Đắm lòng với câu ca trà Thái

14:00, 21/11/2015

Anh nâng cây đàn tính, búng nhẹ, lời đàn rổn ràng như tiếng suối reo. Chị ngồi bên, cất lời Then đằm thắm. Lần khác đến nhà, thấy anh ôm cây đàn kìm, nắn phím cho chị hát cải lương; hoặc anh kéo một khúc nhị động viên chị diễn tích chèo. Lúc anh buông hờ cây đàn, nhìn vợ đằm thắm, chị ngưng câu hát, nói với tôi: Sắp đến ngày diễn ra Festival Trà Thái Nguyên - Việt Nam lần thứ 3, vợ chồng tôi cùng ngồi luyện lại một số bài hát về quê hương chè, với mong muốn được hát, được diễn, được phục vụ công chúng. Đó là vợ chồng nghệ sĩ Nguyễn Thị Thanh - Trần Bình.

Từ nhiều năm nay, 2 người ngoài nghĩa vợ chồng, họ còn là một kép hát ăn ý. Ngôi nhà của 2 người ở tổ 1A, phường Tân Lập (T.P Thái Nguyên) là địa điểm bạn bè văn nghệ sĩ tụ họp, đàn hát và chia sẻ với nhau những vui buồn của cuộc đời. Chị Thanh cho biết: 16 tuổi, tôi đã là diễn viên của Đoàn cải lương Quyết Tiến (sau này đổi là Đoàn cải lương Bắc Thái). Qua những đêm diễn, tôi gặp nghệ sĩ Trần Bình, cảm mến mà xây dựng hạnh phúc với nhau. Do ở cùng Đoàn, nên đi biểu diễn ở đâu cũng có nhau. Là dân nghệ thuật, nên trong máu mỗi chúng tôi có 2 cuộc đời, một là của nhân vật trong đêm diễn, 2 là của chính bản thân mình. Nghệ thuật cho chúng tôi hạnh phúc, nên khi đã về nghỉ chế độ, tôi cùng chồng vẫn là một kép hát ăn ý.

 

Là dân thanh nhạc, chuyên về cải lương, nhưng khi về đời thường, chị còn hát thành công những điệu Then cổ, Then hiện đại; hát chèo; hát dân ca… Bạn bè bảo chị đa tài. Chị khiêm tốn: Cuộc sống đa chiều, cuốn mình theo… “Áo cơm đâu phải chuyện đùa”, làm nghệ sĩ cũng phải biết lo cho nồi cơm của gia đình, rồi mới có sức để cống hiến. Tôi nghĩ như thế vì thấy chị là người đàn bà bận rộn. Chị mở cửa hàng cho thuê trang phục biểu diễn tại nhà, lúc vắng khách lại tự may vá, thêu thùa. Khi rảnh, chị dạy các bạn trẻ kỹ thuật hát, tỉ mỉ từ cách thể hiện trên khuôn mặt, điệu bộ, cách nín, nhả hơi… Chị tâm sự: Vợ chồng mình hợp nhau ở chỗ mê hát. Có hôm cùng tập hát bài mới với nhau tới khuya muộn mới đi ngủ. Có những bài vợ chồng cùng tập cả tuần mới thấy tự tin, đi hát cho bạn bè cùng nghe, như bài hát chèo: “Ơn người thắm đượm hương trà tình dân” do Trần Bình - chồng tôi mới sáng tác dạo cuối năm 2014.

 

Chị dừng lời, nín hơi, miệng cất tiếng hát: “Hội trà đến hẹn cùng anh/Câu chèo, tiếng tính ngọt lành quê hương”. Lời hát mộc mạc, nhưng gần gũi, thân thiết. Bởi câu chèo và tiếng tính đi với nhau, chắc chỉ có ở đất chè Thái Nguyên mới có. Lại: “Mênh mông nương chè như gấm trải trong nắng mới/ Sớm chiều chuyên cần đôi tay người dệt mầm xuân”. Bằng điệu chèo Chinh phụ, chị đưa người nghe về một miền chè mênh mang, có nắng xuân ấm áp, có thôn nữ hái chè, cảnh vật thiên nhiên, con người hoà quyện. Vợ chồng chị đã tự biên, tự sáng tác và đã hát rất nhiều bài có nội dung ca ngợi xứ sở chè Thái Nguyên. Chị cho biết: Năm 2014, nghệ sĩ Nguyễn Đức Trạo, 79 tuổi đã từ Thái Bình lên thăm Thái Nguyên. Đi thăm vùng chè, tức cảnh sinh tình, ý thơ lai láng, nghệ sĩ đã cầm bút, viết lời bài hát chèo: “Xứ Trà đất thép quê tôi”. Trước khi về Thái Bình, nghệ sĩ đã tặng lại cho tôi và cánh nghệ sĩ Thái Nguyên.

