Trong chuyến công tác mới đây tại quận Đồ Sơn, T.P Hải Phòng, chúng tôi may mắn có dịp được ghé thăm Bến tàu K15, nơi xuất phát của những con tàu không số trên con đường Hồ Chí Minh huyền thoại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đứng trước tượng đài tưởng niệm đường Hồ Chí Minh trên biển và di tích bến tàu không số K15 lồng lộng giữa mây trời, chúng tôi càng thêm trân trọng, tự hào trước những hy sinh, mất mát và lòng quả cảm của những cán bộ, chiến sĩ trên con tàu không số năm xưa.
Bến tàu K15 nằm ở dưới chân đồi Nghinh Phong, phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn, T.P Hải Phòng. Nơi đây chính là điểm xuất phát của những con tàu không số chở hàng hóa, vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc. Tên gọi Bến K15 xuất phát từ chữ “K” là ký hiệu quân sự chỉ cảng, “15” là số hiệu lấy từ số của Nghị quyết của Trung ương Đảng về đường lối và phương pháp cách mạng miền Nam tại Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 15. Ngược dòng lịch sử vào năm 1959, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đang trong giai đoạn ác liệt, Trung ương Đảng đã chỉ đạo cho lực lượng quân đội thành lập 2 tuyến đường vận chuyển chiến lược nhằm chi viện sức người, sức của cho đồng bào và chiến sĩ miền Nam: Một tuyến đường trên bộ vượt dãy núi Trường Sơn và một tuyến xuyên biển Đông.
Ngày 11/10/1962, chiếc tàu vỏ gỗ không số đầu tiên mang mật danh “Phương Đông 1” đã rời bến K15 vận chuyển 30 tấn vũ khí cập bến Vàm Lũng (Cà Mau) an toàn. Để đáp ứng yêu cầu vận chuyển của những tàu trọng tải lớn, tháng 4/1963, ngay tại nơi con tàu “Phương Đông 1” xuất phát, lực lượng Công binh đã đóng chiếc cọc đầu tiên xuống biển, xây dựng cầu tàu K15 - Cột mốc số 0 của đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại. Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc, từ bến tàu K15 đã có gần 100 chiếc tàu với tổng số 168 chuyến hành trình mang theo hàng vạn tấn vũ khí, hàng hóa vượt sóng biển để chi viện cho chiến trường miền Nam đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, góp phần quan trọng vào chiến thắng 30/4/1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.
Ngày nay, về thăm bến tàu K15, chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện được coi là những huyền thoại của thế kỷ XX. Đó là câu chuyện về “kỷ luật sắt” trên các con tàu không số. Theo đó, những chiến sĩ khi được giao nhiệm vụ chỉ được biết là đi tham gia công tác đột xuất và phải thực hiện nghiêm lệnh “cấm trại” đặc biệt của chỉ huy các tàu, các bến cho đến tận ngày chiến tranh kết thúc.
Với các chiến sĩ trên con tàu không số, mỗi lần nhận nhiệm vụ chở hàng thực sự là một lần “vào sinh ra tử”. Những con tàu phải luồn lách, ngụy trang để đi qua nhiều vùng kiểm soát của địch, luôn phải đặt trong nguy cơ bị phát hiện, sẵn sàng chiến đấu và hy sinh bất cứ lúc nào. Trên mỗi con tàu không số luôn chuẩn bị sẵn một khối thuốc nổ từ 500 kg - 1.000 kg. Nếu bị phát hiện và không thể chạy thoát, chỉ huy tàu nhất quyết phải đánh thuốc nổ phá tàu, để tàu và vũ khí không rơi vào tay kẻ địch, quan trọng hơn là để tiêu hủy toàn bộ mọi dấu vết, không để bị lộ bí mật vào tay giặc. Chính vì thế những con tàu này được gọi là tàu không số.
Trải qua những năm tháng chiến tranh, Bến tàu K15 hiện nay chỉ còn lại chứng tích là những trụ bê tông cầu cảng cách bờ biển khoảng 30 mét, phía trên bờ là một số nền móng kho hàng, bể nước… Để tưởng nhớ chiến công của những thủy thủ tàu không số, T.P Hải Phòng đã cho xây dựng tượng Đài tưởng niệm đường Hồ Chí Minh trên biển ngay cạnh di tích bến tàu K15. Đây là công trình được xây dựng và hoàn thành đúng dịp kỷ niệm 50 năm giải phóng Hải Phòng (năm 2005). Giữa màu xanh của núi đồi Đồ Sơn trong tiếng rì rào của sóng biển, di tích bến tàu K15 hùng dũng, uy nghiêm chính là biểu tượng anh hùng, ca ngợi lòng quả cảm, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì Tổ quốc của cán bộ chiến sỹ trên những con tàu không số năm xưa. Năm 2008, bến tàu K15, điểm khởi đầu của con đường huyền thoại Hồ Chí Minh trên biển được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia.
Ngày nay, Bến tàu K15 còn trở thành một đầu mối quan trọng cho tuyến du lịch sinh thái, văn hóa kết hợp tín ngưỡng: Bến Nghiêng - Hòn Dấu. Từ đây, mất khoảng 20 phút đi tàu, du khách sẽ đặt chân lên đảo Hòn Dấu - con mắt ngọc của Hải Phòng. Hòn Dấu gây ấn tượng bởi vẻ hoang sơ, tĩnh lặng với thảm thực vật nguyên sinh độc đáo và nét huyền bí, linh thiêng bao phủ bởi sự tích về ngôi đền thờ Nam Hải Đại Vương - Vị thần bảo vệ che chở cho ngư dân trên biển. Dạo bước giữa thiên nhiên trong lành, hướng mắt nhìn ra phía biển, bất cứ ai cũng cảm thấy bồi hồi xúc động khi nghĩ về những đoàn tàu không số với biết bao sự hy sinh thầm lặng góp phần làm nên chiến thắng lịch sử của dân tộc
Được biết, trung bình mỗi năm, tượng đài kỷ niệm đường Hồ Chí Minh trên biển và di tích bến tàu K15 Đồ Sơn đón hàng nghìn lượt du khách đến tham quan. Nơi đây không chỉ là điểm tham quan du lịch hấp dẫn mà còn là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng bổ ích cho các thế hệ trẻ hôm nay nhớ về những chiến công chói lọi của quân và dân ta trong những năm kháng chiến chống Mỹ hào hùng.