Người mở đường cho lý thuyết nghệ thuật truyền thống

07:50, 26/07/2015

Nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang luôn được coi là một trong những nhà nghiên cứu và tác giả sân khấu hàng đầu đất nước, là một trong những người mở đường, đặt những viên gạch đầu tiên cho việc xây dựng sân khấu học, nghệ thuật học truyền thống Việt Nam. Ông cũng là một tác giả xuất sắc, có những đóng góp quý báu cho sân khấu cách mạng và là người đầu tiên giới thiệu cuộc đời và sự nghiệp của hậu tổ tuồng Đào Tấn trên văn đàn miền Bắc XHCN.

“Nhà triết học” về nghệ thuật dân tộc

 

Nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang tên thật là Nguyễn Thế Khoán, quê ở thôn Phụng Sơn, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định, vùng đất nổi tiếng về văn thơ và nghệ thuật tuồng (hát bội). Ông từng làm Trưởng ban Văn hóa Trung đoàn 94, từng là ủy viên thường vụ phân hội Văn nghệ Bình Định. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, làm việc tại Đài Tiếng nói Việt Nam. Đến năm 1959, ông về công tác tại Ban nghiên cứu tuồng, nơi tập hợp rất nhiều tài năng về tuồng như Phạm Phú Tiết, Tống Phước Phổ, Nguyễn Nho Túy, Nguyễn Lai, Mười Chương, Ngô Thị Liễu, Minh Đức… Chính ở đây, Mịch Quang đã học tập được rất nhiều về nghệ thuật tuồng và bắt đầu nhiều công trình nghiên cứu có giá trị.

 

Năm 1963, Mịch Quang cho ra đời cuốn “Bước đầu tìm hiểu nghệ thuật tuồng”. Đây là công trình nghiên cứu lý luận đầu tiên về tuồng trong thời kỳ XHCN, và cũng là công trình nghiên cứu đầu tiên về kịch hát dân tộc. GS Hoàng Chương, Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn & Phát huy văn hóa dân tộc kể, thời điểm cuốn sách “Bước đầu tìm hiểu nghệ thuật tuồng” ra đời, ông đang học ở Liên Xô và đã mua được quyển sách đó ở Matxcơva, “Quyển sách như một bửu bối đối với chúng tôi về sân khấu dân tộc Việt Nam để trao đổi với thầy giáo và bạn bè nước ngoài”, GS Hoàng Chương cho biết.

 

Nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất năm 1999, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2001 và đang đề nghị trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật năm 2016.

 

Đến năm 1988, ông cho ra đời công trình “Đặc trưng nghệ thuật tuồng” và tỏ rõ sự gắn bó của ông với sân khấu học Việt Nam. Năm 1995, công trình “Âm nhạc và sân khấu kịch hát dân tộc” của ông ra đời, được giới kịch hát và cả giới âm nhạc trong và ngoài nước rất chú ý. Năm 1999, ông công bố công trình “Kinh dịch và nghệ thuật truyền thống”, phân tích những cơ sở triết học của nghệ thuật dân tộc bao gồm cả sân khấu, âm nhạc và mỹ thuật. Trong công trình nghiên cứu này, ông không tìm hiểu ở Kinh dịch phép bói toán hay đạo người quân tử, mà tìm ở đấy quan niệm về cấu trúc vũ trụ, nhân sinh, nhằm soi rọi cho cấu trúc nghệ thuật truyền thống Việt Nam. Bởi ông cho rằng, bảo vệ bản sắc dân tộc trong nghệ thuật thông qua nghiên cứu lý luận, muốn cởi dây trói của những tiêu chuẩn học thuật phương Tây, thì phải chứng minh khoa học cho được giá trị triết, mỹ học của những đặc trưng nghệ thuật dân tộc. Năm 2003, ở tuổi 86, Mịch Quang lại tiếp tục cho ra đời công trình “Khơi nguồn mỹ học dân tộc”.