 

Có lời bài hát mới, vợ chồng chị lại rủ bạn bè đến nhà cùng tập, cùng uốn nắn, kê chỉnh cho nhau từng lối hát, sao cho nhạc, nhịp và lời được nền nảy ăn khớp. Như lối hát sử xuân cho câu: “Thoăn thoắt trên nương cô gái dịu dàng/Hái búp chè tươi vẫy mây trời xinh đẹp”. Lối hát đường trường cho câu: “Đôi tay tiên rót nhẹ nhàng dâng tay đón/Khéo mắt như cười/Hương chè thơm nồng men say/Cung đàn nắn”. Lối hát đạo liễu cho câu: “Kết mối giao hoà/Thép chè rừng cây đang vững bước”. Gian phòng tràn đầy tiếng í… ì… i… của lời hát chèo làm không khí ấm áp, thân thiện. Bài hát mới ra, được luyện nhuyễn từng câu, vợ chồng chị cùng bạn yêu ca hát trong tỉnh mới, trình diễn phục vụ công chúng.

 

Để chương trình văn nghệ hấp dẫn, lôi cuốn người xem, người nghe, vợ chồng chị cùng bạn diễn xây dựng chương trình nghệ thuật tổng hợp: Hát then, hát dân ca, hát chèo và hát cải lương. Chị cùng các bạn diễn thường hát phục vụ nhân dân các xóm phố vào ngày đầu xuân; Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân và đám cưới, đám mừng thọ… Với suy nghĩ phục vụ theo yêu cầu của người dân, nên có những chương trình chuyên về hát chèo; hát then; hát dân ca hoặc hát cải lương… Có chương trình được hát ở nhiều thể loại, song không bị “loãng không khí” văn nghệ, mà luôn tạo được một sự vui tươi, phấn chấn cho người xem, người nghe. Điều đặc biệt là trong các chương trình văn nghệ, vợ chồng chị luôn lồng ghép vào ít nhất là một bài hát có nội dung về chè Thái Nguyên.

 

Nhân dịp Festival trà Thái Nguyên - Việt Nam năm nay, vợ chồng chị cùng các bạn hát đang tập luyện một chương trình văn nghệ, gồm những bài hát về chè và trà, trong đó có hát dân ca, hát chèo, hát then về trà. Đặc biệt có tiết mục hát cải lương về chè và trà, đó là bài hát: “Hương vị đất trời, chè Thái Nguyên”, do nghệ sĩ Hà Thành soạn lời. Bài hát có tất cả 38 câu. Trên nền nhạc vui tươi, phấn chấn, lời hát như đưa người nghe vào một không gian văn hoá chè mênh mang, có nắng, có gió, có giọt sương ban mai, có người nông dân tảo tần trong mưa nắng trên nương chè, có đôi bàn tay sơn nữ mềm mại pha trà mời bạn xa, gần thưởng ẩm.

 

Bên bàn trà, chị cất tiếng hát cải lương bằng điệu thu hồ: “Từ trăm miền du khách/về đây ngất ngây hương trà… Nâng cánh buồm chè vượt đại dương/Tình quốc tế bầu bạn khắp bốn phương/Đây nhãn hàng thương hiệu Việt Nam… Vượt muôn trùng sóng gió/Chè em tới bao chân trời…”.

 

Chị đắm lòng với câu hát ca ngợi quê hương chè Thái Nguyên. Mấy mươi năm nay, chị đã hát như thế, say đắm, tình cảm như chắt gạn từ nơi đáy tim mình từng giọt xuân hiến tặng cho cuộc đời.