Gặp người “truyền lửa” Soọng cô

09:50, 01/07/2015

Từ trung tâm xã Nam Hòa (Đồng Hỷ), chúng tôi đi theo con đường bê tông về xóm Na Quán, tìm gặp bà Miêu Thị Nguyệt, 73 tuổi, người phụ nữ dân tộc Sán Dìu được tiếng đằm duyên với lời ca, tiếng hát Soọng cô.

Không chỉ hát hay, bà Nguyệt còn kiên trì đi sưu tầm, chép lại vào vở viết được 6.495 bài hát Soọng cô của dân tộc mình.Trong ngôi nhà xây cấp 4, bên chiếc bàn gỗ mộc, bà vận bộ trang phục truyền thống dân tộc Sán Dìu. Bộ trang phục may bằng vải chàm, nẹp màu sặc sỡ và có 2 chùm tua bằng sợi vải tạo thành màu ngũ sắc. Bà đeo mục kỉnh, cầm cây bút, cẩn trọng chép lời bài hát vào vở. Những khi như thế, trông bà giống một tri thức, hay một nhà văn hóa hơn là một nông dân sinh sống ở một vùng sơn dã.

 

Sinh ra trong một gia đình có nhiều thế hệ biết hát Soọng cô, nên bà Nguyệt cũng như người thân của mình lớn lên trong câu hát, lời ví. Từ trước lúc được mang sách đi học bình dân học vụ, bà đã thuộc nhiều bài hát về các mùa trong năm, về chào hỏi, mừng nhà mới, đám cưới, chúc thọ, tình yêu... Những người phụ nữ lớp trước đã dạy lại cho bà Nguyệt lời bài hát của dân tộc mình theo lối truyền khẩu. 17 tuổi (năm 1959), bà cùng đám con gái trong làng dắt nhau đến các làng có đồng bào người Sán Dìu để hát đối ví. Tất nhiên đó là cuộc hát được trai các làng mời đón.

 

Chuyện là hồi bấy giờ, chị Nguyệt và anh Trần Thái, người xã An Khánh (Đại Từ) đã hát với nhau hơn 3 năm, cứ “Bữa thì anh tới, bữa em sang” (thơ Vũ Cao). Sau hơn 3 năm, hai người nên duyên chồng vợ. Đôi trai tài, gái sắc đưa nhau về định cư ở bên quê ngoại, tức xóm Na Quán bây giờ. Cả 2 người cùng tham gia làm cán bộ xã Nam Hòa, bà Nguyệt được nhân dân tín nhiệm bầu làm Chủ tịch UBND xã, ông Thái được Đảng tin tưởng giao nhiệm vụ làm Bí thư Đảng ủy xã. 2 người sinh với nhau được 5 người con. Công việc bận rộn, vợ chồng ông bà thôi hát, dành thời gian nuôi con. Sau này, nghỉ hưu, vợ chồng bà Nguyệt mới cùng nhau tập hát lại. Tháng 5-2010, bà Nguyệt được địa phương bình bầu là người dân tộc thiểu số tiêu biểu, được về Hà Nội dự Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam. Chuyến đi đó, bà gặp nhiều đại biểu là người dân tộc thiểu số ở các tỉnh trên cả nước, qua trò chuyện với mọi người, bà nhận ra ở mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa riêng, nhưng ấn tượng, dễ nhớ là lời của các bài hát bằng tiếng dân tộc mình. Chính vì thế, ngay khi trở về nhà, bà Nguyệt thực hiện công việc đi sưu tầm các bài hát Soọng cô, và bắt đầu sao chép lại.

 

Những ngày đầu ngồi vào bàn viết, bà chép lại các bài hát do bà đã thuộc, đã hát. Chép được chừng hơn 500 bài thì cạn vốn, bà bắt đầu đi sưu tầm bài hát của người xung quanh, như của cụ Trần Thị Lý, bà Miêu Thị Kẻm và sưu tầm từ các cuốn sách chép lời bài hát Soọng cô cổ của dòng họ để lại. Nhiều bài hát bằng chữ Hán, bà mang nhờ người quen dịch hộ, rồi nảy vần, cất lời hát, thấy xuôi xuôi mới bắt đầu chép lại vào vở. Rồi những chuyến đi hát giao lưu ở các tỉnh: Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc... bà để tâm, học thuộc những bài hát mới để khi trở về đến nhà lại ngồi vào bàn chép lại. Có những hôm bà vừa chép bài, vừa hát từ sáng sớm cho đến đêm khuya. Bà mải miết chép như sợ vì ngày mai, bởi một lý do gì đó, lời hát không còn được lưu lại.

 

Từng câu hát đọng lại, dày dặn trên từng trang vở. Rồi từng cuốn được lấp đầy câu hát bởi nét chữ nghiêng rơi của bà. Viết xong mỗi cuốn sách, bà cẩn thận xếp ngay ngắn bên góc bàn, và tiếp tục viết lời hát vào 1 cuốn vở mới. Tôi lật mở từng trang vở, trân trọng đọc lời hát Soọng cô, và miệt mài đếm được 27.980 câu hát, gồm 6.495 bài hát ở 22 cuốn vở. Cuốn vở dày nhất chép 4.800 câu hát, gồm 1.200 bài. Cuốn mỏng nhất có 350 bài, với 1.400 câu hát. Bà Nguyệt cho biết thêm: Từ đầu năm 2015 đến nay, tôi không sưu tầm bài hát Soọng cô nữa, mà tập trung vào dịch lời bài hát từ tiếng dân tộc Sán Dìu sang tiếng dân tộc Kinh. Hiện tôi đã dịch được hơn 1.000 bài.