người gật gù. Có tạo được chữ "tín" hay không, cũng chính ở những lời nói và hành động của con người.

 

Nhân Mỹ học đường đã đi qua một chặng đường dài. Nếu nhìn vào những lớp học trò từng đến, rồi đi, sẽ là một cái gật đầu: Nhanh quá! Nhưng nếu nhớ đến những ngày người thầy phải gọi điện giục trò đi học; những ngày đếm giọt mưa chậm rơi dưới mái hiên chùa khi lớp học chỉ có một thầy - một trò..., sẽ thấy quá dài. Sáu, bảy chục năm trước, những giấy dó, mực tàu đã dần vào quá vãng. Ðầu thế kỷ này, bộ môn Hán - Nôm ở các trường đại học không tuyển được sinh viên là lẽ thường tình. Nhiều người bảo "học Hán Nôm để gặm bia mà ăn à!". Có thể nói, Thạc sĩ Lê Trung Kiên mở Nhân Mỹ học đường vào thời điểm chữ Hán - Nôm ở đáy cơn bĩ cực. Lê Trung Kiên đi "ngược đường". Anh bảo: "Chữ Hán, chữ Nôm từng là phương tiện ghi lại ký ức dân tộc mình từ xa xưa khi chưa có chữ Quốc ngữ. Tiếng Việt của chúng ta vay mượn từ nhiều ngữ hệ, trong đó có một lượng lớn từ ngữ gốc Hán, đó là từ Hán - Việt. Có những quãng thời gian có thể ta xao nhãng. Nhưng việc tìm lại văn hóa của mình sẽ là tất yếu". Không phải chỉ mình Lê Trung Kiên biết điều đó. Song có niềm tin như anh, dám dấn thân như anh, lại là chuyện khác.

 

Câu chuyện bắt đầu từ cách đây hơn 30 năm... Ngày ấy, cứ mỗi dịp có gia đình nào làm lễ cất nóc, cậu bé Kiên lại thấy ông mình được vời đi viết chữ trên thượng lương mái nhà. Rồi khi cụ đàm đạo với bạn văn, Kiên thập thò "nghe lỏm". Thấy hay hay, Kiên lấy bút cầm Tam tự kinh nguệch ngoạc tập viết... Sinh ra ở đất Ý Yên (Nam Ðịnh), xứ Sơn Nam Thượng - một vùng giàu chữ nghĩa xưa đã đặt những viên gạch vững chắc cho con đường của Lê Trung Kiên sau này. Lớn lên, dù theo nghề khác, nhưng câu chuyện thời thơ bé khiến Kiên sớm nhận ra những điều lớn hơn ngoài những con chữ viết bằng mực tàu của ông nội. Cái chữ của người xưa luôn đi kèm những bài học về đạo đức, về chuẩn mực đối nhân xử thế. Lê Trung Kiên tự học, tự nghiên cứu Hán - Nôm như một sự trở về. Xưa, chuyện những quan đầu triều xuống ngựa phủ phục khi về thăm thầy là phổ biến. Có trò trọng đạo, bởi có những người thầy mẫu mực. Nhiều vị quan đức cao vọng trọng cởi áo quan khoác áo "thầy đồ" dạy chữ, dạy người, tiếp nhận cả những người thân phận thấp kém không màng công xá. Biết bao danh nhân đất Việt xuất thân nghèo khó đã trưởng thành từ những lớp học ấy? Những câu chuyện cổ cứ thế cuốn hút Lê Trung Kiên. "Suy cho cùng, chữ vẫn là cái vỏ. Nhưng từ dạy chữ, có thể tìm lại, chắt lọc những nét đẹp văn hóa, nhất là những lối ứng xử xưa phù hợp với cuộc sống hôm nay. Những giá trị này không thể để mất đi". Với suy nghĩ ấy, Lê Trung Kiên bắt đầu trao truyền vốn Hán - Nôm mình có được. Nhìn người thanh niên dạy chữ Hán, đã có không ít lời đàm tiếu. Nhưng cũng nhiều người tỏ ý trân trọng. Sư thầy trụ trì chùa Nhân Mỹ (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã động viên: "Nếu chú có lòng thì nhà chùa cũng có tâm. Chừng nào chú còn dạy chữ miễn phí, chừng ấy nhà chùa còn giúp chú về địa điểm lớp học". Với sự giúp đỡ của chùa Nhân Mỹ, cơ sở đào tạo Nhân Mỹ học đường ra đời và có giảng đường ổn định từ năm 2005 (tên Nhân Mỹ lấy từ câu nói của Khổng Tử - "lý nhân vi mỹ", tức nơi có đức nhân thì tốt đẹp).

 

"Tụ hội anh tài, giáo học tương trưởng"

 

