Mái đình với những đầu đao cong vút, những mảng chạm phượng múa rồng bay hay hình ảnh những cô gái áo tứ thân yếm thắm, bên những gốc đa già xum xuê, ký ức dựng làng, giữ nước tạc ghi trên mỗi đường nét đình làng. Trải qua bao biến thiên, nhiều mái đình không còn nguyên vẹn. Làm thế nào để giữ gìn những mái đình trường tồn với thời gian? Nhóm Đình làng Việt đã trao cho mỗi người dù công tác ở những ngành nghề khác nhau một cơ hội để góp phần giữ gìn những biểu tượng của làng quê Việt.
Cơ hội để mọi người cùng gìn giữ đình làng
Hôm nay, bé Xuân Nam đi điền dã cùng nhóm Đình làng Việt tại đình So (huyện Quốc Oai, Hà Nội). Cậu bé lên bảy tuổi say sưa nghe diễn giả giới thiệu về kiến trúc, nghệ thuật điêu khắc, niên đại... của ngôi đình. Thi thoảng Nam ồ lên, hoặc thì thầm với bạn về những điều cậu thấy thú vị. Mặc dù có mẹ đi cùng, nhưng Nam "bỏ rơi" mẹ để khám phá không gian to lớn, với nhiều điều lý thú đối với một cậu bé lớn lên giữa "rừng" bê-tông ở Hà Nội. Cậu bé có người "bạn thân" là kiến trúc sư Hồ Hồng Nam. Anh luôn bị bé Nam vặn vẹo đủ điều về làng quê, về mái đình..., trong đó, có nhiều câu không dễ trả lời. Người mới gặp ngạc nhiên về "ông cụ non" Xuân Nam, nhưng với những thành viên nhóm Đình làng Việt thì Xuân Nam là một thành viên... kỳ cựu. Nam đã tham gia năm trong tổng số tám chuyến điền dã những ngôi đình ở vùng Bắc Bộ cùng các thành viên của nhóm. Với những cậu bé như Nam, còn quá nhỏ để thẩm thấu hết những nét đẹp của ngôi đình, nhưng những chuyến đi sẽ gieo vào tâm hồn các em tình yêu, niềm tự hào với di sản. Đó là điều mà những người tạo dựng lên nhóm Đình làng Việt luôn khuyến khích.
Người khởi xướng nhóm Đình làng Việt là nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình (Tạp chí Mỹ thuật và Nhiếp ảnh - Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm). Mộc mạc, chân chất, anh rất hợp với biệt danh "Trưởng thôn" mọi người thường gọi. Hơn hai chục năm qua, không thể tính hết những ngôi đình anh đã đi qua. Không nhớ bao lần Nguyễn Đức Bình đánh đu trên xà, bò lổm ngổm trên mái đình để đo đạc, để vẽ lại những mảng chạm khắc. Bất kỳ mẩu thông tin nào hay về đình làng anh cũng tìm đọc. Ấy thế mà mỗi chuyến về với đình làng, thêm một lần anh ngỡ ngàng. Đây là cảnh người đi cày, đá cầu, đấu vật; kia là người phụ nữ vừa cho con bú, vừa cho lợn ăn, lại có cả cảnh gái trai đang tình tự... Ngôi đình đâu chỉ là nơi thờ thành hoàng với phượng múa rồng bay mà còn là không gian sinh hoạt cộng đồng. Nó gần gũi, đời thường, là kho kiến thức về điêu khắc, kiến trúc, chất chứa bao câu chuyện dân gian mà chưa sách nào ghi hết... Khoảng trống kiến thức về đình làng trong nghiên cứu mấy chục năm qua vẫn mênh mông quá. Nguyễn Đức Bình thành lập nhóm Đình làng Việt trên facebook, tạo một "sân chơi" để những nhà nghiên cứu, kiến trúc sư chia sẻ, trao đổi thông tin. Ông "Trưởng thôn" cặm cụi "mổ cò" đưa những hình ảnh độc đáo về đình làng lên mạng, cặm cụi chú giải, cùng các chuyên gia bàn luận.
Nhiều phát hiện mới được tìm ra, từ ngay những tấm hình cũ, song dường như vẫn còn thiếu điều gì. Cùng lúc ấy, thông tin về những vụ phá đình, rồi trùng tu hỏng cứ liên tục dội về. Lý do thì nhiều, trong đó có câu chuyện về nhận thức của cộng đồng. Kiến thức về đình làng chủ yếu nằm trong giới nghiên cứu, trong sách vở mà không phải ai cũng có điều kiện tiếp cận. "Trưởng thôn" Nguyễn Đức Bình cùng cộng sự quyết định mở rộng đối tượng tham gia nhóm Đình làng Việt... Chỉ một thời gian ngắn, thành viên tham gia đã đạt con số 4.000 người. Đến giờ anh vẫn chưa hết ngạc nhiên: "Không ngờ có nhiều người quan tâm đến thế. Rất nhiều đối tượng tham gia: bác sĩ, kỹ sư, sinh viên, có cả những doanh nhân... Đó là động lực để nhóm tổ chức thêm các hoạt động, như những chuyến đi thực tế với hướng dẫn viên là những nhà nghiên cứu uy tín".
