Công chiếu năm phim ngắn về bình đẳng giới và việc làm

08:22, 01/07/2015

Ngày 30-6, chuỗi phim “Bình đẳng giới và việc làm” gồm năm đoạn phim ngắn giới thiệu đã được giới thiệu Hà Nội. Các đoạn phim cho thấy xã hội Việt Nam hiện nay đang vượt qua những định kiến về giới trong cuộc sống thường ngày.

Chương trình này nằm trong khuôn khổ dự án“Lồng ghép bình đẳng giới trong pháp luật và chính sách hướng tới việc làm bền vững ở Việt Nam” do Bộ Lao động , Thương binh và Xã hội chủ trì thực hiện, với sự hỗ trợ của Cơ quan Hợp tác phát triển quốc tế Tây Ban (AECID).

 

Dự án có mục tiêu lồng ghép bình đẳng giới và việc làm bền vững trong việc xây dựng và thực hiện pháp luật và chính sách về lao động và an sinh xã hội, góp phần thực hiện Chiến lược và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quốc gia tới năm 2020 và thực hiện các cam kết quốc tế liên quan.

 

Sau gần hai năm thực hiện dự án, tới cuối năm 2014, các đối tác dự án đã thống nhất truyền thông về các chủ đề được quan tâm mà dự án đã hỗ trợ bao gồm: Cân bằng Cuộc sống - Công việc; Khoảng cách giới trong tiền lương; Cơ hội bình đẳng trong giáo dục nghề nghiệp; Bình đẳng giới trong giáo dục đại học; Bình đẳng giới trong Luật Bảo hiểm xã hội 2014 (mới).

 

Đến nay, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong lĩnh vực bình đẳng giới và nâng cao vị thế cho phụ nữ. Các thành tựu này được thể hiện qua khung pháp lý và chính sách hướng tới bình đẳng giới và nâng cao vị thế của phụ nữ. Luật Bình đẳng giới (2006) thể hiện sự cam kết thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động và giáo dục, bao gồm bình đẳng trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội và cơ hội nâng cao năng lực (Điều 13 và 14). Bên cạnh đó, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới (NSGE) giai đoạn 2011-2020 và Chương trình Quốc gia về Bình đẳng giới (NPGE) giai đoạn 2011 - 2015 cũng hỗ trợ việc thực hiện bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động và xã hội.

 

Tuy nhiên, phụ nữ thường thuộc vào nhóm dễ bị tổn thương trước đói nghèo và những cú sốc về kinh tế do đa số đang phải làm việc trong khu vực phi chính thức do thiếu kỹ năng nghề nghiệp và nhận mức lương thấp. Bên cạnh đó, họ vẫn là nhóm thiệt thòi trong hưởng thụ các chính sách an sinh xã hội với tỉ lệ tham gia bảo hiểm xã hội thấp và ít có cơ hội học nghề cũng như tiếp cận các nguồn vay tín dụng.

 

Việc nâng cao vị thế chính trị và kinh tế của phụ nữ trong tương lai gặp nhiều thách thức lớn bởi những định kiến về giới và các chuẩn mực văn hóa tạo ra sự phân biệt đối xử. Phụ nữ vẫn đảm nhiệm các công việc gia đình và công việc không được trả lương; vẫn bị coi là “yếu thế hơn” hoặc chỉ làm được những “ công việc dễ dàng/giản đơn”. Những quan niệm phân biệt đối xử và thái độ đối xử bất công chính là những nguyên nhân cơ bản sâu xa của bất bình đẳng giới.

 

Dự án đã hỗ trợ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thực hiện các vấn đề đặc biệt liên quan đến giới trong đó việc lồng ghép bình đẳng giới vào các quy định và chính sách trong lĩnh vực lao động đã có nhiều yếu tố phải được xem xét về tính nhạy cảm giới.

 

Mỗi đoạn phim ngắn trong năm đoạn phim được giới thiệu cho thấy mọi người trong xã hội Việt Nam hiện nay đang vượt qua những định kiến về giới trong cuộc sống thường ngày. Phim được xây dựng để công chiếu trên truyền hình và các phương tiện truyền thông

 

Dự án “Lồng ghép Bình đẳng giới trong pháp luật và chính sách hướng tới việc làm bền vững ở Việt Nam”do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thực hiện với sự hỗ trợ của AECID từ năm 2012.