Gìn giữ nét Trung thu xưa

09:00, 25/09/2015

Cứ mỗi độ Thu về, hầu như ai cũng ngóng chờ ngày Tết Trung thu, đặc biệt là trẻ em. Tết Trung Thu không đơn thuần là bánh kẹo, đồ chơi mà nó còn chứa đựng trong đó nét văn hoá cổ truyền đậm đà màu sắc dân gian, một trong những yếu tố tạo nên bản sắc của văn hoá Việt Nam.

Tết Trung thu dù có tổ chức ở địa phương nào, miền núi hay đồng bằng thì cũng có điểm chung, đó là Lễ Rước đèn ông sao và phá cỗ trông trăng. Đây chính là hai nghi thức chính trong Tết Trung thu mà bất cứ một đứa trẻ nào cũng yêu thích và trở thành những kí ức đẹp đẽ trong tâm hồn mỗi người khi họ đã trưởng thành.

 

Hồi trước kia, những ngày cận Tết Trung thu, đâu đâu cũng náo nức chuẩn bị cho lễ Rước đèn và phá cỗ. Các cơ quan, đơn vị, tổ chức đều lên ý tưởng để tổ chức cho các cháu ở đơn vị mình. Phường, xã, khối phố cũng đều hân hoan tổ chức. Các gia đình hối hả, phấn khởi đưa con cháu lên chợ mua đồ chơi Trung thu. Nhà nào cũng chuẩn bị mâm cỗ Trung thu gồm mâm ngũ quả, bánh dẻo, bánh nướng, đèn ông sao và các đồ chơi khác.

 

Ở quê, lũ trẻ còn được cha mẹ, ông bà gói bánh tẻ, bánh khoai, bánh dợm, cốm nếp xanh tươi... những thứ quà quê được làm bằng chính sản vật mà bà con nông dân quanh năm cấy trồng. Nào hồng ngâm vàng ruộm, nào cốm nếp xanh tươi làm từ gạo mùa chiêm mới gặt, nào chuối chín thơm lừng vườn sau, bưởi mọng nước ngọt thanh hái từ trên cây trước sân nhà, nào na chín mắt mở to ngọt ngậy, nào lựu ương vàng mát mắt trảy ở trước hiên... Tất cả làm nên một mâm cỗ Trung thu thơm nồng hương quê, đậm đà vị Tết

 

Buổi tối ở làng quê trống ếch rộn ràng, những chiếc đèn ông sao dán giấy trên khung tre giản đơn mà lộng lẫy. Trẻ em tung tăng dưới trăng phá cỗ, múa hát vui tươi, tiếng cười trong trẻo. Sau khi rước đèn đi khắp đường làng ngõ xóm, lũ trẻ quây quần xếp vòng tròn bên mâm cỗ Trung thu mà các anh chị phụ trách thiếu nhi đã bày biện, rồi vỗ tay theo phịp “Rước đèn ông sao sao năm cánh tươi màu...” để cùng phá cỗ. Đêm trăng Rằm trời trong vằng vặc sáng, tưởng như huyền diệu hơn, lung linh hơn. Cảm giác như chị Hằng và chú Cuội sà xuống sân kho của làng vui chơi cùng đám trẻ. Cảnh làng quê trong trẻo thanh bình như cổ tích, tiếng trống xa gần như thực như mơ.

 

Trẻ em thành phố thì khác hơn, mặc dù không được ngắm trăng trên bầu trời Thu trong vắt, nhưng các em được Rước đèn cùng đoàn trống lân sư rồng rộn ràng khắp phố. Ánh sáng của những chiếc đèn lồng, những trò chơi con trẻ lung linh đủ sắc như dàn sao sa trên trời. Rồi sau đó là tập hợp tai sân khấu biểu diễn văn nghệ, phá cỗ trong tiếng hát “tùng rinh, tùng rinh” rộn ràng .

 

Ngày nay, cuộc sống ngày càng gấp gáp khiến chúng ta quên đi những điều nhỏ bé nhưng thú vị. Ít khi nào trẻ em được cảm nhận vị Tết Trung thu một cách thật sự dân dã và cổ truyền. Trong vài năm gần đây, Quán Ăn Ngon và các tổ chức xã hội khác đã chung tay tổ chức một lễ hội Trung thu đậm chất truyền thống ở phu phố cổ Phan Đình Phùng.

 

Những mâm ngũ quả cổ truyền, những gánh hồng, thúng bưởi, những nghệ nhân nặn tò he, những món ăn được sản xuất tại chỗ dưới bàn tay của những đầu bếp nổi tiếng, nào bánh dẻo, bánh nướng thơm lừng cả con phố. Trẻ em háo hức xắn tay áo tập làm bánh nướng, rồi tung tăng phá cỗ, rước đèn.

 

Năm nay, dù không tổ chức linh đình như mọi năm, nhưng Quán Ăn Ngon vẫn tạo ra không khí Trung thu thật tưng bừng với đèn lồng, đèn ông sao, mâm ngũ quả, múa lân sư tử từ 25-27/9, với mong muốn tạo cho các em một không khí Tết Trung thu đậm chất cổ truyền, mang sắc vị của văn hoá truyền thống Việt Nam./.