Hướng tới kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2-9 và Ngày thành lập Chính quyền cách mạng tỉnh Thái Nguyên (20/8/1945 - 20/8/2015), Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) đã hoàn thành việc xây dựng hồ sơ khoa học đề nghị UBND tỉnh xếp hạng địa điểm công bố Ngày thành lập Chính quyền cách mạng tỉnh là Di tích lịch sử cấp tỉnh. Qua đó nhằm khẳng định giá trị lịch sử quan trọng của sự kiện đã diễn ra tại Sân vận động Thái Nguyên cách đây 70 năm. Ngày 27-7-2015, UBND tỉnh đã có Quyết định số 1836/QĐ-UBND về việc xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh đối với Di tích này.
Chứng kiến sự kiện lịch sử công bố Ngày thành lập Chính quyền cách mạng tỉnh có hàng nghìn quần chúng nhân dân thị xã Thái Nguyên. Bà con đã được nghe đồng chí Võ Nguyên Giáp, thay mặt Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc, tuyên bố xóa bỏ chính quyền phát xít Nhật, thành lập Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Thái Nguyên do đồng chí Lê Trung Đình làm Chủ tịch.
Chứng kiến sự kiện lịch sử này còn nhiều nhân chứng như: Bà Nông Thị Cầm, chiến sĩ Cứu quốc quân từng tham gia khởi nghĩa ở Thái Nguyên tháng Tám năm 1945, hiện đang thường trú tại phường Thịnh Đán (T.P Thái Nguyên); Đại tá Kim Sơn, cán bộ lão thành cách mạng, nguyên sĩ quan Cục Tác chiến (Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam), người chiến sĩ năm xưa trong đoàn Giải phóng quân của đồng chí Võ Nguyên Giáp từ Tân Trào về giải phóng thị xã Thái Nguyên; cùng nhiều nhân chứng lịch sử khác đang ở Thành phố Thái Nguyên, như: Cụ Đàm Đức Lượng (94 tuổi), đang thường trú tại xã Quyết Thắng; cụ Nguyễn Trọng Thảo (85 tuổi), trú tại phường Túc Duyên; cụ Hạ Mậu Tý (86 tuổi) đang ở phường Trưng Vương... Tất cả đều có chung khẳng định: Cuộc mít tinh chiều tối ngày 20-8-1945 diễn ra tại Sân vận động thị xã Thái Nguyên là sự kiện lịch sử quan trọng, đánh dấu mốc son ghi nhớ Ngày thành lập Chính quyền cách mạng của Đảng bộ và nhân dân tỉnh ta.
Tại Sân vận động tỉnh không chỉ diễn ra sự kiện lịch sử công bố Ngày thành lập Chính quyền cách mạng tỉnh mà còn là nơi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của cả nước nói chung và của tỉnh nói riêng.
Ngày 14-8-1954, cán bộ và nhân dân tỉnh Thái Nguyên được nghe Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Văn Đồng, Trưởng đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam, nói chuyện về kết quả thắng lợi tại Hội nghị Giơ-ne-vơ.
Ngày 13-3-1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm, nói chuyện với 4 vạn cán bộ và nhân dân Thái Nguyên khi tỉnh và huyện Định Hóa đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Trong buổi nói chuyện này, Bác đã thân ái hỏi thăm đồng bào các dân tộc, công nhân, bộ đội, dân quân và cán bộ, các cháu thiếu niên, nhi đồng trong tỉnh. Tại buổi nói chuyện, Người nhấn mạnh hai nhiệm vụ: Xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất nước nhà. Bác nói: “Đồng bào Thái Nguyên gồm nhiều dân tộc và sẵn có truyền thống đoàn kết. Đoàn kết là sức mạnh, có sức mạnh đoàn kết thì làm việc gì cũng thành công. Như thế là đồng bào Thái Nguyên góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà”.
Ngày 01-01-1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự mít tinh với 4,5 vạn cán bộ, nhân dân trong tỉnh tại Sân vận động Thái Nguyên. Tại đây, Bác đã có bài nói chuyện, căn dặn định hướng phát triển chiến lược cho tỉnh. Bác nói: “Bác rất vui lòng thấy tỉnh ta có nhiều tiến bộ mới: Có nông nghiệp tiến bộ và công nghiệp gang thép”. Người khen ngợi những thành tích về mọi mặt, đồng thời chỉ rõ những thiếu sót cần khắc phục và ân cần căn dặn: “Tỉnh ta sẵn có truyền thống vẻ vang, có tài nguyên phong phú, có nông nghiệp hợp tác hóa, có thủ công nghiệp, có công nghiệp nhẹ và công nghiệp nặng. Đồng bào các dân tộc sẵn có đức tính cần cù. Nói tóm lại, tỉnh ta có nhiều điều kiện rất thuận lợi, toàn thể đồng bào và cán bộ phải ra sức làm cho Thái Nguyên trở nên một trong những tỉnh giàu có, phồn thịnh nhất ở miền Bắc nước ta” (theo cuốn sách “Bác Hồ với Thái Nguyên - Thái Nguyên với Bác Hồ”). Đây cũng là lần cuối cùng Người về thăm tỉnh Thái Nguyên.
Sự kiện xóa bỏ chính quyền cũ, thành lập Chính quyền cách mạng ngày 20-8-1945 đã khẳng định Thái Nguyên là một trong những tỉnh sớm giành được chính quyền trong cả nước, mở ra một thời kỳ mới trên chặng đường đấu tranh giành độc lập dân tộc, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Qua đó càng củng cố niềm tin của nhân dân các dân tộc vào sự lãnh đạo của Đảng, sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ vẻ vang trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ sau này...
Địa điểm công bố Ngày thành lập Chính quyền cách mạng tỉnh được xếp hạng là Di tích lịch sử cấp tỉnh là cơ sở quan trọng trong việc giáo dục truyền thống cho các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ. Trong thời gian tới, Sở VH-TT&DL sẽ tiếp tục tham mưu cho tỉnh tiếp tục quan tâm đến công tác bảo tồn điểm di tích này và đầu tư xây dựng Nhà bia ghi dấu sự kiện lịch sử, tạo nên một “địa chỉ đỏ” phục vụ nghiên cứu lịch sử và thu hút khách tham quan muốn nghiên cứu, tìm hiểu về vùng đất Thái Nguyên giàu truyền thống lịch sử cách mạng.