Sách xưa phai mầu mực. Thiên hạ chẳng người đọc cổ văn. Có quãng thời gian đến vài năm, bao công soạn giáo án cho buổi học nhưng thầy Kiên chỉ có một môn sinh thụ giáo. Tưởng chừng Nhân Mỹ học đường như tiếng chuông chùa lạc nhịp giữa phố phường ồn ào bận rộn. Dù chỉ một trò, "đốc giáo" Lê Trung Kiên vẫn thung dung đứng lớp... Cái sự điềm đạm đến lạ kỳ của vị "đốc giáo" đã giúp Nhân Mỹ học đường vượt qua những chướng duyên. Nhìn Nhân Mỹ học đường hôm nay, không ai hình dung được cảnh "nhất sư - nhất đồ" ngày trước. Ba ngôi cổ tự: chùa Mễ Trì Thượng, chùa Nhân Mỹ và chùa Tứ Kỳ (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cũng là ba cơ sở đào tạo của Nhân Mỹ học đường. Hội đồng điều hành, Hội đồng Khoa học của Nhân Mỹ học đường quy tụ nhiều anh tài trong lĩnh vực Hán Nôm như: Tiến sĩ Phạm Văn Ánh, Tiến sĩ Tô Lan, Tiến sĩ Trần Trọng Dương, Tiến sĩ Nguyễn Ðại Cồ Việt, Thạc sĩ Nguyễn Ðức Bá... hay những nhà thư pháp nổi tiếng: Xuân Như Vũ Thanh Tùng, Nam Long Nguyễn Quang Duy, Bách Lĩnh Ðặng Anh Việt, Tiếu Chi Nguyễn Hữu Sử, Mặc Sinh Lê Huy Hoàng... Nhân Mỹ học đường đào tạo hệ bốn năm cho người chưa biết chữ Hán, hệ hai năm cho người đã viết thạo. Dịp viết thư pháp đầu xuân Ất Mùi 2015 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, không tính những giảng sư của Nhân Mỹ học đường được mời viết chữ tặng khách tham quan, riêng về học trò, trong khi hàng loạt "thầy đồ" thi rớt kỳ sát hạch thì có hơn 10 học trò Nhân Mỹ học đường đủ tiêu chuẩn tham gia Hội chữ. Khóa thứ tám khai giảng đầu hè vừa qua có hơn 150 môn sinh đăng ký. Nhiều thứ khác xưa, nhưng mục đích vẫn không thay đổi: Dạy chữ bằng lòng từ, bằng cái tâm của các thầy mà không thu một đồng học phí.

 

Không phải ngày lễ, chùa Nhân Mỹ hay Thiên Trúc vào dịp cuối tuần thanh vắng. Nhưng ở sân chùa, thường bắt gặp mấy cô bé, cậu bé chơi đùa. Nếu không phải là con Tiến sĩ Phạm Văn Ánh, thì là con của thầy Nguyễn Trung Hoàng Long, thầy Vũ Thanh Tùng... Như tất cả mọi người, giảng sư của Nhân Mỹ học đường cũng có một công việc làm công ăn lương: Thầy Lê Trung Kiên công tác tại Ban Tôn giáo Chính phủ; Tiến sĩ Phạm Văn Ánh làm việc tại Viện Văn học; Tiến sĩ Nguyễn Ðại Cồ Việt và Thạc sĩ Lê Huy Hoàng là giảng viên Trường đại học Ngoại ngữ... Họ phải chắt chiu thời gian để có thể lên lớp vào hai ngày cuối tuần. Ðem trẻ... lên chùa là chuyện thường nếu không nhờ được người trông. Ðiều tôi thắc mắc là vì sao "đốc giáo" Lê Trung Kiên có thể "thỉnh" được nhiều anh tài trong lĩnh vực Hán - Nôm và thư pháp đến thế. Câu trả lời không đâu xa. Chính là ở chữ "đạo". "Người ta vẫn nói, kẻ có học thường có tự ái cao và khí khái, khó có thể mời họ làm việc gì nếu họ không muốn. Tuy nhiên, nếu lấy lòng chân thành để thỉnh thì sẽ không từ chối. Các thầy chia sẻ với Nhân Mỹ học đường ở mục đích của lớp học, đó là dạy chữ để truyền tải nét đẹp văn hóa của cha ông. Khi lên lớp, gặp những môn sinh nhiều chữ nghĩa hỏi những câu hỏi khó, bản thân các thầy phải suy nghĩ. Chúng tôi gọi đó là "giáo học tương trưởng", hiểu nôm na là thầy trò cùng tiến bộ. Ðó cũng là một điều cuốn hút các thầy". Ðốc giáo Lê Trung Kiên cho biết lý do có thể "thỉnh" các thầy.

 

Càng ngày, người ta càng hiểu thêm cái hay của dạy học trong chùa. Nguyễn Hoài Thu, môn sinh đã tốt nghiệp khóa ba, một "tiểu muội" hiếm hoi của thư pháp Việt còn nhớ những ngày đầu đến với Nhân Mỹ học đường. Bước chân vào cửa chùa, Thu và mọi người phải ăn mặc kín đáo; cung kính với các sư thầy, với giảng sư; từ hòa với bạn đồng môn. Những lần lên lớp như thế dần ăn vào nếp ứng xử của học viên. Bác sĩ Phạm Văn Khoát, nguyên Giám đốc một bệnh viện ở Nam Ðịnh, tuổi đã gần 80, cũng là một môn sinh của Nhân Mỹ học đường. Bỏ lại đằng sau chức danh học vị, bỏ lại đằng sau thị phi của thế nhân khi làm học trò của những... ông đồ trẻ, ông thấy mình "được" rất nhiều thứ. Ðó là hiểu thêm về văn hóa Việt, hiểu thêm về tiếng Việt mà suốt chặng đường làm bác sĩ, ông ít có dịp hiểu sâu.

 

Người đã về hưu, người đang là nhà khoa học giảng dạy tại những trường đại học lớn, người là sinh viên và có cả những cô bé, cậu bé đang học tiểu học đến với Nhân Mỹ học đường. Nhận thức của xã hội đang thay đổi. Và từ đó, những điều nhân, điều mỹ ở lớp học này đang được nhân lên trong cuộc sống...