Ra mắt sách dịch văn học Nga lần thứ IV tại Việt Nam

08:07, 15/10/2015

Chiều 14/10, tại Hà Nội, Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga cùng Quỹ hỗ trợ quảng bá văn học Nga và văn học Việt Nam đã tổ chức Lễ ra mắt sách dịch văn học Nga lần thứ IV tại Việt Nam. Bảy đầu sách kinh điển và hiện đại Nga ra mắt dịp này nằm trong giai đoạn 4 của Dự án dịch các tác phẩm văn học Nga sang tiếng Việt và văn học Việt Nam sang tiếng Nga .

Tại Lễ ra mắt, đại diện Cục Xuất bản, in và phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Xuân Thanh cho biết: Nhiều thế hệ người Việt Nam đã may mắn được đọc những cuốn sách của Li ên Xô trư ớc đ ây và luôn giữ được ấn tượng tốt đẹp về đất nước và con người Nga đầy tình cảm và tính nhân văn. Rất nhiều cuốn sách Xô viết cùng với các nhân vật đã trở thành kim chỉ nam, là lý tưởng, động lực cho các thế hệ người Việt Nam học tập và chiến đấu, góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước Việt Nam. Từ năm 2012, Chính phủ đã hỗ trợ Dự án dịch các tác phẩm văn học Nga sang tiếng Việt và văn học Việt Nam sang tiếng Nga, góp phần thúc đẩy sự hợp tác và tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Cộng hòa Liên bang Nga.

 

Tại Lễ ra mắt, Giám đốc Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội Elena Robertovna Zubtsova cũng chia sẻ, những năm gần đây, ở Việt Nam số người có thể đọc các tác phẩm văn học Nga bằng tiếng Nga ngày càng ít mặc dù sự quan tâm của người Việt Nam tới văn học Nga không giảm. Chính vì vậy, các bản dịch sách văn học Nga sang tiếng Việt cho phép tăng đáng kể lượng độc giả và thu hút sự chú ý của thế hệ mới tới nền văn học kinh điển và hiện đại của Nga. Trong khuôn khổ 3 giai đoạn đầu của dự án này, tất cả những cuốn sách được dịch đã tạo sự chú ý lớn của độc giả và chiếm vị trí xứng đáng trong các thư viện và trường học của Việt Nam. Bà Elena Robertovna Zubtsova hy vọng, dự án này sẽ được tiếp tục trong tương lai để các thư viện, trường học, tổ chức xã hội của Việt Nam tiếp tục được bổ sung nhiều mẫu sách dịch văn học Nga.

 

7 đầu sách được giới thiệu lần này là các tác phẩm: “Cô gái không của hồi môn” (tác giả Ostrovskyi A), “Du ngoạn vòng quanh châu Á” (tác giả Vyazemskyi A), Chủ nghĩa Marx và Triết học ngôn ngữ ( Voloshinov V), “Giáo đoàn nhà thờ” (tác giả Leskov N), “Người chồng vĩnh cửu” (tác giả Dostoevskyi), “Tuần đêm” (tác giả Lukianenko S) và “Chàng ngốc” (tác giả Dostoevskyi).

 

Một số tác phẩm có nội dung đặc sắc như: Nhật ký ghi chép “Du ngoạn vòng quanh châu Á” với nội dung về cảnh quan, văn hóa, phong tục tập quán, lịch sử các vùng miền khác nhau của Việt Nam cuối thế kỷ XIX; Chuyên khảo về phương pháp, lý thuyết học thuật ngôn ngữ và triết học “Chủ nghĩa Marx và Triết học ngôn ngữ”; Tiểu thuyết “Chàng ngốc” phản ánh xã hội Nga giữa thế kỷ XIX, tâm lý, lối sống và suy nghĩ của một bộ phận quý tộc sống trong xã hội Nga đương thời…

 

Đến nay, Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga và Quỹ hỗ trợ quảng bá văn học Nga và văn học Việt Nam đã hoàn thành được 25 đầu sách văn học Nga dịch sang tiếng Việt và một tác phẩm văn học Việt Nam dịch sang tiếng Nga ./.