Cầu nối giữa đạo và đời

08:23, 31/12/2015

Trở lại chùa Hang (Đồng Hỷ), chúng tôi ngỡ ngàng trước những đổi thay của cảnh quan nơi đây. Ngôi chùa ẩn trong núi, nay có thêm Chính điện Tam Bảo khang trang cùng với nhiều công trình phụ trợ lớn nhỏ. Ngày mai (1-1-2015), Nhà chùa sẽ chính thức tổ chức Đại Lễ khánh thành Chính điện Tam Bảo và đặt Long cốt ngôi Tổ đường. Hôm nay, mọi hoạt động chuẩn bị cho Đại lễ đã hoàn tất.

Lên chùa cầu một chữ An

 

Nói về việc xây dựng của Nhà chùa, Đại đức Thích Nguyên Thanh, Trụ trì chùa Hang cho biết: Chùa là nơi sinh hoạt của các phật tử, có chùa rồi thì các phật tử mới có nơi tu tập. Cùng với thời gian, chùa đã nhiều lần được tăng ni, phật tử và nhân dân xây dựng, trùng tu nhưng trải qua những biến cố, chùa không tránh khỏi xuống cấp trầm trọng. Hơn nữa, phật tử về lễ bái, tu học ngày càng đông, có thời điểm hàng vạn người chen chúc trong một khuôn viên chưa đến 600m2, vì vậy, xây dựng, mở rộng quy mô Nhà chùa là việc làm cần thiết. Nếu được nhiều người phát tâm công đức xây dựng ngôi chùa để làm cầu nối giữa đạo và đời thì chúng ta viên mãn chung một niềm mong ước. Đó là, con cháu và thế hệ sau có chỗ để tu tập, chuyển hóa độ đời, từ đó hiếu thuận và biết yêu thương nhau hơn trong cuộc sống này.

 

Với mong muốn ấy, ngày 26-2-2010, Đại đức Thích Nguyên Thanh đã có tờ trình gửi các cấp xin chủ trương lập dự án quy hoạch mở rộng quy mô Nhà chùa. Cùng với sự đồng thuận của các cấp chính quyền và nhân dân, ngày 27-6-2011, UBND tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch chi tiết công trình phục vụ Lễ hội chùa Hang và xây dựng, trùng tu di tích này với tổng diện tích là 8,2ha, kinh phí xây dựng dự kiến là 350 tỷ đồng, nguồn vốn hoàn toàn từ công đức xã hội hóa. Công trình sẽ hoàn thành trong khoảng 10 năm và chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 đã được khởi công xây dựng ngày 5-12-2011. Đến nay đã cơ bản hoàn thành đúng tiến độ đưa vào sử dụng 5 tiểu mục là: Chính điện Tam bảo, Lầu Chuông, Lầu Trống, Nhà thờ tổ và Tam quan nội với kinh phí xây dựng gần 60 tỷ đồng.

 

Đến chùa Hang vào thời điểm này, chúng tôi được chứng kiến sự cẩn thận, tỉ mỉ của các nghệ nhân và phật tử đang hoàn thiện nốt những bước cuối cùng cho ngày Đại lễ. Tại ngôi chính điện Tam bảo uy nghi, bề thế, chúng tôi gặp các nghệ nhân đang chăm chú dát vàng những pho tượng Phật. Bác Trần Quý, người được phân công phụ trách công việc ở đây cho biết: Ngoài những pho tượng Phật đang được dát vàng thì các công việc chuẩn bị cho ngày Đại Lễ đến nay đã cơ bản hoàn tất. Trong các phần việc, chúng tôi đã tăng cường giám sát và hết sức tiết kiệm, để không lãng phí công đức của phật tử gần xa. Quan sát các nghệ nhân làm việc chúng tôi được chiêm ngưỡng những đường nét nghệ thuật tinh xảo chạm nổi trên đá, trên gỗ các hoành phi, cánh võng… Ngôi Chính điện này có diện tích trên 520m2 và sử dụng hơn 300m3 gỗ để hoàn thành. Nét độc đáo ở đây là toàn bộ chữ viết trong ngôi chính điện đều được khắc bằng chữ Quốc ngữ, nên rất dễ đọc, dễ hiểu. Đại đức Thích Nguyên Thanh giải thích: Việc dùng chữ Quốc ngữ chính là hướng tới các phật tử và nhân dân. Nếu chỉ dùng chữ Nho như trước thì nhân dân sẽ không hiểu được nội dung dẫn tới không hiểu đạo và tâm không tăng trưởng, từ đó xa rời Phật môn. Những năm gần đây, Giáo Hội Phật giáo Việt Nam có chủ trương Việt hóa các nghi thức tụng niệm, chùa Hang cũng là một trong những ngôi chùa dùng tiếng Việt trong những bài Kinh, bài Sám để mọi người dễ hiểu, và đến với đạo Phật…