Mỗi khi nói đến nhóm Đình làng Việt, mẹ bé Xuân Nam - chị Nguyễn Thị Thanh Hà, nhà ở phố Lê Đại Hành (Hà Nội) luôn dùng hai từ "may mắn". Chị bảo, với rất nhiều người Việt, từ ấu thơ, những trò chơi con trẻ đã diễn ra ngay trong sân đình. Ngày nắng nóng, người lớn, trẻ con tụ tập hóng mát dưới gốc đa đình làng. Những mái đao vút lên, những nét chạm tài hoa, những chùm rễ đa xum xuê... đi vào ký ức. Nhưng, cuộc sống khiến người ta xa dần mái đình thân thuộc. Mỗi khi nghe thấy chuyện tiêu cực chung quanh ngôi đình, không mấy ai không thấy chạnh lòng. Song, dẫu có yêu mến mái đình, người ta cũng không dễ tiếp cận, để góp một bàn tay gìn giữ nếu không trực tiếp làm việc trong lĩnh vực di sản. Khi biết hoạt động của nhóm Đình làng Việt, chị Hà nhận ra một cơ hội... Chị chia sẻ: "Mình gắn bó với đình làng từ nhỏ. Dù làm việc trong lĩnh vực thiết bị y tế, mình luôn muốn tìm hiểu thêm về những nét văn hoá đình làng và truyền lại tình yêu với văn hóa cổ cho con trai. Nhóm Đình làng Việt giúp mình hiện thực hóa điều đó. Sau mỗi chuyến đi thực tế, bé Xuân Nam nhà mình càng say mê hơn".
Trăn trở những điều còn - mất
Nhóm Đình làng Việt đang tiến những bước chậm rãi, mà chắc chắn. Mục tiêu của nhóm giờ đã được mở rộng hơn. Thành viên của nhóm đã lên tới hàng nghìn người, mỗi người một nghề nghiệp, một hoàn cảnh. Chất kết dính họ lại với nhau hôm nay được gói gọn trong mấy từ: Mái đình và những điều còn - mất. Nhóm đã trưởng thành hơn, nhưng những trăn trở của ông "Trưởng thôn" Nguyễn Đức Bình vẫn chưa bao giờ vợi bớt: "Cách đây không lâu, khi đến đình Vường (xã Liên Chung, huyện Tân Yên, Bắc Giang), tôi thấy ngôi đình giữ được nhiều giá trị nguyên vẹn, nhất là bức tường bao bằng đất hiếm gặp. Tôi gặp lãnh đạo xã và dặn đi, dặn lại: "Dù thế nào cũng phải giữ được bức tường, đây là cái độc đáo riêng có của địa phương". Thế nhưng chỉ ít hôm sau, tôi nhận được thông tin bức tường đã bị đập đi. Khi đến tận nơi, bức tường rêu phong không còn, một bức tường gạch được xây lên. Rõ ràng họ biết giá trị của bức tường, nhưng vẫn phá. Từ những nỗi đau này, chúng tôi tự đặt ra những nhiệm vụ nặng nề hơn, mỗi thành viên cố gắng làm mọi điều để gìn giữ di tích trong khả năng và phạm vi được phép". Những thành viên của nhóm Đình làng Việt chia sẻ cho nhau kinh nghiệm về bảo tồn, để có thể tham gia "cứu" đình làng. Và họ phát hiện khá nhiều vụ xâm phạm di tích, chẳng hạn vụ tu bổ như phá đình Tiên Canh (huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc); hay việc đình Cam Thịnh (làng cổ Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội) "tiết kiệm" ngói bằng cách "độn" gạch lỗ trong quá trình trùng tu. Nhóm cũng tích cực tuyên truyền về việc không sử dụng các sản phẩm không phù hợp với thuần phong mỹ tục trong di tích.
Nâng cao nhận thức cộng đồng luôn là điều cốt yếu. Những thành viên của nhóm Đình làng Việt đã được các chuyên gia như Nguyễn Đức Bình, Trần Hậu Yên Thế... trao cho kiến thức, đam mê. Bây giờ, nhiệm vụ của họ là đem kiến thức đến cộng đồng. Hiện thực hóa điều này, nhóm Đình làng Việt đang chuẩn bị cho triển lãm ảnh "Đình làng Việt, những điều còn - mất" vào đầu tháng tám năm nay. Ở đây sẽ có rất nhiều câu chuyện về đình làng, về những trăn trở mà các thành viên trong nhóm gửi gắm. Để đến được với cộng đồng, nhóm Đình làng Việt sẽ chọn cách tiếp cận phi truyền thống. Sau khi trưng bày tại Dolphin Plaza (28 phố Trần Bình, Hà Nội), toàn bộ ảnh sẽ được chuyển đến các trường đại học và trưng bày ở chính những ngôi đình làng. Cũng vì nhận thức cộng đồng, nhóm sẵn sàng tư vấn, cử người tham gia hướng dẫn bất kỳ công ty du lịch nào muốn mở tua tham quan đình làng...
Đôi khi chúng ta nghĩ việc gìn giữ mái đình là của ai đó. Nhưng nhóm Đình làng Việt khiến ta phải nhìn nhận lại. Tôi nhớ những tiếng "ồ", "à" của những thành viên Đình làng Việt khi được giới thiệu về sự tài khéo, về thông điệp của người xưa. Tôi nhớ hình ảnh những thành viên công kênh nhau giữa trời nắng gắt 37 đến 38 độ C để ghi lại những bức hình về nghệ thuật chạm khắc. Tôi nhớ khuôn mặt buồn của một số thành viên đã đi cả chục cây số đến các ngôi đình, rồi bị đuổi về vì không có "dấu đỏ" của chính quyền... Và tôi lại nhớ những câu hỏi ngây thơ của bé Xuân Nam. Những con người ấy đang miệt mài vì những điều còn - mất, để một mai, chúng ta bớt đi nỗi lo về sự mất - còn của những biểu tượng làng quê Việt...