Người Sán Dìu ở Bờ Tấc xây dựng đời sống văn hóa

15:16, 07/07/2015

Đồng bào dân tộc Sán Dìu về định cư ở xóm Bờ Tấc, xã miền núi Tân Lợi (Đồng Hỷ) từ những năm tháng kháng chiến gian khổ.

Tuy là xóm đặc biệt khó khăn, nhưng xóm Bờ Tấc đã có những cách làm phù hợp để 6 năm qua liên tục đạt danh hiệu Làng văn hóa, nhiều năm liền xóm không có các tệ nạn xã hội, hủ tục lạc hậu, không có người sinh con thứ 3…

 

Đi cùng đồng chí Vi Văn Hai, Bí thư Chi bộ xóm trên con đường bê tông mới phẳng phiu, chúng tôi được biết: Xóm Bờ Tấc trải dài 2km, đất đai chủ yếu là đồi núi, đất canh tác ít, các công trình hồ đập chưa có. Với điều kiện tự nhiên như thế, xóm còn nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế, vì vậy, năm 2009, Nhà nước đã công nhận là Bờ Tấc là xóm đặc biệt khó khăn.

 

Vậy nguyên nhân nào mà một xóm đời sống vật chất còn nhiều khó khăn nhưng vẫn 6 năm liên tục đạt danh hiệu Làng văn hóa? Câu hỏi đó đã được đồng chí Vi Văn Hai lý giải: Đó là do đồng bào trong xóm rất đoàn kết và đồng thuận. Với chỉ trên 20 nóc nhà khi mới định cư ở đây, đến nay xóm có 41 hộ với trên 192 nhân khẩu. Trải qua thời gian, xóm Bờ Tấc vẫn là xóm thuần Sán Dìu, người dân trong xóm đều có ý thức đoàn kết trong dòng họ, xây dựng được tình làng nghĩa xóm. Việc thực hiện quy chế dân chủ được xóm đặt lên trên hết, mọi vấn đề đều được công khai, minh bạch theo tinh thần “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Từ vấn đề vệ sinh môi trường, xây dựng nhà văn hóa, làm đường bê tông liên xóm đến công tác khuyến học… người dân đều được tham gia ý kiến trước khi thực hiện. Các vấn đề về tài chính trong các công trình, hoạt động của xóm đều được Ban giám sát đầu tư cộng đồng là 5 người dân của xóm kiểm tra, đảm bảo minh bạch, rõ ràng. Từ đó người dân đã đồng thuận khi xóm phát động các phong trào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Vì vậy, dù là xóm đặc biệt khó khăn, đường đi lại cách trở nhưng khi triển khai làm các công trình tập thể, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, bà con trong xóm đều một lòng hưởng ứng góp ngày công, hiến đất. Từ năm 2012 đến nay, xóm đã làm được trên 3km đường bê tông, xây dựng được nhà văn hóa chung của xóm.

 

Được sự hỗ trợ từ các chính sách của Nhà nước và sự quan tâm hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, bà con Bờ Tấc đã tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cải tạo vườn tạp, phát triển chăn nuôi, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất... Đến nay, toàn xóm đã có trên 3,5ha chè, 4,5ha cây ăn quả cho thu hoạch và 11ha đất ruộng, 18ha đất trồng rừng sản xuất. Đất nông nghiệp trước đây chỉ cấy mỗi năm 1 vụ, nay bà con chuyển dịch cơ cấu mùa vụ hợp lý, đã cấy được 2 vụ mỗi năm, năng suất lúa trước kia chỉ đạt 39 tạ/ha thì nay đã đạt 45 tạ/ha. Nhiều hộ trong xóm đã đầu tư nuôi lợn, gà, bò để tăng thêm thu nhập.

 

Nhận thức rõ phải có tri thức mới phát triển được kinh tế, thay đổi cuộc sống nghèo khó, người dân Bờ Tấc hôm nay hết sức tạo điều kiện cho con em mình được đến trường. Trẻ em ở xóm Bờ Tấc cũng được tiêm chủng đầy đủ, được đi học đúng độ tuổi, không có trường hợp nào phải bỏ học giữa chừng. Năm nào, xóm cũng có học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh. Đặc biệt, đội văn nghệ của xóm hoạt động thường xuyên, góp phần tạo nếp sinh hoạt văn hóa, tinh thần lành mạnh cho bà con, gắn kết tình làng nghĩa xóm.

 

Nhờ nỗ lực đổi mới cách làm, vươn lên bằng chính sức lao động của mình, từ một xóm có nhiều hộ đói, đến nay, Bờ Tấc chỉ còn 10 hộ nghèo, đời sống của người dân ổn định hơn, thu nhập bình quân đạt gần 700 nghìn đồng/người/tháng. 6 năm liên tục, xóm Bờ Tấc được công nhận là Làng văn hóa, xóm không có các tệ nạn xã hội, hủ tục lạc hậu, không có người sinh con thứ 3...