La Yến là xóm thuần nông nằm dưới chân vườn quốc gia Tam Đảo, thuộc xã Mỹ Yên (Đại Từ). Với những nỗ lực trong phát triển kinh tế - xã hội, duy trì 15 năm không có người sinh con thứ 3, mắc tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật, xóm La Yến đã được huyện Đại Từ công nhận đạt danh hiệu khu dân cư văn hoá 7 năm liên tục.
Về xóm La Yến vào đúng dịp sản xuất mùa, chúng tôi thấy hai bên đường bê tông vào xóm, bà con đang hối hả làm đất, chuẩn bị gieo cấy lúa. Mặc dù công việc đồng áng bận rộn nhưng người dân trong xóm rất chú ý đến việc giữ gìn vệ sinh chung. Các loại máy móc thiết bị, vật tư nông nghiệp được người dân để gọn gàng không ảnh hưởng đến đường đi, sau khi cày bừa, các hộ dân còn tranh thủ rửa máy cày để không làm vương vãi bùn đất ra đường bê tông. Anh Nguyễn Văn Hưng, một người dân trong xóm chia sẻ: Hôm nay bà con trong xóm đang tập trung làm đất, gieo cấy nên đường có chút bùn đất chứ ngày thường thì đường bê tông của xóm sạch như sân nhà vậy. Bà con trong xóm thống nhất mỗi tháng tổ chức tổng vệ sinh 1 lần nhưng gần như ngày nào các hộ dân cũng quét dọn đường sạch sẽ.
Qua đường bê tông trục xóm phẳng phiu, chúng tôi tìm tới nhà ông Trịnh Ngọc Huân, Trưởng xóm La Yến. Vừa vào đến nhà, chúng tôi đã thấy ấn tượng bởi khuôn viên nhà được bố trí gọn gàng, hợp lý, khu vực chăn nuôi có lắp đặt cả hệ thống tưới nước bằng van xoay trên mái để làm mát. Khi nghe chúng tôi bày tỏ về việc này, ông Huân cười vui vẻ: Không chỉ có nhà tôi mà hầu hết người dân trong xóm đều giữ nhà cửa gọn gàng, sạch sẽ. Đặc biệt, từ khi xóm thành lập và duy trì câu lạc bộ “5 không, 3 sạch”, việc giữ gìn nhà cửa, ngõ xóm càng được chú ý. Bên cạnh đó, người dân trong xóm cũng phát huy tinh thần đoàn kết, động viên nhau cùng thực hiện 5 không: không đói nghèo; vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội; bạo lực gia đình; sinh con thứ 3 trở nên; xóm không có trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học. Hơn 15 năm qua, xóm La Yến không có người sinh con thứ 3, vi phạm pháp luật hay mắc các tệ nạn xã hội. Hiện nay, 100% trẻ em trong độ tuổi của xóm được đến trường, không có trẻ em bỏ học, 64/70 hộ dân trong xóm đạt danh hiệu gia đình văn hoá.
Bên chén trà đậm đà hương vị, ông Trịnh Ngọc Huân giới thiệu thêm về xóm: Nằm dưới chân vườn quốc gia Tam Đảo nên xóm La Yến không có rừng sản xuất, 70 hộ dân với 338 nhân khẩu trong xóm chủ yếu sinh sống bằng canh tác 16,3ha lúa và 18,5ha chè. Để hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, các chi hội, đoàn thể trong xóm như Chi hội Nông dân, Phụ nữ, Cựu chiến binh… đều lập quỹ tiết kiệm để cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo vay vốn phát triển kinh tế. Từ nguồn vốn này, nhiều hộ dân trong xóm đã vươn lên thoát nghèo. Năm 2010, số hộ nghèo của xóm là 11 hộ thì đến năm 2014 giảm xuống còn 4 hộ. Ngoài ra, nhiều người dân trong xóm cũng thay đổi tư duy chăn nuôi theo quy mô lớn, đến nay, xóm đã có 5 gia trại nuôi trung bình từ 80 đến 100 con lợn/lứa và 2 gia trại nuôi trên 2.000 con gà thịt/lứa. Chị Nguyễn Thị Loan, một người dân trong xóm cho biết: Diện tích đất canh tác của gia đình tôi ít cộng với mẹ già mắc bệnh thường xuyên nằm viện nên rất khó khăn, nhiều năm liền Không thoát được nghèo. Năm 2010, gia đình tôi được tạo điều kiện vay vốn của chi hội Phụ nữ và Ngân hàng Chính sách xã hội để mua trâu sinh sản. Sau hơn 3 năm, con trâu đã đẻ thêm 2 con nghé, gia đình tôi đủ trả nợ, có thêm 1 khoản tiền để làm ăn và thoát nghèo vào cuối năm 2014.
Ngoài ra, xóm La Yến cũng tích cực thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới. Nhân dân trong xóm đã đóng góp xây dựng được nhà văn hoá đạt chuẩn, có sân tập thể thao, công trình vệ sinh, tường rào bao quanh với tổng diện tích gần 1.000m2; hiến trên 1.700m2 đất, 500 công lao động và đóng góp 700 triệu đồng để mở rộng đường từ 2m lên 4,5m và xây dựng trên 1.500m đường bê tông theo tiêu chuẩn.
Khi mặt trời gần đứng bóng, chúng tôi tạm biệt người dân trong xóm để trở về thành phố. Dưới ánh nắng chói chang của ngày hè tháng 6, bà con xóm La Yến vẫn chăm chỉ cày, cấy. Chứng kiến không khí làm việc hăng say của người dân, chúng tôi thấy phấn khởi, tin tưởng những năm tiếp theo xóm La Yến sẽ tiếp tục giữ vững danh hiệu khu dân cư văn hoá.