Bên dòng Thạch Hãn, tôi lặng nhìn dòng nước chảy êm đềm, lòng liên tưởng dòng sông đang vỗ về, nhẹ ru bao hương hồn những liệt sĩ còn nằm lại đáy sông. Từ đáy trái tim mình, tôi xin có nén tâm nhang sưởi ấm hồn người nằm lại. Và từ bờ Thạch Hãn, xin được đặt nhẹ bàn chân, cho tôi cùng bao người được trở vào trung tâm thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị, thắp nén nhang thơm tưởng nhớ vong linh những người con ưu tú của đất nước, đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến đấu bền bỉ 81 ngày đêm để bảo vệ Thành cổ.
Trước Đài tưởng niệm - “ngôi nhà chung” của những anh linh liệt sĩ, chúng tôi đứng lặng đi bởi cảm giác thiêng liêng, như sợ ở ngay dưới thảm cỏ xanh kia, còn đó, di cốt của người chiến sĩ cách mạng đã ngã xuống dưới đạn, bom kẻ thù. Anh Bùi Tuấn Thịnh, Giám đốc Sở Lao động, thương binh và Xã hội tỉnh cùng đoàn công tác từ Thái Nguyên vào dâng hương các Anh hùng liệt sĩ, ai nấy đôi chân líu díu, ngập ngừng, lồng ngực nghẹn lại vì xúc động, mắt dấn ướt. anh Thịnh thì thầm: Trước anh linh các Anh hùng liệt sĩ, những người con của vùng đất thép Thái Nguyên xin có nén tâm nhang, thắp lên ban thờ chung để tưởng nhớ những người con của đất nước đã ngã xuống mảnh đất này.
Nhẹ đặt bàn chân lên từng thềm bậc, qua hơn 20 cung bậc lên thượng Đài mà cảm nhận như mình đang đứng mở một nơi cao xanh, nối giữa đất với trời. Trong khói hương trầm mặc, quyện hòa, chị Nguyễn Thị Nguyệt, hướng dẫn viên ở Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị nghẹn ngào, nhưng trong chất giọng ngời tươi chất thép. Chị kể: Trung bình mỗi cán bộ, chiến sĩ của ta phải đội trên đầu 4 tấn bom; hơn 50 nghìn viên đạn, pháo các loại. Nhưng đạn, bom của kẻ thù không làm lung lay ý chí sắt đá của bộ đội ta. Tất cả đã sát cánh, chiến đấu kiên cường và làm nên một mốc son vàng chói lọi, sáng ngời bản hùng ca bất tử, một khúc tráng ca được viết nên bằng xương máu bao cán bộ, chiến sĩ cách mạng.
Vinh quang lắm mà đau thương đong đầy... Bởi có lẽ không vùng đất nào trên thế giới phải gánh chịu nhiều đau thương, mất mát như ở nơi đây. Một mảnh đất kiên trung của ngày máu lửa không có ngôi nhà nào vẹn nguyên, chỉ có những đống đổ nát, tàn tro. Như lời cựu chiến binh Lê Xuân Chinh, người lính nổi tiếng với nụ cười bất tử trong tấm ảnh của phóng viên chiến trường Đoàn Công Tính chụp tại Thành cổ Quảng Trị trong 81 ngày đêm mưa bom bão đạn (Hiện cựu chiến binh Lê Xuân Chinh ở Điện Biên Phủ), ông bảo: Bom đạn có thể cướp đi mạng sống của người lính bất cứ lúc nào, có thể chết khi đang cười, nên cứ cười cho thoải mái. Còn cựu chiến binh Nguyễn Đình Quý, người tham gia trận Thành cổ Quảng Trị, kể: Bom khoan phá của định đánh bất cứ lúc nào, tôi đã phải chứng kiến những đồng đội của mình hy sinh bên mâm cơm, trong giấc ngủ vội. Bom đạn giội trên đầu chúng tôi nhiều đến mức không ai thấy sợ nữa. Nhiều đồng đội tôi chưa dứt nụ cười đã bị bom vùi sâu vào lòng đất... Vẫn từng bước chân lặng lẽ, chúng tôi đến trước khu Thành cổ, thăm ngôi nhà của Trường Bồ Đề xưa, chứng tích chiến tranh còn sót lại. Khi thắp hương lên ban thờ, chợt đâu đó có tiếng hát nhẹ lướt giữa nắng tháng 7: “Thắp một nén nhang viếng người nằm dưới cỏ/ Cỏ xanh non tơ, cỏ xanh non tơ.../Xin chớ vô tình với người hy sinh”.
Lời hát da diết, đau đáu một niềm thương và làm lay động lòng bao người. Bởi có gì nuối thương, xúc động hơn khi biết trong 81 ngày đêm, đã có hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh để bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Nhiều liệt sĩ bị bom vùi chưa biết nằm nơi nào trong đất lạnh. Chị Nguyệt tiếp tục câu chuyện với chúng tôi: Cũng bởi các anh hóa thân vào sông núi của đất trời Quảng Trị, nên nghĩa trang liệt sĩ nơi Thành cổ không giống bất cứ nghĩa trang nào. Nghĩa trang không có danh sách tên, tuổi, quê quản liệt sĩ, các Anh hùng liệt sĩ không có nầm mồ riêng, mà chỉ có 1 Đài Tưởng niệm tượng trưng cho nấm mộ chung.
Tôi nén kiềm dòng nước mắt, lặng lẽ đi quanh phía ngoài tầng lưỡng nghi của Tượng đài, lần lượt đọc 81 bức phù điêu, tượng trưng cho 81 tờ lịch ghi lại từng ngày đêm của những ngày tàn khốc lịch sử. Tôi nhắm mắt lại, trong nghĩ suy liên tưởng về những trận bom quay cuồng, những làn đạn bắn thắng và tiếng hô xung phong của bộ đội đang quyết giữ từng ngôi nhà, từng hào công sự. Chợt anh Nguyễn Văn Sỹ, cán bộ Ban Quản lý Di tích vỗ vai, làm suy nghĩ của tôi đứt đoạn. Anh cho biết: Mỗi năm, Di tích đón tiếp hàng triệu lượt người trên mọi miền Tổ quốc về dâng hương, tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ. Nhất là những ngày tháng bảy, người về dâng hương nhiều hơn, chủ yếu là các cụ, các bác từ ngoài miền Bắc vào. Làm nhiệm vụ ở đây, chúng tôi không quản thời gian, sẵn sàng tiếp đón, phục vụ. Nhiều lần, vừa đặt lưng xuống giường chưa kịp chợp mắt, lại có thêm đoàn các cụ từ ngoài miền Bắc vào, trong đoàn có cả Mẹ liệt sĩ, cựu chiến binh, thanh niên xung phong... tôi và các đồng nghiệp của mình lại mau mải, chuẩn bị giúp đoàn dâng hương tưởng nhớ vong linh các Anh hùng liệt sĩ.
Trong tiếng nhạc chiêu hồn linh thiêng, khói hương quyện hòa, lan tỏa và nhẹ nhàng la đà trên mặt đất. Tôi nhủ thầm: Các anh đã vượt dòng Thạch Hãn, đã trải trận mạc ở Nhan Biều, Ái Tử, Dốc Miếu, Cồn Tiên... để vào Thành cổ Quảng Trị làm nên một huyền thoại Việt Nam - Một huyền thoại oai hùng, bi tráng...