Khó quản lý hoạt động du lịch tự phát ở Đại Từ

18:05, 16/07/2015

Với địa hình tiếp giáp sườn Đông dãy Tam Đảo, huyện Đại Từ có nhiều hồ nước, suối thác đẹp tạo nên những điểm du lịch sinh thái hấp dẫn thu hút đông đảo du khách… Tuy nhiên, thời gian qua, hoạt động du lịch này vẫn ở dạng tự phát, không có sự quản lý, định hướng nên tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn và xuất hiện một số bất cập.

Thiên nhiên ban tặng cho huyện Đại Từ địa thế sơn thuỷ hữu tình hiếm có. Huyện được bao bọc bởi các dãy núi Tam Đảo, Núi Pháo, núi Hồng, núi Chúa và núi Thằn Lằn thấp dần từ Bắc xuống Nam. Đặc biệt là khu vực phía Tây huyện gồm các xã Yên Lãng, Phú Xuyên, La Bằng, Hoàng Nông, Mỹ Yên, Văn Yên, Ký Phú, Cát Nê, Quân Chu tiếp giáp với dãy Tam Đảo hùng vĩ. Nhờ dãy núi này mà phía Tây huyện có nhiều suối, thác nước đẹp, không khí trong lành và hàng chục năm nay, du khách trong và ngoài tỉnh vẫn tìm về để thưởng ngoạn cảnh quan, nghỉ ngơi, thư giãn. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của đơn vị chuyên môn, hằng năm, hồ Vai Miếu, xã Ký Phú đón trên 8.000 lượt người; thác Cửa Tử, xã Hoàng Nông đón trên 5.000 lượt người; ghềnh Tổ Chim, thác Bom Bom, xã Mỹ Yên đón trên 6.000 lượt người. Từ hoạt động du lịch này, địa danh Đại Từ được biết đến nhiều hơn, tạo thuận lợi để mở rộng, quảng bá thương hiệu chè. Đồng thời, một bộ phận người dân sống tại đường vào khu thắng cảnh có điều kiện kinh doanh dịch vụ gửi xe, nước giải khát, thực phẩm, nông sản để nâng cao thu nhập.

 

Tuy nhiên, bên cạnh một số lợi ích nhỏ đạt được, hoạt động du lịch tại các thắng cảnh trên địa bàn huyện Đại Từ đang tồn tại nhiều bất cập. Do các thắng cảnh chưa được quy hoạch, quản lý nên hoạt động du lịch chỉ mang tính tự phát, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Như hồ Vai Miếu, xã Ký Phú, một số người dân đã tự ý đóng thuyền vận chuyển du khách qua hồ. Các thuyền này đều không có đăng kiểm, phần lớn không trang bị phao cứu hộ. Trong khi đó, hồ Vai Miếu rất sâu, rộng nên khó có thể tưởng tượng hết hậu quả nếu thuyền gặp tai nạn trên hồ. Ngoài ra, việc tắm tại các hồ, suối cũng tiềm ẩn nguy cơ đuối nước, chết do cảm lạnh, lũ quét. Gần đây nhất, vào tháng 8-2013, tại hồ Vai Miếu đã có một người bị đuối nước tử vong. UBND xã Hoàng Nông cũng ghi nhận 2 trường hợp du khách bị chết tại Cửa Tử xảy ra vào khoảng năm 2005 và 2009. Trong đó, một trường hợp bị cảm lạnh và một trường hợp bị lũ cuốn trôi. Ông Nguyễn Văn Khoa, cán bộ văn phòng, UBND xã Hoàng Nông cho biết: Nước tại các hồ, suối chảy ra từ dãy Tam Đảo rất lạnh vì vậy người nào đang nóng, nhiều mồ hôi nhảy xuống tắm rất dễ bị cảm. Du khách cũng có thể gặp lũ ống vì đầu nguồn con suối rất xa, tại khu vực du khách nghỉ ngơi trời nắng nhưng ở đầu nguồn mưa lớn, nước từ đầu nguồn dồn về nhanh khiến nhiều người không kịp trở tay.