 

Tâm của vị chân tu

 

Chùa Hang có quy mô như ngày hôm nay có một phần công sức của Đại đức Thích Nguyên Thanh, trụ trì chùa. Năm 2009, khi Đại đức được Giáo hội phật giáo tỉnh bổ nhiệm trụ trì chùa Hang (Kim Sơn Tự), Đại đức đã sớm nhận ra giá trị tâm linh to lớn của di tích thắng cảnh “Chùa Hang - Kim Sơn tự” trong tương lai. Từ đó, Đại đức đã có ý tưởng trong 10 năm sẽ trùng tu và mở rộng quy mô, xứng tầm với ngôi chùa cổ tự đồng hành với huyền thoại động Tiên Lữ vốn có từ ngàn xưa, trở thành một trung tâm Phật giáo lớn của tỉnh Thái Nguyên. Ý tưởng của Đại đức đã nhận được sự đồng thuận của lớp người cao tuổi, của đông đảo nhân dân phật tử và được chính quyền các cấp ủng hộ. Từ đó, Đại đức đã bền bỉ xây dựng, đề xuất với các cấp chính quyền quy hoạch Nhà chùa, thiết kế trùng tu, tôn tạo, vận động xã hội hoá, kinh phí tôn tạo, mở rộng quy mô Nhà chùa.

 

Nói về việc xây dựng, mở rộng quy mô Nhà chùa, Đại đức nhấn mạnh: Trong quá trình xây dựng chùa chúng tôi đặc biệt quan tâm đến việc thiết kế, thi công để vừa tiện lợi, tiết kiệm, lại vừa bảo vệ môi trường sinh thái. Việc xây dựng Nhà chùa bước đầu gặp nhiều khó khăn vì nguồn tài chính hạn hẹp, trông cậy hoàn toàn vào nguồn vốn công đức xã hội hóa. Nhưng với sự thành tâm và sự gia trì lực của chư phật, ba năm qua chư tăng ni và phật tử hằng ngày đóng góp công lao động, cung tiến tiền của để đắp bồi cải tạo để hôm nay Nhà chùa đã cơ bản hoàn thành giai đoạn 1.

 

Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Thủy, Chủ tịch huyện Đồng Hỷ bảo: “Trong mỗi việc làm, Đại đức Thích Nguyên Thanh luôn hòa đồng với mọi người, dùng giáo lý Phật pháp để vận động người dân sống theo pháp luật. Tấm lòng chân thành của Đại đức xuất phát từ cái tâm của một vị chân tu, đã được người dân và chính quyền quý trọng cùng ghi nhận về nếp sống “tốt đời đẹp đạo” của Đại đức và nội chúng chùa Hang. Bên cạnh đó, Đại đức còn tham gia và khởi sự rất nhiều hoạt động từ thiện xã hội. Công đức và lòng từ bi của Đại đức đã trở thành điểm tựa cho bà con phật tử gần xa, góp phần ươm thêm nhiều hạt giống tốt cho xã hội.

 

Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, sau khi xây dựng hoàn thành giai đoạn 1, giờ đây, Đại đức đang tiếp tục kêu gọi sự trợ duyên chung của thập phương bá tính để đưa các công trình thuộc giai đoạn 2, giai đoạn 3 xây dựng xong với tiến độ nhanh nhất. Khi đó, quy mô Nhà chùa được hoàn thiện, các phật tử về chùa tu học Phật pháp sẽ có chỗ sinh hoạt ổn định, thoải mái, chính là để lại công đức cho con cháu muôn đời.