Người chủ nhiệm Nhà văn hóa nhiệt tình, trách nhiệm

17:14, 15/06/2015

Từ nhiều năm nay, bà con khu phố Phù Liễn 2, gồm các tổ 15, 17 và 18, thuộc phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên) thường gọi ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ nhiệm Nhà văn hóa bằng cái tên trìu mến - ông thư viện.

Ông Hùng cũng thấy vui khi người lớn, em nhỏ trong vùng gọi mình bằng cái tên như vậy. Nhất là vào dịp nghỉ hè, học sinh là con em trong khu thường dành thời gian đến Nhà văn hóa mượn sách đọc. Các em được ông Hùng phổ biến nội quy, quy chế phòng đọc, như giữ gìn trật tự, cách tra cứu sách, bảo quản sách khi đọc tại Nhà văn hóa và mượn sách mang về nhà đọc. Thường ngày, tủ sách mở cửa phục vụ vào thứ Bảy và Chủ nhật, nhưng trong dịp hè, tủ sách được mở thêm vào các buổi tối thứ Tư, thứ Năm và thứ Sáu, với trên 200 học sinh đến mượn sách thường xuyên.

 

Để người đọc có ý thức bảo quản, giữ gìn và không để mất sách, ông Hùng thường nhân các cuộc họp xóm hoặc tổ chức đoàn thể để tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cho mọi người cùng có trách nhiệm bảo quản sách, qua đó nâng cao được nhận thức, trách nhiệm của mọi người khi mượn, đọc sách của Nhà văn hóa. Ông Hùng tự hào: Tủ sách tôi đang quản lý là chung của mọi người dân; khi mọi người dân đều hiểu được như thế, thì ai cũng có ý thức xây dựng tủ sách. Đây là lý do tủ sách của Nhà văn hóa không bị mất, mà còn thường xuyên được bổ sung từ nguồn xã hội hóa.

 

Theo ông Nguyễn Đình Đường, Bí thư Chi bộ tổ 18: Đầu tháng 10-2012, ông Hùng mạnh dạn đề xuất với chính quyền địa phương và Thư viện thành phố cho đặt 1 tủ sách tại Nhà văn hóa liên tổ 15, 17 và 18. Ý kiến của ông Hùng được chính quyền địa phương, cơ quan chức năng và nhân dân ủng hộ. Độ trung tuần tháng 10, nhân dân 3 tổ này đã đóng góp, mua được 1 giá tủ đựng sách trị giá hơn 10 triệu đồng; Thư viện thành phố giao cho tủ sách gần 300 cuốn sách, gồm nhiều thể loại, lĩnh vực, ông Hùng tự tin đứng ra nhận việc quản lý tủ sách trước chính quyền và nhân dân.

 

Là việc “vác tù và”, mất nhiều thời gian, nhưng ông Hùng không ngần ngại công việc của một người quản sách không thù lao. Ngoài thời gian mở cửa theo quy định hằng tuần, ông Hùng sẵn sàng phục vụ bạn đọc cả các ngày ngoài quy định. Nhiều lần vào bữa cơm tối, chưa kịp ăn, có bạn đọc đến tận nhà bấm chuông gọi cửa, xin mượn sách. Vợ ông, bà Phạm Thị Vượng giục chồng: Đừng để bạn đọc phải đợi lâu khi đến mượn sách. Cụ Nguyễn Nam, 85 tuổi, là bạn đọc mê sách chính trị, sách pháp luật, nhưng khi biết ở tủ sách thư viện Nhà văn hoá có cuốn Hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cụ đã không đợi để ngày hôm sau, mà đến tận nhà ông Hùng xin được mượn sách ngoài giờ mang về nhà đọc.

 

Cảm mến tinh thần phục vụ của ông Hùng, nhiều người dân trong vùng đã mang sách, báo của mình đến tặng cho tủ sách Nhà văn hóa. Đến nay, ngoài gần 300 cuốn sách luân chuyển của Thư viện thành phố giao cho, nhân dân trong vùng hiến tặng hơn 1.000 cuốn sách, điển hình như gia đình ông Nguyễn Đức Lượng, hiến 580 cuốn sách; gia đình ông Phạm Tiến Viết, hiến 200 cuốn sách, phòng tuyên truyền Sở Tư pháp tặng gần 300 cuốn sách, Đại đức Thích Nguyên Thành, vị sư trụ trì chùa Phù Liễn mang tặng 10 cuốn sách dạy đạo làm người. Toàn bộ số sách do nhân dân ủng hộ, ông Hùng tự xắp xếp thành từng mục, như: Tiểu thuyết trong nước và nước ngoài; truyện ngắn; sách khoa học kỹ thuật; sách giải đáp pháp luật; truyện tranh trẻ em... Hằng ngày, tủ sách này còn nhận được khoảng chục đầu báo, tạp chí trung ương, ngành và địa phương do nhân dân mang tặng. Điển hình như ông Nguyễn Nam và ông Nguyễn Đức Lượng, hằng ngày đã mang báo của nhà đặt mua đến tặng lại tủ sách. Theo lời ông Nam, ông Lượng: Tri thức là của chung nhân loại, tôi mang tặng cho tủ sách là để số sách báo ấy trở thành tài sản chung, mọi người cùng được đọc để tự trang bị, bổ sung thêm kiến thức cho mình.

 

Vốn là người mê đọc sách, nên ông Hùng rất quý trọng sách và mến mộ bạn đọc. Ông bảo: Tôi luôn nghĩ công việc “vác tù và” của tôi sẽ trở nên có ý nghĩa hơn khi những bạn đọc sách biết vận dụng kiến thức sách vở vào cuộc sống. Song để tủ sách thật sự đáp ứng nhu cầu bạn đọc, Thư viện thành phố nên quan tâm, cung cấp cho tủ sách Nhà văn hóa cơ sở những văn bản pháp luật mới nhanh hơn, không nên để những văn bản pháp luật đã không còn hiệu lực, rồi mang cấp cho tủ sách cơ sở.