Xin hát một bài ca

08:15, 19/08/2015

Tiếng là “cây nhà, lá vườn”, nhưng từ lâu, đội văn nghệ xung kích của Tòa soạn Báo Thái Nguyên đã làm nhiều người yêu mến nể tài hát hò, nhất là khi các thành viên trong đội đều đang trực tiếp công tác trong Tòa soạn, có người làm lãnh đạo cơ quan, người làm phóng viên, biên tập viên và có người làm nhân viên hành chính. Mỗi người một công việc, nhưng khi nắm tay nhau, giọng hát luôn đồng âm, sôi nổi, rộn ràng. Tất cả cùng chung lý tưởng, cùng quyết phấn đấu xây dựng tờ Báo xứng đáng là cơ quan ngôn luận của Đảng, diễn đàn của nhân dân.

Chuyện chất lượng của tờ báo, đáng lý phải bàn về công việc, về nhiệm vụ, về cách thể hiện nội dung, từng số báo... nhưng đó là chuyện hằng ngày Báo Thái Nguyên vẫn làm. Chúng tôi biết: Hằng ngày, tờ Báo Thái Nguyên có rất nhiều bạn đọc quan tâm, tìm kiếm thông tin, song có một nghệ sĩ, bao năm đứng ngoài quan sát, chẳng nói gì, âm thầm đi cùng anh, chị em làm báo, lắng nghe và đau đáu nghĩ suy về một thứ nghề được ví là “nghề nguy hiểm”. Đó là nhạc sĩ Lê Tú Anh, người có nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật đi vào lòng người, trong đó có tác phẩm “Yêu biết mấy - Báo Thái Nguyên”.

 

Bài hát được những người làm Báo Thái Nguyên thuộc nằm lòng, hát say sưa. Không dừng ở đó, lời bài hát còn được cất lên trên môi của bao tấm lòng trong sáng, thánh thiện của anh chị em làng báo với giai điệu vui tươi, rộn ràng và có gì đó như háo hức, mong đợi.

 

“Anh ơi quê mình tiến vào thiên niên kỷ mới. Em ơi quê mình căng tràn nhựa sống sinh sôi...”. Đã rất đời ngay từ câu hát mở đầu, nhưng ngọt ngào như lời tâm sự của những con người yêu cuộc sống. Câu hát gợi cho người nghe sự liên tưởng về một đôi gái trai đang tự tình, song lại như tiếng quê hương giục giã, thổn thức trước cảnh sắc quê hương, đất nước đổi mới. Mỗi lần nghe anh chị em đồng nghiệp ngân nga câu hát, dù hoàn cảnh lời bài hát được cất lên bên hiên nhà, trên bậc cầu thang lên xuống trong cơ quan hay ở trên sân khấu sáng ánh đèn, trong tôi luôn ắp đầy niềm tự hào. Có lần tôi bảo với mấy đồng nghiệp của mình: Như thế, nghĩa rằng trong dòng chảy cuộc đời đầy xô bồ, bận rộn, còn có những người như nhạc sĩ Lê Tú Anh và rất nhiều trái tim nhân hậu đang nghĩ suy, trăn trở, thấu hiểu phía sau mỗi tác phẩm báo chí còn có những giọt mồ hôi, công sức của đội ngũ những người làm báo.

 

Nhạc sĩ Lê Tú Anh đã soạn nhạc, viết lời bài hát này từ độ mươi năm về trước. Anh bảo: Mình không nhớ đích xác thời điểm sáng tác cụ thể, nhưng đó là bài hát được viết bằng cảm xúc dâng trào từ trái tim mình, chứ không phải viết theo đơn đặt hàng. Ngay khi viết xong, mình nhờ anh chị em làm nghệ thuật Thái Nguyên hát thử, rồi hát thật, sau đó tổ chức thu âm, ghi đĩa và bài hát nhanh chóng được công chúng đón nhận.

 

Tôi đã đọc nhạc và tự nhẩm lời bài hát này cả trăm lần. Mỗi lần đọc là một lần có cảm xúc khác lạ, chẳng giống nhau. Mang nghĩ suy riêng tư của mình trò chuyện với anh chị em nghệ sĩ, có người tâm đắc, bảo: Đấy là cái thần thái của bài hát nó mê hoặc ông. Tôi cũng bảo: Không mê sao được, vì từng lời, từng ý được nhạc sĩ gạn chắt từ đáy con tim để viết lên bản hòa ca của cuộc đời người làm báo. Chính vì thế mà “Yêu biết mấy - Báo Thái Nguyên” đã mang lại cho nhạc sĩ Lê Tú Anh thêm một nấc thang thành công trong sự nghiệp sáng tác của mình. Anh bảo: Mình soạn nhạc, viết lời cho bài hát này chỉ mất chừng nửa giờ. Mà bài hát nào cũng thế, chỉ soạn, viết nửa giờ là nhiều rồi.

 

Tôi lấy làm khâm phục cái sự tài hoa của anh, chỉ cần nửa giờ thăng hoa, cảm xúc tràn về, thế là nhạc và lời nằm ngay ngắn trên trang bản thảo. Sau đó giọng “oanh, yến” cất lên, hiến dâng cho cuộc đời một ca khúc trữ tình... Là nói thế khi ta cầm trên tay bản thảo, ta được nghe ca sĩ cất lời yến oanh, rổn rảng, vui tươi. Nhưng tôi biết nhạc sĩ Lê Tú Anh gắn bó rất nhiều với anh chị em làm báo. Giữa anh và cánh phóng viên báo, đài dường như có nợ duyên trần đời. Nợ duyên ấy có lúc cho anh và cánh phóng viên báo, đài gắn bó như hình với bóng, và hình bóng của họ còn lưu lại trong tâm trí bằng bao kỷ niệm của những chuyến về bản, lên nguồn và cùng nhau đi giữa dòng đời. Anh làm nghệ thuật, còn cánh phóng viên làm nhiệm vụ viết báo, chụp ảnh... như nhau cả vì cùng được phục vụ nhân dân. Chính bởi lẽ đó mà anh quan sát, chiêm nghiệm, đúc kết và phát hiện ra ở người làm báo Đảng tỉnh có đức tính xông xáo, không màng hiểm nguy, gian khổ để có thông tin tươi mới phục vụ bạn đọc. Anh đã nghiền ngẫm, ấp ủ, thai nghén dài dài, cho đến một ngày vừa đủ độ chín, đứa con tinh thần được sản sinh thông qua, để rồi mang tặng cho anh em làm báo, coi đó là món quà của lòng tri ân, tri kỷ.

 

“Yêu biết mấy - Báo Thái Nguyên” vỏn vẹn 157 từ, chỉ dài hơn cái tin vắn của anh chị em phóng viên viết hằng ngày. Nhưng bằng bút pháp mô tả, ngôn ngữ giàu hình ảnh: “...Dòng đời, công trường, xuôi ngược, ý Đảng, lòng dân, thông tin về bản xa, căng tràn nhựa sống...”,  từng ấy thôi, nhạc sĩ Lê Tú Anh đã gói ghém được cả một xã hội rộng lớn đang bước vào một thiên niên kỷ mới, có bao con người bận rộn lo toan, mưu sinh, và ở đó có người làm báo can trường, không quản ngại hy sinh, gian khổ, luôn sẵn lòng hiến dâng trái tim yêu nước của mình cho Đảng, cho nhân dân thông qua từng trang báo.