Hơn 400 tác phẩm trưng bày tại Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2015

08:24, 08/12/2015

Từ 4.076 tác phẩm gửi tham dự, Ban tổ chức đã lựa chọn ra được 409 tác phẩm trưng bày tại Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2015, với chất lượng được đánh giá là có mặt bằng cao hơn so với kỳ triển lãm trước.

Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm Vi Kiến Thành cho biết, Triển lãm sẽ diễn ra từ ngày 9 đến 23-12 tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, số 2 Hoa Lư, Hà Nội, mở cửa từ 8 đến 17 giờ.

 

Diễn ra định kỳ năm năm một lần, năm nay Triển lãm đổi tên từ Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc thành Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam, nhằm khẳng định quy mô, tầm vóc và ý nghĩa của quá trình năm năm của mỹ thuật Việt Nam. Có hai hội đồng nghệ thuật đánh giá các tác phẩm trưng bày trong triển lãm, là Hội đồng Nghệ thuật Hội họa, Đồ họa, Nghệ thuật trình diễn và video art, đứng đầu là PGS, họa sĩ Lê Anh Vân, Nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam, và Hội đồng nghệ thuật Điêu khắc và Nghệ thuật sắp đặt, do NSƯT, nhà điêu khắc Vương Duy Biên, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch đứng đầu.

 

Trong số 409 tác phẩm trưng bày, các Hội đồng nghệ thuật đã lựa chọn ra 38 tác phẩm xuất sắc nhất và trao năm giải thưởng đồng hạng của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Cục trưởng Vi Kiến Thành bật mí, năm nay sẽ có hai giải vàng, mỗi giải trị giá 50 triệu đồng.

 

Năm nay là lần đầu tiên Triển lãm thu hút được tài trợ, nhờ đó kinh phí dành cho giải thưởng đã tăng lên so với dự kiến ban đầu từ 22 giải lên 38 giải, tiền thưởng cho giải vàng cũng cao hơn trước.

 

Tại Triển lãm 2015, ngoài các tác phẩm được chọn trưng bày, còn có 13 tác phẩm do Chính phủ đặt hàng sáng tác về hai cuộc kháng chiến giai đoạn 1930 – 1975, đây là những tác phẩm không dự thi.

 

Song song với trưng bày, còn có bốn cuộc tọa đàm chuyên sâu về những vấn đề mà giới họa sĩ trong nước hiện đang quan tâm, như “Vai trò cá nhân của nghệ sĩ trong sáng tác mỹ thuật”, “Sáng tác đồ họa trong nước và quốc tế trong giai đoạn hiện nay”, “Thị trường mỹ thuật và sự phát triển các mô hình giám tuyển của Việt Nam từ đầu thập niên 90 đến nay” và “Nghệ thuật, bản sắc văn hóa trong thời đại số”.