 

GS Hoàng Chương đánh giá, hai công trình “Kinh dịch và nghệ thuật truyền thống” và “Khơi nguồn mỹ học dân tộc” của Mịch Quang là những nghiên cứu táo bạo, thể hiện khát vọng, góp phần xây dựng hệ thống lý luận cơ bản của nghệ thuật dân tộc, để làm kim chỉ nam cho việc nghiên cứu, bảo tồn và phát triển nghệ thuật truyền thống. “Đây là hai đề tài khoa học rất khó mà ít nhà nghiên cứu có gan theo đuổi. Bởi vậy, tuy mức độ thành công của hai công trình này có thể còn nhiều điều phải bàn, như chính Mịch Quang đã nói, nhưng việc dũng cảm mở đường của ông thì ai cũng phải kính trọng… Và chắc chắn đây là hai công trình mở đầu quan trọng cho việc nghiên cứu xây dựng hệ thống lý thuyết về nghệ thuật của giới nghệ thuật học Việt Nam sắp tới”, GS Hoàng Chương khẳng định.

 

Vẫn lo “phai hồn Việt”…

 

Trong các nghiên cứu của mình, nhiều phát hiện và tổng kết của soạn giả Mịch Quang đã trở thành tài sản chung của giới nghệ thuật học dân tộc, như "hiện thực tả ý", "sân khấu tổng thể tích hợp", "tự sự kịch tính trữ tình", "cấu trúc động mở trong âm nhạc Việt Nam"… Lý thuyết động – mở của Mịch Quang được GS Trần Văn Khê đánh giá: Cấu trúc động - mở trong âm nhạc Việt Nam cũng như âm nhạc châu Á khác với cấu trúc tĩnh và đóng của âm nhạc phương Tây là một “lý thuyết tuyệt vời”. Theo GS Trần Văn Khê, lý thuyết này không chỉ nói rất đúng cái đặc sắc, uyển chuyển của âm nhạc truyền thống Việt Nam, mà còn cho thấy âm nhạc truyền thống Việt Nam, phương Đông và âm nhạc phương Tây là hai vẻ đẹp khác nhau của hai hệ thống khác nhau, được hình thành trên hai nền tảng triết học và mỹ học khác nhau. Hai hệ thống này không thể thay thế nhau, càng không triệt tiêu nhau mà chỉ bổ sung cho nhau để làm phong phú thêm âm nhạc thế giới…

 

Mịch Quang còn là tác giả của gần 20 kịch bản. Các sáng tác của ông tuy có đề tài khác nhau, nhưng nội dung đều thể hiện lòng tự hào dân tộc, tự hào về truyền thống quê hương, nơi đã sinh ra những anh hùng dân tộc, những danh nhân văn hóa kiệt xuất. Đó là vở “Quang Trung”, ca ngợi tài năng và công đức của người anh hùng áo vải Tây Sơn - Nguyễn Huệ; vở “Giấc mộng hồ hoa”, thể hiện hình tượng và tư tưởng của Đào Tấn, nhà thơ kiệt xuất, vị hậu tổ của ngành tuồng. Đó là vở “Nguyễn Hiển Dĩnh”, đề cao cụ Tuần Dĩnh - ông quan tuồng nổi tiếng ở đất Quảng Nam. Đặc biệt, vở tuồng “Thanh gươm Hát bội” được giới trong nghề đánh giá là một trong những sáng tác tuồng thành công nhất của ông, được coi là “đài tưởng niệm danh nhân” của nghệ thuật tuồng.

 

Năm 2015, nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang đã bước vào tuổi 99, dù đã ở tuổi “bách niên”, nhưng ông vẫn rất minh mẫn. Ông luôn đau đáu một khát vọng học tập, làm việc và đóng góp cho sự nghiệp phát triển văn hóa dân tộc. Nỗi lòng của ông đã được ông tự thuật trong bài thơ viết năm 80 tuổi:

 

“…Tám mươi tuổi trọn chẳng lo già

Lo phai hồn Việt bao dàn nhạc

Lo đậm mầu Âu những giọng ca

Lo quá! Mai đây trong hội nhập

Mất ta, do sùng ngoại sa đà”.