 

 Ngoài ra, hoạt động du lịch tự phát cũng ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại địa phương và gây ô nhiễm môi trường. Khách du lịch đến các thắng cảnh này đều tổ chức dưới dạng dã ngoại, ăn uống sau đó xả ra lượng rác khá lớn ngay trên dòng suối. Lượng rác này không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn làm tắc nghẽn hệ thống mương thuỷ lợi dẫn nước đến đồng ruộng của người dân. Bên cạnh đó, du khách cũng chặt cây rừng để làm các điểm nghỉ chân, đốt lửa nướng thịt gây nguy cơ cháy rừng. Về vấn đề an ninh trật tự, chính quyền các địa phương có thắng cảnh đều ghi nhận đã từng huy động lực lượng giải quyết nhiều trường hợp xô xát tại các điểm du lịch. Để nâng cao ý thức du khách, nhiều địa phương đã cắm biển cảnh báo, tuyên truyền, tổ chức lực lượng công an, dân quân trực, kiểm tra vào những ngày có lượng khách lớn.

 

Thực trạng hoạt động du lịch tự phát trên địa bàn huyện Đại Từ tồn tại nhiều bất cập, tuy nhiên để quản lý, quy hoạch, xây dựng hướng tới hoạt động du lịch chuyên nghiệp tại đây là rất khó khăn. Năm 2012, với mong muốn từng bước phát triển hoạt động du lịch tại địa phương, huyện Đại Từ đã ban hành Đề án phát triển du lịch huyện giai đoạn 2012-2015, định hướng đến năm 2020. Ông Nguyễn Ngọc Hưng, Trưởng phòng Văn hoá - Thông tin huyện Đại Từ cho biết: Đề án đặt mục tiêu quy hoạch các khu sinh thái có tiềm năng phát triển du lịch như: thác Cửa Tử, xã Hoàng Nông; thác Bom Bom, ghềnh Tổ Chim, xã Mỹ Yên; thác Ba Dội, xã Phú Xuyên; Đát Ngao, xã Quân Chu. Trên cơ sở đó quản lý mặt bằng, hệ sinh thái tự nhiên để khi có điều kiện tập trung đầu tư khai thác, hình thành tuyến tham quan du lịch sinh thái, dã ngoại, nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, Đề án triển khai rất khó khăn, nguồn kinh phí của huyện hạn hẹp không thể tổ chức quy hoạch, việc huy động nguồn vốn xã hội hoá từ cộng đồng, doanh nghiệp cũng khó thực hiện.

 

Có ý kiến cho rằng, trong khi chưa thể đầu tư du lịch chuyên nghiệp, chính quyền địa phương có thể giao cho một số đơn vị, cá nhân quản lý nâng cao chất lượng du lịch, đảm bảo an toàn, môi trường tại các khu vực này nhưng trên thực tế việc triển khai gặp nhiều vướng mắc. Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Hoàng Nông cho biết: Xã đã từng giao cho Chi hội Cựu chiến binh xóm Đồng Khuôn làm nhiệm vụ quản lý khu đất của địa phương ở đường vào thắng cảnh Cửa Tử, nhưng một thời gian ngắn sau, Chi hội đề nghị không tiếp tục thực hiện do khối lượng công việc lớn, nguồn thu thấp không đảm bảo chi phí hoạt động. Ngoài ra, khu thắng cảnh Cửa Tử nằm trong diện tích vườn Quốc gia Tam Đảo, chính quyền xã không đủ thẩm quyền giao cho đơn vị, cá nhân quản lý toàn bộ khu vực này.

 

Nhìn nhận vấn đề phát triển du lịch của Việt Nam thì không riêng gì huyện Đại Từ, nhiều địa phương trong cả nước cũng có chung khó khăn. Để bảo vệ các khu thắng cảnh, đảm bảo an toàn khi đi du lịch, không có cách nào khác ngoài việc du khách nâng cao ý thức, chú ý bảo vệ bản thân, bạn bè và môi trường xung quanh.